Các mẹ ơi,



Chuyện xảy ra đã hai năm rồi, giờ em có bé thứ 2 rồi nhưng em vẫn không quên được câu chuyện đau lòng đã xảy ra cho đứa con trai đầu của em :(



Em nghĩ em là bà mẹ tồi tệ nhất thế gian này, vì đã hại chết con mình. Hai năm qua em sống trong ân hận, khổ sở, lúc bình thường không sao, nhưng mỗi khi em nhìn đứa con thứ 2, hay nhìn vào nồi cơm điện, hoặc gần đến ngày con em mất là em lại đau nhói nơi lồng ngực.



Em không muốn gợi lại nỗi đau của em, nhưng em nghĩ em phải chia sẻ câu chuyện của mình để các mẹ cẩn thận hơn, đừng như em, lúc con mất đi hối hận không kịp.



Khoảng giữa tháng 6/2014, lúc đó con em được 18 tháng tuổi, bé trai và rất kháu khỉnh, cả dòng họ nội ngoại ai cũng cưng, cũng thương. Con em biết đi lúc 14 tháng, tuy có hơi chậm nhưng lúc biết đi rồi thì rất rành, chạy lung tung khắp nhà. Con em thì hiếu động mà nhà thì diện tích nhỏ lại nhiều đồ đạc. Khi con biết đi, em đã cố gắng dẹp gọn các vật dụng nguy hiểm một cách tối đa rồi, em nghĩ là con em sẽ không bao giờ xảy ra chuyện gì. Nhưng các mẹ ạ, cái số em vậy rồi, không qua được, chắc kiếp trước em ăn ở ác nên giờ con em bỏ đi.



Thủ phạm gây ra cái chết của con em chính là cái nồi cơm điện đấy các mẹ. Em không bao giờ nghĩ là con em sẽ bỏ em đi vì một cái nồi cơm điện. Nhà em để nồi cơm điện trên cái ghế con thấp, do ổ cắm điện nhà em toàn bộ nằm dưới thấp thôi, vì thế nồi cơm phải để gần dưới đất để cắm điện nấu cho tiện.



Bố chồng em thì tính hay quên lắm, do tuổi già mà. Rất nhiều lần ông nhắc nồi cơm ra mà quên không tháo phích cắm điện ra, em phát hiện và có bảo với ông nhưng ông cứ hay quên. Em nhớ hôm đấy, sau khi em vo gạo xong quay trở lại để cho nồi cơm vào nấu thì phát hiện con trai em nằm bất động dưới đất, gần nồi cơm đang cắm điện. Em không hiểu chuyện gì đã xảy ra, em quá hoảng sợ nên mất vài phút em mới hoàn hồn lại, em chạm vào con để lay con dậy, em cảm nhận được dòng điện nên vội ngắt cầu dao, và lập tức đưa con đi cấp cứu.



Khi con em được đưa vào viện, các bác sĩ xác định con em tim đã ngưng thở, giãn đồng tử. Các bác sĩ hồi sức cho con em đến khi tim đập lại, thì chuyển đến khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 2, lúc này con em vẫn trong tình trạng hôn mê sâu.



Khi đến bệnh viện Nhi Đồng 2, mặc dù được các bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng sức khỏe con em ngày càng xấu đi, và đã trút hơi thở cuối cùng vài tiếng sau đó. Viết đến đây em lại khóc đây các mẹ, khi nhận tin con qua đời em đã ngã quỵ tại bệnh viện, mặt em đờ đẫn không rơi nổi một giọt nước mắt nào. Mãi khi con được chôn cất xong thì đêm nào em cũng khóc vì nhớ con, chồng em phải ôm em vào lòng vỗ về, em mới chợp mắt được.



Nguyên nhân cái chết của con em là do bị điện giật, đêm hôm trước bố chồng em nhắc nồi cơm xuống bếp mà quên tháo phích điện, cả nhà em không một ai để ý là nồi cơm điện vẫn đang trong chế độ hoạt động cả. Cho đến trưa hôm sau, em vo gạo dưới bếp xong mang lên nhà trên để nấu thì phát hiện sự việc. Trong lúc em vo gạo, con em chạy lên chỗ nồi cơm chơi, chính cái đèn báo hiệu chức năng nấu đã gây chú ý cho thằng bé. Con em có thể đã cho tay vào nồi cơm đang có điện, hoặc dây dẫn điện của nồi cơm bị rò rỉ, khiến dòng điện truyền ra ngoài khiến con em tử vong.



Bác sĩ bảo là dù nguyên nhân nào thì việc kê các vật dụng có sử dụng điện trong tầm tiếp xúc của trẻ cũng là điều không nên. Bác sĩ còn nói thêm là tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 và Bệnh viện Nhi Đồng 2 mỗi năm vẫn tiếp nhận những trường hợp trẻ em nguy kịch do bị điện giật. Các bé thường cho tay vào ổ điện, phích cắm, bóng đèn, tủ lạnh, quạt máy hoặc bị giật do dây điện bị chuột cắn mà người lớn không biết.



Từ bài học đó, khi có con thứ 2 em dọn tất cả đồ đạc nguy hiểm lên trên cao, đặt nồi cơm điện lên bếp cao, luôn kiểm tra tất cả các thiết bị điện mỗi khi sử dụng xong để đảm bảo rằng đã tháo phích cắm điện ra khỏi ổ cắm, em còn thuê thợ điện về sửa chữa, đưa tất cả các ổ cắm điện của nhà em lên cao, chỉ có người lớn trong nhà mới đụng tới được.



Và em cũng học được một bài học là chớ chủ quan với bất kì một biểu hiện nào, hay hiện tượng nào có thể gây nguy hiểm cho con em.