Tự lập mà một kỹ năng quan trọng với quá trình trưởng thành và phát triển của trẻ. Dạy con tự lập từ nhỏ là điều rất cần thiết nhưng không phải cha mẹ nào cũng dễ dàng làm được. Nếu muốn biết làm thế nào để bé tự lập, mời các bậc phụ huynh theo dõi bài viết dưới đây.

1. Dạy con tự chăm sóc bản thân

Nhiều cha mẹ cảm thấy khó khăn khi dạy con tự chăm sóc bản thân, nhất là khi trẻ còn nhỏ tuổi. Nhưng nếu bạn kiên nhẫn và dạy trẻ một cách khoa học, trẻ sẽ nhanh chóng học được kỹ năng này.

Dạy con tự ngủ

Dạy trẻ ngủ một mình đúng độ tuổi là rất quan trọng. Nếu bạn làm điều đó quá sớm, nó có thể gây ra sự xa cách hoặc cảm giác tách biệt ở trẻ. Nhưng nếu được thực hiện quá muộn, việc phá bỏ sự phụ thuộc và dạy con tự lập có thể cực kỳ khó khăn. Khi con bạn được khoảng 2 đến 3 tuổi, đây là thời điểm thích hợp để dạy con tự ngủ. Dưới đây là một số mẹo nhỏ để cha mẹ rèn luyện cho trẻ thói quen tự ngủ:

- Bắt đầu chậm

Đừng bắt trẻ đột ngột ngủ một mình. Bắt đầu chậm, đầu tiên cha mẹ hãy chọn ra một hoặc hai ngày trong tuần để trẻ ngủ một mình, xem con phản ứng như thế nào. Và sau đó, bạn có thể tăng số ngày trong tuần để trẻ quen dần.

- Thể hiện sự hiện diện của cha mẹ

Một số trẻ em thường sẽ cảm thấy an toàn khi chúng cảm nhận được cha mẹ bằng giọng nói của họ hoặc thậm chí bằng một chiếc áo hoặc tấm chăn. Bạn có thể thử làm điều đó để con cảm thấy an tâm khi ngủ một mình.

- Hãy vững vàng

Ngay khi bạn cảm thấy rằng con mình cuối cùng cũng học cách ngủ một mình, trẻ có thể đến phòng bạn, khóc và yêu cầu được ngủ chung với cha mẹ. Hãy nhẹ nhàng và dẫn con về phòng của mình. Nếu cần, bạn có thể đứng trước cửa phòng con vài phút cho đến khi con ngủ thiếp đi.

hình ảnh

- Khuyến khích và kỷ niệm

Khi con bạn tự ngủ thành công một đêm, cha mẹ có thể tặng con một món quà hay nấu cho con một bữa ăn nhẹ để ăn mừng. Điều này có thể khiến trẻ cảm thấy tự hào về bản thân, giúp trẻ dũng cảm hơn và có động lực để tiếp tục ngủ một mình.

- Dạy con tự ăn uống

Rèn luyện cho con thói quen tự ăn uống cũng là điều quan trọng khi dạy trẻ tự lập. Dưới đây là một số mẹo hữu ích dành cho các phụ huynh:

- Bắt đầu bằng việc để trẻ ăn bằng tay

Trước tiên, cha mẹ hãy khuyến khích trẻ dùng tay để cầm và ăn đồ ăn. Cách tốt để bắt đầu là đặt một vài miếng thức ăn vào khay trên ghế ăn của con. 

- Giới thiệu và khuyến khích bé sử dụng đồ dùng (thìa, dĩa, đũa)

Ban đầu, bạn nên có hai cái thìa – một cái để giúp trẻ ăn và một cái để trẻ cầm và tập sử dụng. Bé thậm chí có thể cố gắng bắt chước chuyển động của cha mẹ bằng cách nhúng thìa vào thức ăn và có thể cố gắng đưa lên miệng.

- Cho bé ăn chung với gia đình

Một trong những cách tốt nhất để dạy bé tự xúc ăn là để bé xem gia đình ăn. Trẻ luôn luôn học hỏi những điều mới và chúng học hỏi từ những hành vi đã được mô hình hóa. Bằng cách quan sát cách cha mẹ và anh chị em sử dụng đồ dùng và ăn thức ăn, trẻ sẽ muốn bắt chước những hành vi tương tự. 

- Hãy kiên nhẫn

Cần có thời gian để trẻ học cách tự ăn, vì vậy cha mẹ hãy kiên nhẫn. Bạn càng cho trẻ nhiều cơ hội thực hành, trẻ sẽ càng học hỏi nhanh hơn và thành thạo việc tự ăn. 

Dạy con tự chuẩn bị bữa ăn

Nhiều cha mẹ thường bỏ qua điều này khi dạy trẻ tự lập. Hãy dạy trẻ tự chuẩn bị bữa ăn với những gợi ý dưới đây:

- Bắt đầu sớm

Từ khi con là trẻ sơ sinh, cha mẹ đã có thể giúp con làm quen với nhà bếp và việc nấu ăn bằng cách cho con ngồi ở một khu vực an toàn để chơi với thìa và bát bằng gỗ, nhựa trong khi bạn nấu ăn. Trẻ mới biết đi và trẻ mẫu giáo có thể được giao những nhiệm vụ trợ giúp đơn giản. Còn trẻ ở độ tuổi đi học có thể bắt đầu thực sự chuẩn bị thức ăn với sự giám sát của cha mẹ. 

- Khiến cho việc nấu ăn thú vị hơn

Tất cả chúng ta đều biết trẻ em sẽ thích thứ gì đó mà chúng cảm thấy thích thú và vui vẻ. Vì vậy, cha mẹ có thể tạo niềm vui trong nhà bếp cùng con bằng cách: phát nhạc, thử các công thức nấu ăn mới, thỏa sức sáng tạo với cách trình bày món ăn… 

Dạy con tự vệ sinh cá nhân

Dưới đây là một số điều về vệ sinh cá nhân cơ bản để dạy con ngay từ khi còn nhỏ:

- Rửa tay

Cha mẹ có thể dạy con bằng cách lau tay cho trẻ bằng khăn ướt trước bữa ăn, sau khi ăn và sau khi thay tã. Khi chúng lớn hơn, một nguyên tắc nhỏ là dạy chúng rửa tay với thời gian là hát bài Chúc mừng sinh nhật hai lần.

- Đánh răng

Cha mẹ có thể bắt đầu chải răng và nướu cho con bằng bàn chải đánh răng mềm ngay khi con có chiếc răng đầu tiên. Một mẹo hay để giúp con chải răng đủ lâu là chơi một bài hát dài hai phút trong khi trẻ đánh răng hoặc thậm chí sử dụng đồng hồ hẹn giờ. Điều này sẽ dạy con cách chải răng trong bao lâu và giúp con làm quen với quá trình này.

- Tắm

Trẻ có thể tự tắm khi lên 6 tuổi. Ban đầu, cha mẹ nên giám sát lúc con tắm để dạy con cách tắm rửa tất cả các bộ phận cơ thể khác nhau. Thậm chí, giờ tắm còn là cơ hội tuyệt vời để bắt đầu dạy trẻ về các bộ phận trên cơ thể, các bộ phận riêng tư và nói về quyền sở hữu cơ thể.

hình ảnh

Dạy con tự mặc đồ

Nhiều người cảm thấy dạy con nhỏ cách mặc quần áo có vẻ như là một nhiệm vụ bất khả thi. Nhưng để dạy con tự lập, cha mẹ cần phải làm điều này. Hãy ghi nhớ những mẹo sau để giúp dạy trẻ một cách dễ dàng hơn:

- Bắt đầu đơn giản

Dạy trẻ một điều gì đó đơn giản như tháo giày sẽ giúp trẻ cảm thấy hứng thú và tự tin hơn. Cha mẹ hãy tiếp tục bằng cách dạy con cởi đồ rồi sau đó là mặc đồ.

- Mặc quần áo cùng con

Trẻ em học tốt nhất khi được xem làm mẫu. Nếu trẻ đang học cách mặc áo sơ mi, bạn có thể lấy áo sơ mi của mình và thực hiện cùng con.

- Cho con tự mặc quần áo rộng

Điều này sẽ giúp trẻ thực hành dễ dàng hơn và khi thực hiện thành công thì trẻ sẽ cảm thấy tự tin hơn và có động lực tự mặc quần áo vào những lần tiếp theo.

- Sử dụng gương

Sau khi mặc quần áo xong, việc để con tự kiểm tra kỹ lưỡng để có thể xem liệu con có để món đồ nào bị xoắn (hoặc lộn ngược) hay không.

2. Dạy con cách quản lý thời gian

Dạy trẻ tự lập có nghĩa là giúp trẻ có thể tự làm tất cả mọi thứ trong khả năng của mình. Bởi vậy, việc dạy trẻ kỹ năng quản lý thời gian, sắp xếp các hoạt động của mình sẽ rất có ích cho việc rèn luyện sự tự lập ở trẻ. Một số điều cha mẹ cần lưu ý để con biết cách quản lý thời gian:

Càng sớm càng tốt

Kỹ năng quản lý thời gian là một kỹ năng cực kỳ quan trọng, không chỉ với trẻ nhỏ mà còn với cả người trưởng thành. Kỹ năng này sẽ ảnh hưởng khá nhiều tới việc học tập và làm việc của trẻ sau này. Bởi vậy nên cha mẹ nên dạy trẻ quản lý thời gian càng sớm càng tốt. 

Giúp con hình thành những thói quen tốt

Đây là một điểm bắt đầu tốt để trẻ dần hình thành khả năng quản lý thời gian. Điều này cũng có thể giúp trẻ trở nên có trách nhiệm hơn. Cha mẹ nên thiết lập những thói quen gắn với khoảng thời gian cố định và cụ thể, ví dụ như:

  • Thói quen buổi sáng: ăn sáng và chuẩn bị đến trường.
  • Thói quen sau giờ học: làm việc nhà và làm bài tập về nhà. 
  • Thói quen buổi tối: ăn tối, đánh răng và đọc sách trước khi đi ngủ.

Yêu cầu con tự làm thời gian biểu riêng

Ngoài lịch gia đình, hãy để con xây dựng lịch cá nhân của riêng chúng. Bạn sẽ ngạc nhiên khi biết ngay cả trẻ nhỏ cũng thích kiểm soát lịch của riêng mình. Trẻ có thể xác định những hoạt động nào nên được thêm vào và những hoạt động nào có thể bị bỏ lại.

Đặt ưu tiên

Điều quan trọng là trẻ phải học cách phân biệt giữa “việc cần làm” và “việc muốn làm”, đồng thời học cách sắp xếp thứ tự ưu tiên và tự giám sát việc hoàn thành công việc của mình. Đây có thể là một hoạt động mà cha mẹ có thể làm cùng trẻ.

Không kiểm soát thời gian của con quá khắt khe

Chính hành vi này của cha mẹ cũng không phải là cách dạy con tự lập. Tất nhiên việc quan trọng là để con hoàn thành công việc đúng với thời gian đã lên lịch. Nhưng nếu thời gian biểu của trẻ quá dày, có quá nhiều việc cần làm và luôn phải thực hiện đúng giờ thì trẻ sẽ cảm thấy quá tải, căng thẳng và luôn trong tình trạng lo lắng rằng mình không thực hiện như lịch trình đã đề ra.

Ngoài ra, khi trẻ lớn hơn, hãy để chúng tạo thói quen cho riêng mình và để chúng linh hoạt với lịch trình của mình để chúng có thời gian rảnh. Khi đó, vai trò của cha mẹ sẽ là hướng dẫn, quan sát và cho lời khuyên thay vì chỉ huy từng phút thời gian của trẻ. 

3. Dạy con cách quản lý tiền bạc

Khía cạnh này thường không được các bậc cha mẹ chú trọng khi dạy con tự lập. Những kỹ năng này thực sự quan trọng và nếu được dạy từ nhỏ, trẻ sẽ có tiền đề vững chắc cho sau này. Để giúp con học cách quản lý tiền bạc, cha mẹ có thể tham khảo những điều sau đây:

Cho con một khoản tiền tiêu vặt

Ngay sau khi con hiểu rằng mọi người dùng tiền để mua những thứ họ muốn, hãy cho chúng một khoản tiền tiêu vặt hàng tuần. Tăng số tiền vào mỗi dịp sinh nhật để phù hợp với nhu cầu chi tiêu cá nhân hợp lý của con bạn. Cha mẹ hãy khuyến khích con lên kế hoạch mua hàng trước. Nhiều cha mẹ thường sợ con chi tiêu sai lầm nếu có tiền tiêu vặt sớm. Nhưng đừng quá lo lắng, con bạn nên phạm những “sai lầm” nhỏ ngay bây giờ hơn là những sai lầm lớn hơn sau này.

Cung cấp cơ hội thu nhập thêm

Thỉnh thoảng, bạn hãy cho con bạn những cơ hội để kiếm thêm một khoản thu nhập nhỏ bằng cách để con làm thêm một số việc vặt. Cha mẹ có thể giúp trẻ quyết định phải làm gì với số tiền kiếm được thêm.

Dạy trẻ tiết kiệm thường xuyên

Cha mẹ có thể thiết lập quy trình tiết kiệm tiền trong heo đất hoặc tài khoản ngân hàng. Sau đó, bạn hãy cùng con thường xuyên theo dõi số tiền đã tiết kiệm được và nói chuyện với con bạn về mục tiêu sử dụng tiền của chúng.

Giúp trẻ khám phá sự hài lòng của việc chia sẻ

Cha mẹ hãy khuyến khích con xác định những cách con có thể tiêu tiền để giúp đỡ người khác.

Người tiêu dùng thông thái

Trước khi con bạn mua thứ gì đó, hãy chỉ cho con cách xem xét các cách tiêu tiền thay thế để nhấn mạnh sự cần thiết của việc lựa chọn. Bạn có thể dẫn con đến cửa hàng và dạy con cách so sánh về giá cả và chất lượng. 

Dạy trẻ giá trị của những khoản đầu tư khôn ngoan

Cho đến khi con bạn đủ lớn để hiểu lãi suất và tỷ suất sinh lợi, hãy chơi trò chơi đầu tư để giúp con tìm hiểu về các chiến lược đầu tư thay thế và rủi ro tài chính. 

Cho trẻ tham gia vào kế hoạch tài chính gia đình

Hãy để con thấy cách bạn lập kế hoạch ngân sách, thanh toán hóa đơn, mua sắm cẩn thận và lập kế hoạch cho các khoản chi tiêu. Cha mẹ hãy giải thích các lựa chọn hợp lý và cho phép trẻ tham gia vào quá trình đưa ra quyết định của gia đình.

4. Dạy con cách tự đưa ra quyết định

Trẻ biết cách tự đưa ra quyết định cũng là một trong những mục tiêu của việc dạy trẻ tự lập. Đúng là việc dạy trẻ ra quyết định không hề dễ dàng, nhưng với những gợi ý sau đây, cha mẹ sẽ có thể dạy con một cách dễ dàng và hiệu quả hơn:

Cho trẻ tiếp xúc với “Thế giới thực”

Nếu bạn muốn làm cho trẻ hiểu về hậu quả của việc đưa ra một quyết định sai lầm thì bạn phải cho trẻ thấy hậu quả khắc nghiệt bằng cách nêu những tấm gương trực tiếp chứ không phải quát mắng hay phạt trẻ. Các hình phạt sẽ chỉ khiến một đứa trẻ mất tinh thần.

Cho phép trẻ mắc lỗi

Là cha mẹ, bạn phải cho phép con mình phạm sai lầm hơn là che chắn chúng khỏi những cạm bẫy tiềm ẩn. Khi những đứa trẻ học được một bài học từ những sai lầm của chính chúng, chúng sẽ có cái nhìn sâu sắc hơn. Trẻ sẽ học hỏi từ kinh nghiệm của riêng mình và nhớ không lặp lại chúng một lần nữa.

Dạy con nhận biết về bản thân

Trẻ em nên được dạy để phân biệt điểm mạnh và điểm yếu của bản thân để chúng có khả năng đưa ra quyết định tốt hơn. Trẻ nên được cung cấp nhiều cơ hội, nhưng trẻ cũng cần nhận ra rằng chúng sẽ không xuất sắc trong tất cả các cơ hội đó. Học cách chấp nhận thất bại và các quyết định thực hiện sau đó là điều cần thiết đối với trẻ em.

Nói chuyện với con 

Giao tiếp cởi mở là rất quan trọng đối với việc nuôi dạy con cái. Điều này sẽ cho phép bạn đoán trước các quyết định của con mình và đưa ra những lời khuyên cũng như cảnh báo phù hợp.

5. Dạy con cách tự giải quyết vấn đề

Để dạy con tự lập thì cha mẹ cũng cần phải giúp con học được cách tự giải quyết vấn đề. Kỹ năng này không chỉ giúp con trở nên tự lập mà còn giúp con học tập và làm việc hiệu quả hơn. Sau đây là những mẹo mà cha mẹ có thể tham khảo khi dạy con cách tự giải quyết vấn đề:

Để trẻ chơi những trò chơi có tính sáng tạo

Trẻ em ở mọi lứa tuổi học hầu hết trong bối cảnh vui chơi. Cha mẹ hãy đảm bảo rằng trò chơi của con có đủ thử thách và đòi hỏi trí tưởng tượng. Việc này sẽ giúp con dần hình thành được kỹ năng giải quyết vấn đề.

hình ảnh

Tạo thói quen

Biến việc giải quyết vấn đề trở thành một phần văn hóa thú vị của ngôi nhà của bạn hãy làm cho việc vượt qua khó khăn trở nên thú vị. Tất cả chúng ta lúc nào cũng gặp phải vấn đề, vậy tại sao không giải quyết những thách thức trong gia đình bằng một thái độ tích cực đơn giản. Điều này sẽ giúp trẻ không bị lo sợ khi phải đối mặt với những vấn đề và luôn sẵn sàng để giải quyết chúng.

Trở thành tấm gương cho con

Bạn nên để con quan sát cách bạn giải quyết vấn đề. Trên thực tế, con bạn càng thấy bạn hành động, giải quyết vấn đề từng bước, thì con bạn càng trở thành người giỏi giải quyết vấn đề hơn.

Nói chung, dạy con tự lập là một là một quá trình dài và khó khăn. Mong rằng bài viết trên đây sẽ giúp ích cho các bậc cha mẹ trong việc rèn luyện tính tự lập cho con.

Tham khảo bài viết tại cungdihoc