ĐỪNG ÉP CON PHẢI CHÀO!!!


Tuần trước, mình có viết một bài mang tên CHÚNG TA TÔN TRỌNG BÉ ĐƯỢC CHỪNG NÀO và may mắn nhận được nhiều sự ủng hộ, chia sẻ của các bố mẹ.


Tuy nhiên, cũng có nhiều bạn comment và cả inbox thắc mắc việc mình viết “bắt con chào hỏi, cảm ơn, xin lỗi” là như thế nào? Chẳng phải đó là điều tốt và đáng làm hay sao. Mình có dự định viết về nội dung này cũng lâu rồi. Nhân tiện các mẹ hỏi, mình xin phép giải thích luôn nhé.


Trước hết, mình khẳng định Chào hỏi, Cảm ơn, Xin lỗi là những hành động vô cùng tốt và bố mẹ nên khuyến khích, động viên bé thực hiện mỗi ngày. Tuy nhiên, Khuyến khích không có nghĩa là Ép buộc. Trong bài viết này, mình chỉ đủ để nói về vấn đề Chào hỏi vì đã quá dài. Hai vấn đề kia xin phép nợ các mẹ trong bài viết sau.


🌷🌷🌷 Mẹ và bé đang đi trên đường, tình cờ gặp một bà trẻ mà bé chưa từng hoặc cực kì ít gặp. 90% các em bé tầm 2-3 tuổi sẽ không tự giác chào hỏi trước. Không phải vì bé không biết chào, không được dạy chào mà có thể vì:


1. Đối với bé, đó là người lạ. Nếu không phải là người thân trong gia đình, người gặp tuần 2-3 lần. Thì có thể trong trí nhớ của bé, đó là người lạ.


2. Bé chưa định hình được xưng hô thế nào. Bạn Tee nhà mình có giai đoạn tất cả đàn ông, bé đều gọi là ông xưng con, bất chấp người đó già trẻ thế nào. Các bạn í hoàn toàn không/chưa phân biệt được Đại từ nhân xưng: ông bà, cô dì, chú bác. Cho đến khi việc xưng hô đó lặp đi lặp lại.


🙄 Nhưng điều mẹ thường làm sẽ là giục giã con chào. Ok, điều đó không sao và thật may mắn nếu bé chào theo ý mẹ. Nếu bé vẫn không mở miệng, có thể sẽ còn nhận được sự trách mắng, nhiếc móc của mẹ.


😳 Ở một hoàn cảnh khác, người lớn cũng thường hay có những hành động ép buộc bé chào. Những câu: “Tee, chào bà chưa? Ạ bà chưa? Ơ không chào à? Hay thằng này không biết chào? Ôi không biết chào thật rồi. Lớn tướng mà không biết chào”... chính bản thân mình cũng gặp nhiều lần. Có lần, bạn Tee nhà mình còn bị ép chào đến suýt khóc nhưng bạn í cương quyết không chào. Tự hỏi, những người lớn đó đã khi nào ngồi xuống ngang bé, chào bé trước hay chưa? Cớ sao cứ ép bé chào trong khi người lớn lại không hề làm mẫu?


🍀🍀🍀 Đó chính xác là những gì mình muốn nói đến trong cụm từ “ép bé chào hỏi” bài trước. Vậy, trong những tình huống đó, bố mẹ nên làm gì?


🍭 Thay vì yêu cầu con chào người lạ, hãy ngồi xuống nhìn bé hoặc bế bé lên ngang tầm người lớn và giới thiệu họ với bé. Thay vì nói “con chào bà đi” hãy giải thích cho bé: “Đây là dì của mẹ. Giống như con với dì Bông í. Con gọi là bà trẻ. Bà rất quý con. Bà cũng có một cậu lớn hơn con một chút. Hồi con bé xíu, chúng mình cũng từng tới nhà bà chơi rồi đó. Nhà bà có bạn puppy mà con thích đó. Con nhớ không? Con có muốn cùng mẹ chào bà không?”. Hoặc “Đây là cô bạn mẹ. Ngày xưa hồi bé xíu như con, mẹ học cùng lớp với cô đấy”...


Có thể bạn thấy là rườm rà, là dài dòng, phức tạp. Nhưng đó chính là những gì bạn nên làm để nhận được lời chào hỏi tự nguyện của con chứ không hề ép buộc. Và đó là sự tôn trọng bé. Bé cần biết và có quyền biết về người bé sẽ chào, chứ không phải là con vẹt nhắc lại lời người lớn.


🍭 Hãy là người chào trước. Dù bạn là bố mẹ bé hay người đối diện thì cũng hãy là người chào trước. Hãy làm gương cho bé để bé biết đó không phải là người lạ. Khi chào bé, nếu có thể, hãy cúi xuống ngang tầm với bé. Cách bạn chào hỏi, đối xử với bé cũng sẽ khiến bé cảm thấy bé có đang được tôn trọng hay không.


🍭 Lên tiếng trước nhưng lời ép buộc bé chào, những trường hợp tương tự như mình kể trên. Lên tiếng thế nào là do cách của bạn, mối quan hệ của bạn, nhưng đừng im lặng. Im lặng là bạn đang vô tình đồng ý cho một hình thức “bắt nạt” bé. Bạn có thể đánh trống lảng để người đối diện không coi bé là tâm điểm nữa hoặc mình cũng nhiều lần từng nói với họ: “Cháu không ép buộc con chào đâu/ Nó không thích thì thôi...”


🍭 Tìm kiếm sự đồng thuận của người thân như vợ chồng, ông bà hai bên. Trong một vài mối quan hệ, bạn không tiện lên tiếng nhưng chồng bạn, người thân bạn lại có thể dễ dàng hơn. Càng nhiều người lớn hiểu được điều này thì càng nhiều em bé không bị ép chào một cách miễn cưỡng.


🍭 Tránh xa, hạn chế tiếp xúc với những người luôn có thái độ không tốt với con bạn. Bạn không thể bắt họ thay đổi suy nghĩ nhưng bạn có quyền tránh xa họ, không để những điều tiêu cực của họ ảnh hưởng đến bạn và con cái bạn.


🌿🌿🌿 Sau tất cả, có thể đôi lần bạn sẽ nghe thấy ai đó nói bạn không biết dạy con hoặc “làm như mình nó có con” nhưng chính bạn sẽ là người hiểu rõ nhất bạn đang làm điều gì cho bé. Và tin mình đi, nếu bạn đủ tôn trọng con, con sẵn sàng vui vẻ chào hỏi ngay cả khi bạn không hề yêu cầu.


Cuối cùng, lời chào hỏi chưa bao giờ đủ để đánh giá một con người.


HÃY TRỞ THÀNH NHỮNG NGƯỜI LỚN LỊCH SỰ VÀ CÓ DUYÊN NGAY TỪ VIỆC CHỦ ĐỘNG CHÀO BÉ TRƯỚC, NGƯỜI LỚN NHÉ!


-Mẹ Tee-