Dạy bé tự ăn từ sớm vừa giúp ích cho thói quen ăn uống của bé vừa có lợi cho việc hình thành tính tự lập. Quá trình tập cho bé biết tự ăn yêu cầu cha mẹ cần phải thật kiên nhẫn và thực hiện đúng phương pháp. Bài viết này là một vài lời khuyên dành cho các cha mẹ.

1. Tập cho bé tự ăn theo từng độ tuổi

Trình tự dạy trẻ tự ăn

Để rèn luyện khả năng tự ăn cho bé thì cha mẹ cần phải tiến hành từ từ theo từng giai đoạn:

  • 6 tháng tuổi

Khi bé được tầm 6 tháng tuổi, bé đã có thể ngồi, cầm nắm đồ vật và nuốt chất rắn. Đây cũng chính là thời điểm lý tưởng để cha mẹ bắt đầu dạy con tự ăn. Đầu tiên, trẻ sẽ cần phải học cách tự cầm đồ ăn. Hầu hết trẻ sơ sinh bắt đầu bằng cách chỉ cầm thức ăn trong tay vì trẻ chưa học được cách phối hợp các ngón tay để lấy và di chuyển thức ăn lên miệng. Vào bữa ăn, cha mẹ hãy đặt vào khay đồ ăn trên ghế ngồi của con một vài miếng trái cây, bánh ăn dặm hoặc các loại rau củ luộc như đậu que, cà rốt… Lúc đầu, trẻ sẽ chỉ nắm lấy và “khám phá” đồ ăn của mình. Sau một vài lần thì bé sẽ biết cách đưa đồ ăn vào miệng. Và cuối cùng, khi bé gặm được thức ăn thì bé sẽ tự luyện cách nhai. 

  • 7-8 tháng tuổi

Bước vào giai đoạn ăn dặm, khi trẻ được khoảng 7-8 tháng tuổi, cha mẹ nên giới thiệu và cho bé làm quen với việc tự xúc ăn bằng thìa. Trong khoảng một tháng đầu của giai đoạn ăn dặm, cha mẹ có thể cho con làm quen với thìa bằng cách chỉ đơn giản là đưa cho con nghịch một cái thìa trong khi bạn dùng một cái thìa khác để đút thức ăn cho con. Việc này không chỉ đơn thuần là giúp bé quen với việc cầm thìa mà còn là để con quan sát được cách cha mẹ dùng thìa để xúc thức ăn và đưa lên miệng. Sau một khoảng thời gian, bạn sẽ thấy con cố gắng đưa thìa vào bát.

  • 9-12 tháng tuổi

Khi bé hoàn thiện khả năng cầm nắm, thường từ 9-12 tháng, cha mẹ có thể để bé tự ăn bằng thìa. Dù bé vẫn chưa thể dùng thành thạo những cha mẹ hãy cứ cố gắng duy trì để bé luyện tập ăn với thìa và giúp bé chỉnh sửa cách cầm, cách ăn mỗi ngày để con có thể thành thạo việc tự ăn khi bước sang tuổi thứ 2.

tập cho bé tự ăn

Những loại thực phẩm thích hợp để cho bé học cầm nắm thức ăn

Bạn nên chuẩn bị cho trẻ những loại thực phẩm mềm, dễ nhai, dễ nuốt, dễ tiêu hóa và nên cắt thành những miếng vừa ăn. Cha mẹ cũng không cần phải lo rằng con không có đủ răng để nhai vì nướu của con bạn có khả năng nhai khá tốt. Một số loại thực phẩm nên thử:

  • Chuối
  • Xoài
  • Bánh mì
  • Phô mai
  • Bông cải xanh hấp
  • Rau bina
  • Đậu hũ
  • Mì ống nấu chín

Thực phẩm nên tránh cho trẻ sơ sinh

Cũng có những loại thức ăn bạn không nên dùng để dạy bé tự ăn, bao gồm những loại thức ăn không tan trong miệng, không thể nghiền bằng nướu hoặc có thể dễ bị mắc vào khí quản. Dưới đây là một số loại thực phẩm cần tránh:

  • Nho khô và nho nguyên hạt
  • Quả hạch và hạt (kể cả bỏng ngô)
  • Đậu Hà Lan hoặc đậu xanh nguyên hạt 
  • Rau sống, chắc như cà rốt hoặc ớt chuông
  • Trái cây thô, chắc như táo, lê chưa chín và nho
  • Bơ đậu phộng lớn
  • Xúc xích
  • Kẹo cứng hoặc dính

Sau khi bé mọc răng hàm (răng cửa là để cắn và không cải thiện khả năng nhai của trẻ) vào khoảng cuối năm đầu tiên (đối với trẻ mọc răng sớm), bạn có thể bổ sung thức ăn cần nhai thật kỹ. Chúng bao gồm táo, lê, đào (cắt thành những miếng rất nhỏ); thịt thái lát nhỏ (cắt ngang thớ); và nho không hạt (bỏ vỏ và cắt đôi).

Nhưng hãy hạn chế cho đến khi 4 hoặc 5 tuổi đối với những thực phẩm có nguy cơ gây nghẹt thở phổ biến như cà rốt sống, bỏng ngô, các loại hạt và xúc xích nguyên cây. Cha mẹ chỉ nên cho con ăn những loại thực phẩm này khi con đã nhai tốt.

2. Những nguyên tắc giúp bé tự ăn nhanh

Có một số mẹo mà cha mẹ có thể làm theo để giúp trẻ tự ăn nhanh hơn và tốt hơn:

Trang trí đồ ăn bắt mắt

Trang trí đồ ăn bắt mắt với những màu sắc đa dạng và hình thù ngộ nghĩnh sẽ khiến trẻ cảm thấy thích thú với việc ăn hơn. Điều này không chỉ giúp trẻ ăn được nhiều và nhanh hơn mà còn giúp trẻ ăn đa dạng thực ẩm, loại bỏ thói quen kén ăn. Một số cách trang trí đồ ăn cho trẻ:

  • Tạo hình mặt cười

Đây là cách trang trí đơn giản và vẫn thú vị với bé. Cắt rau và trái cây, tạo hình và mặt cười. Đặt chúng cẩn thận trên đĩa và quan sát kỹ phản ứng của con bạn. Con bạn không chỉ thấy hấp dẫn mà món ăn còn khiến cả những đứa trẻ khó tính nhất cũng phải mỉm cười. 

  • Tạo hình kẹo mút

Với tạo hình này, cha mẹ có thể sử dụng rau củ hoặc trái cây, cắt thành hình tròn và xiên vào que. Khi trẻ lớn hơn và đã có thể nhai tốt, bạn có thể sử dụng thịt viên. 

  • Tạo hình các nhân vật hoạt hình

Nếu khéo tay, bạn có thể tạo hình đồ ăn của trẻ thành những nhân vật hoạt hình mà con yêu thích hay thường xem trên ti vi. 

Sử dụng dụng cụ ăn dành cho bé

Sau khi bé thành thạo việc ăn bằng tay, bước tiếp theo là cung cấp đồ dùng cho bé. Hầu hết trẻ em trở nên thành thạo trong việc sử dụng thìa và dĩa để tự ăn trong khoảng thời gian từ 15 đến 18 tháng, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn cần phải đợi đến lúc đó mới bắt đầu cho chúng tiếp xúc với đồ dùng. Cha mẹ nên cho trẻ làm quen với dụng cụ ăn khi bắt đầu quá trình ăn dặm. Cũng như bé cần nhiều lần tập ăn bằng tay, bé cũng sẽ cần nhiều cơ hội để thử ăn bằng dụng cụ. 

" Mặc kệ" ( để cho bé thỏa sức ăn, làm rớt lung tung...)

Khi cha mẹ bắt đầu cho phép bé chạm vào đồ ăn và dạy bé tự ăn, mọi thứ sẽ trở nên lộn xộn. Và điều này là bình thường, cha mẹ đừng căng thẳng nếu con bày bừa thức ăn khắp nơi. Bạn có thể cho bé mặc tạp dề trẻ em, đặt khăn trên sàn nếu bạn lo lắng về việc thức ăn rơi ra, hoặc cởi đồ và chỉ cho bé mặc tã! Ngoài ra, hãy chuẩn bị sẵn khăn lau cho bé và cây lau nhà gần đó. Bạn thậm chí có thể phải tắm cho bé sau giờ ăn. Một bữa ăn lộn xộn vẫn là một sự thành công vì điều đó có nghĩa là bé đang cố gắng tự ăn. Chẳng bao lâu nữa, con bạn sẽ xử lý tốt hơn các loại thực phẩm khác nhau và bớt lộn xộn hơn. Đây là một phần của quá trình dạy bé tự ăn.

bé tự ăn

Không ép bé ăn

Cần có thời gian để học cách tự ăn, vì vậy cha mẹ hãy kiên nhẫn với con. Đừng cố gắng ép trẻ ăn để rút ngắn quá trình dạy trẻ tự ăn hoặc giờ ăn. Cha mẹ hãy để trẻ ăn theo tốc độ của mình vì trẻ sẽ tự cảm thấy no hoặc đói và ăn theo cảm nhận của mình. Việc ép trẻ ăn sẽ có thể khiến trẻ cảm thấy sợ ăn và chán ăn. Nếu trẻ cảm thấy căng thẳng khi ăn, việc tiêu hóa và hấp thụ thức ăn của trẻ cũng sẽ không tốt,

Dạy con tự ăn càng sớm, cha mẹ sẽ càng cảm thấy thoải mái và đỡ bị áp lực hơn với chuyện ăn uống của con. Và quan trọng nhất, khi bé tự ăn được, bé sẽ hình thành thói quen ăn uống tốt cho sức khỏe và kỹ năng sống tự lập.