Nước là thành phần quan trọng chiếm khoảng 60% trọng lượng cơ thể. Cơ thể thiếu nước dễ dẫn đến tình trạng đau đầu, khô miệng, mệt mỏi, suy giảm hệ tuần hoàn,…đặc biệt là với trẻ em. Thiếu nước cũng là nguyên nhân gây chứng táo báo ở trẻ, một chứng bệnh rất hay gặp. Tuy nhiên nếu mẹ cho bé uống quá nhiều nước thì cũng gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe của bé.


Vậy có bao giờ mẹ tự hỏi, mỗi ngày trẻ cần và nên uống bao nhiêu lít nước là đủ? Đặc biệt là trong mùa hè, cơ thể lại cần một lượng nước nhiều hơn để điều hòa cơ thể chống nóng.


Với mỗi độ tuổi khác nhau thì lượng nước mà cơ thể cần cũng có sự khác biệt, bố mẹ nên tham khảo thông tin bài viết để tập cho bé thói quen uống nước đúng cách, tránh tình trạng lượng nước đưa vào cơ thể quá ít hoặc quá nhiều.


1. Bé dưới 6 tháng tuổi



Việc có nên cho bé dưới 6 tháng tuổi là một vấn đề gây tranh cãi khá nhiều trong phương pháp nuôi con của nhiều gia đình. Trên thực tế, trẻ dưới 6 tháng tuổi không cần uống nước lọc vì lượng sữa mẹ và sữa công thức mà mẹ cho bé bú mỗi ngày là đủ.


Ở độ tuổi này, nếu mẹ cho bé uống quá nhiều nước bên cạnh sữa mẹ/sữa công thức có thể làm giảm khả năng hấp thụ dinh dưỡng của cơ thể, giảm sự thèm ăn, dễ đầy bụng. Nhiều mẹ còn cố tình tăng thêm lượng nước khi pha sữa cho bé, điều này là không hề tốt. Tuy nhiên, trong trường hợp bé bị nất cục thì mẹ vẫn cho bé uống vài ngụm nước.


Dù hiếm gặp nhưng nếu mẹ cho bé uống quá nhiều nước có thể gây ra tình trạng ngộ độc nước cho trẻ. Uống quá nhiều nước dẫn đến làm loãng lượng natri trong cơ thể gây mấy cân bằng các chất điện giải, khiến bé bị co giật và có thể hôn mê.


Nếu trẻ bị ra nhiều mồ hôi khi bị còi xương hoặc táo bón thì cũng có thể cho trẻ uống thêm từ 100 – 200ml/ngày.


2. Bé từ 6 -12 tháng


Các bé ở độ tuổi này cũng không cần uống nhiều nước nhưng mẹ nên tập cho bé thói quen để làm quen dần với vị giác. Nhu cầu nước là 100ml/kg/ngày (kể cả sữa).



Ví dụ trẻ nặng 8kg cần 800ml nước, nếu trẻ uống được 600ml sữa cần bổ sung 200ml/ngày dưới dạng nước đun sôi để nguội nước quả tươi, nước rau luộc,…


3. Bé trên 1 tuổi



Bé đã có thể ăn được thức ăn rắn và uống sữa nguyên kem do đó mẹ cứ nên cho bé uống nước theo nhu cầu.


Có thể ước tính lượng nước hàng ngày cho trẻ như sau:


Lượng nước uống (ml) = 1000 ml + n x 50 (n = số kg của trẻ – 10)


Ví dụ: trẻ nặng 13 kg cần: 1000 ml + (3 x 50ml) = 1150 ml, nếu trẻ uống được 500ml sữa, số nước cần bổ sung là: 1150 – 500 = 650 ml.



Uống nước như thế nào để có lợi cho sức khoẻ ?


Năm phút sau khi uống là nước đã rời khỏi dạ dày, vì vậy chỉ nên uống nước 10 phút trước khi ăn hoặc một giờ sau khi ăn chứ không nên uống ngay sau hoặc trong khi ăn, vì uống trong khi ăn sẽ hòa loãng và mau đưa dịch vị dạ dày xuống ruột, khiến cho sự tiêu hóa khó khăn. Hơn nữa vừa uống vừa ăn, ta sẽ nuốt món ăn chưa được nhai kỹ không tốt cho tiêu hoá.



Uống nước nên chia làm nhiều lần trong ngày chứ không nên uống một lần quá nhiều. Ngay cả khi khát nước cũng không nên uống quá nhiều một lúc tốt nhất là nên uống từ từ từng ngụm một để cho nước có thời gian thấm qua thành ruột vào mạch máu và thỏa mãn nhu cầu khát của một cơ thể đang bị thiếu nước.