Con tự học là điều mà bất cứ ba mẹ nào cũng mong muốn! Hãy thử hình dung con của bạn (đang học cấp 1) cứ tới giờ là tự giác ngồi vào bàn học bài một cách nghiêm túc mà bạn không cần phải nhắc nhở….thì sẽ tốt biết bao nhiêu!

Nhưng…

Đúng là không dễ dàng gì một đứa trẻ lại có thể tự học được.

Bạn nhận thấy mình đang hầu như bất lực trong việc dạy con tự học? Và bạn bắt đầu để ý thấy con của mình quá mải mê ham chơi, không bao giờ tự giác ngồi vào bàn học mà không có sự nhắc nhở hoặc thậm chí đe dọa thì mới chịu miễn cưỡng học. Khi vào học rồi thì thằng bé/con bé lại uể oải ngáp ngắn ngáp dài không thèm tập trung….

Điều ước bất khả thi!

Nhưng khoan đã, học tập là yếu tố cốt lõi tạo nên thành công của mỗi con người mà. Do đó bằng mọi giá cần phải giúp cho các con rèn luyện được kỷ luật trong học hành, có như vậy mới tốt cho quãng đời còn lại của chúng.

Và bạn cần phải làm được, vì tương lai của con….

Chính tác giả cũng từng loay hoay trong việc dạy con tự học. Bài viết này sẽ cung cấp các cách hiệu quả và thực tế đúc rút từ chính kinh nghiệm của bản thân khi đồng hành cùng các con:

Thứ nhất, bạn hãy là TẤM GƯƠNG SÁNG để dạy con tự học:

Trẻ con rất hay để ý đến hành động của bố mẹ và quan sát bố mẹ để bắt chước theo. Do đó, bạn cần thường xuyên chỉ ra cho trẻ ở thời điểm hiện tại, bạn vẫn đang trong quá trình mày mò tìm hiểu để học hỏi thêm các kiến thức, kỹ năng mới cải thiện công việc của bạn. Bạn là người thầy đầu tiên của trẻ.

hình ảnh

Hãy thử tưởng tượng bạn lấy 1 quyển sách ra đọc và trẻ lại gần tò mò hỏi mẹ đang đọc gì thế, có hay không mẹ?

Và bạn trả lời: “Mẹ đang học thêm về nấu các món mới nè con. Mẹ thấy rất hay!”

Trẻ tất nhiên sẽ không thể hiểu hết được kiến thức của người lớn. Tuy nhiên, trẻ sẽ có ấn tượng trong đầu rằng mẹ lớn rồi mà còn học, chắc sẽ có nhiều thứ thú vị lắm! Cách này giúp trẻ hình thành sự tò mò, hứng thú, yêu thích khám phá để học hỏi thêm.

Từ đó, vào một ngày đẹp trời, bạn rủ trẻ đi ra nhà sách chơi vì bạn cần tìm sách đọc thêm. Rồi trẻ bắt đầu thích thú khi cùng với mẹ tự lựa chọn hết quyển sách này đến quyển sách kia rồi xin mẹ mua chúng về để đọc….Về đến nhà trẻ giở sách ra đọc từng trang rồi lại kể cho bạn nghe nội dung vừa đọc được.

Thế là bạn đã thành công bước đầu trong việc dạy trẻ tự học rồi đó ạ!

Thứ hai, đề ra quy tắc về thứ tự THỜI GIAN ƯU TIÊN:

Có nhiều mẹ hẳn sẽ rất đau đầu khi trẻ vừa đi học về đã cầm điện thoại/Ipad bấm chơi những trò chơi yêu thích một cách say sưa…Và chẳng màn đến bài tập về nhà cô giáo giao cho trên lớp. Đúng là dễ điên tiết với chúng!

Đó là trước khi bạn đề ra quy tắc thứ tự thời gian ưu tiên.

Quy tắc này như sau: Con chỉ được phép chơi các trò chơi trên điện thoại/Ipad SAU KHI con hoàn thành trọn vẹn bài tập cô giao trên lớp và bài tập ba/mẹ quy định (như đọc lại bài đọc tiếng việt, nhẩm thuộc bảng cửu chương 2…). Lưu ý là con phải thực sự làm hết và làm đúng các bài tập đã giao (tức là làm trọn vẹn) thì mới được phép chơi trò chơi con yêu thích.

hình ảnh

Bạn tin được không? Con của mình làm bài tập rất nhanh!

Sau đó chúng hí hửng chơi các trò chơi yêu thích của chúng trong thời gian quy định (ví dụ: 30 phút).

Đều như bắp ngày nào cũng vậy! Con đi học về là phi thẳng vào bàn làm bài tập rồi chủ động đưa ba mẹ kiểm tra lại. Thậm chí, con còn hoàn thành luôn bài tập trong giờ ra chơi ở trường…

Đến nỗi, cô giáo và hàng xóm cũng ngạc nhiên và khen ngợi: “Nó còn nhỏ mà tập trung và tự học giỏi quá!”

Và thật tuyệt vời nếu như trẻ có thể tự nâng cao lên thành kỹ năng sắp xếp quản lý thời gian: biết cái gì làm trước, cái gì làm sau, ưu tiên cái gì để có thể vừa học tốt vừa có thời gian vui chơi giải trí.

Thứ ba, tìm kiếm PHƯƠNG PHÁP HỌC phù hợp với trẻ:

Mỗi trẻ sẽ thích ứng với các phương pháp học tập khác nhau. Có trẻ thì nhớ nhanh các từ tiếng việt chỉ sau vài lần đọc chúng. Có trẻ thì phải viết ra nhiều lần trên giấy mới nhớ được.

Có trẻ chỉ thích phương pháp đọc và ghi nhớ luôn trong đầu, có trẻ thì thích phương pháp viết ra để ghi nhớ. Hoặc thậm chí có trẻ phải liên tưởng chữ cái đó với cái gì khác ngoài đời (ví dụ chữ A với cái thang) thì mới nhớ được. Phương pháp A có thể hiệu quả đối với trẻ này nhưng lại không hiệu quả đối với trẻ khác.

hình ảnh

Mỗi bé là một phiên bản duy nhất nên sẽ có phương pháp học phù hợp với con nhất. Bạn hãy tìm hiểu và thử các cách khác nhau để áp dụng cho trẻ. Khi lựa chọn đúng phương pháp, con sẽ hứng thú học tập và kích thích con tự học hiệu quả.

Thứ tư, giúp trẻ khám phá MÔN HỌC YÊU THÍCH để đào sâu thêm:

Trẻ không cần phải giỏi tất cả các môn. Nhiều phụ huynh thường kỳ vọng trẻ đạt điểm cao ở tất cả các môn học. Điều này dễ khiến cho trẻ chán nản ở các môn không phải thế mạnh của bé, gây ra áp lực và khiến con dễ chán học.

Thay vì yêu cầu trẻ giỏi và điểm cao ở tất cả các môn, bạn thử khuyến khích trẻ lựa chọn đào sâu nghiên cứu thêm môn học mà trẻ thực sự yêu thích. Có 1 gợi ý là bạn dẫn trẻ đi thư viện để giúp trẻ tìm thêm các quyển sách về đề tài trẻ cảm thấy hứng thú. Đơn giản như là đề tài về khủng long, về vũ trụ… Bất cứ đề tài nào cũng được cả!

Đọc sách và tự nghiên cứu là cách để rèn luyện trẻ tự học. Sau khi trẻ khám phá thêm kiến thức về các chủ đề mới, trẻ đi kể lại với bạn bè, bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy rằng con thích thú và hăng say như thế nào đối với việc học.

hình ảnh

Vì mỗi đứa trẻ có những thiên hướng nghề nghiệp và tính cách khác nhau, bạn hãy để trẻ thỏa sức tìm tòi học hỏi những lĩnh vực mà con yêu thích và có nhu cầu tìm hiểu thêm.

Mình thực sự tin đây là nền tảng cho cả sự nghiệp của con về sau. Việc học là cả đời nên không cần con phải học giỏi ngay lập tức mà quan trọng là bạn hình thành thói quen mày mò tìm hiểu của con. Khi đã hình thành thói quen này rồi, kể cả khi không có bạn bên cạnh, con vẫn sẽ tự học rất tốt cho giai đoạn phát triển sau này.

Thứ năm, khuyến khích trẻ CHỦ ĐỘNG TƯ DUY:

Trong các bài tập trẻ được giao về nhà, trẻ cần tự chủ động giải quyết chúng. Đối với những bài tập khó bạn không đưa ra cho trẻ lời giải ngay lập tức mà cho con thời gian 30 phút suy nghĩ chẳng hạn.

Sau thời gian suy nghĩ, ít nhất trẻ cũng đã ép bộ não của mình hoạt động bằng cách này hay cách khác. Bạn có thể đưa ra gợi ý đầu tiên (nhỏ thôi) nếu bài tập quá khó, rồi cứ để trẻ động não tiếp.

Chỉ có như vậy, trẻ mới có thể hình thành được tư duy chủ động giải quyết vấn đề. Không trông chờ hay ỷ lại quá nhiều vào bố mẹ giải quyết cho chúng.

hình ảnh

Thế là bạn được giải phóng, đúng không? Và trẻ thì vẫn duy trì được phong độ học tập ở trường.

LỜI KẾT

Dạy trẻ tự học là một hành trình không hề đơn giản chút nào. Vì bản chất của các trẻ vẫn là mải mê ham chơi (người lớn còn như vậy huống chi là trẻ). Việc biến từ ham chơi thành ham học cần có sự kiên trì ổn định đồng hành của bạn.

Bạn – ba mẹ của trẻ là nhân tố quan trọng cho cuộc đời và hành trình tự học về sau để giúp con mở ra những chân trời tri thức mới. Kết hợp 5 cách trên, mình đã thành công trong khi rèn 2 trẻ đầu của mình tự học.

Bạn thử áp dụng xem, nếu có cách nào mới hơn và hay hơn hãy chia sẽ thêm cho nhiều người cùng biết nhé!

Nuôi con và đồng hành cùng con lớn khôn là một hành trình dài và không hề đơn giản.

Trẻ cần được trải nghiệm những thứ thú vị, để hình thành sự yêu thích, sau đó là thói quen và dần dần đi đến sự tự kỷ luật.

Chúc ba mẹ và các con thành công!

Nguồn: tuduydep.com