Bé 2 tuổi của bạn có đang quá tăng động so với các bé khác?

Bé lúc nào cũng nghịch thứ này, thức khác, nằng nặc đòi cho bằng được, thậm chí khóc gào thảm thiết, ăn vạ các kiểu?

Bạn muốn bé làm theo ý bạn nhưng bé nhất quyết không làm theo?

Ví dụ, bé 2 tuổi nắm chặt áo không cho bạn cởi ra mỗi lần bạn muốn thay đồ cho bé? Hay bé cứ chạy vòng vòng quanh phòng không cho bạn mặc quần vào?

Thỉnh thoảng bé ném bất cứ thứ gì đang cầm vào người bạn khi có điều gì đó không như ý?

Bé kiên quyết không cho bạn vịn bé khi bé leo lên hoặc leo xuống cầu thang? Hay bé khư khư ngồi trên xe chòi chân trong khu vui chơi mặc dù đã tới giờ ra về, và đẩy tay bạn ra khi bạn muốn ẵm bé ra khỏi cửa?

Đúng là không thể yên thân” với đứa bé 2 tuổi! Bạn cảm thấy thời gian của bạn đang bị bé “chiếm dụng” hầu như hoàn toàn? Lúc nào bạn cũng phải canh chừng hay loay hoay với bé.

hình ảnh

Đúng là mệt mỏi, các đứa bé khác cùng độ tuổi không biết có giống như con mình hay không nữa?

Tuy nhiên, tin vui là con bạn chẳng bị sao cả, hầu hết các bé ở độ tuổi này đều như vậy cả bạn ạ. 2 tuổi là một cột mốc lớn đối với bé. Và sau đây là các lý do vì sao hầu hết các bé 2 tuổi đều “khó ở”:

Nội dung bài viết

Thứ nhất, bé 2 tuổi “khám phá” được rằng bé có thể “độc lập” được rồi:

Lúc mới sinh ra, các hoạt động của bé đều dựa hoàn toàn vào sự trợ giúp của bạn: từ ăn, ngủ, vệ sinh, di chuyển….

Nhưng đến khi bé được 2 tuổi, bé đã có thể tự di chuyển từ nơi này đến nơi khác theo ý muốn. Bé có thể cầm nắm rất thành thạo các đồ vật trong nhà. Bé có thể leo cầu thang, leo lên giường rồi leo xuống mà không cần sự hỗ trợ của bạn (mặc dù bạn cần phải giám sát bé để tránh té ngã, nhưng bé đâu có biết việc đó đâu nè….).

Bé nhà bạn phát hiện ra bé đã độc lập rồi….

Hoan hô!!

hình ảnh

Và thế là: bé tìm tòi ở mọi ngóc ngách trong nhà, tìm coi… có thứ gì vui để khám và “phá” không?….

Điều này thể hiện rất rõ khi bạn dẫn bé…. đi siêu thị. Bạn hãy thử xem, bé sẽ vô cùng thích thú cho mà coi.

Bé vì thế mà có vẻ “tăng động” suốt ngày, chỉ ngoại trừ lúc bé ngủ!

Giai đoạn này là giai đoạn bùng nổ của việc học hỏi và khám phá mọi thứ xung quanh, Do đó, bạn nên để bé khám phá dưới sự giám sát chặt chẽ của bạn. Điều này có nghĩa là bạn sẽ không được “yên thân” cho đến cột mốc 3 tuổi.

Sau 1 năm khám phá và biết được khá nhiều điều, bé của bạn sẽ “trầm tính” lại một chút. Hãy ráng đợi nhé!

Thứ hai, bé 2 tuổi muốn thể hiện bản thân:

Một khi bé phát hiện sự độc lập của mình, bé trải qua giai đoạn muốn khẳng định bản thân.

Bé thách thức bản thân (và thách thức chính mẹ) để làm những gì khó hơn mà bé muốn: Bé sẽ muốn làm việc này, muốn làm việc kia (như đòi đi ra khỏi phòng, đòi leo trèo, đòi leo lên xe máy….) để coi liệu bản thân có thể thực hiện được không, có sức mạnh để làm điều đó hay không, mẹ có ngăn cản bé không…

hình ảnh

Bé thậm chí khăng khăng đòi làm những việc mà ba mẹ không cho bé làm. Cũng là để thử xem phản ứng của ba mẹ, giới hạn nào bé được phép và việc nào vượt quá giới hạn.

Bé không ăn thức ăn bạn chuẩn bị cho bé mà nằng nặc đòi ăn thức ăn của người lớn…

Bé muốn tự mình làm mà không chịu sự “giúp đỡ” của mẹ như tự lấy muỗng múc nước, giằng lấy ly của bạn, rồi một lát up ngược ly nước xuống….. cho nước ….. đổ ra sàn nhà….

Đơn giản chỉ vì bé muốn thử!

Thứ ba, bé 2 tuổi ý thức được “sự sở hữu”:

Bé đã nhận ra những người thân xung quanh bé như ba, mẹ, ông bà, anh chị ….lúc nào cũng gắn bó với bé nên họ thuộc về…. một mình bé.

hình ảnh

Bạn thử để cho anh lớn của bé ôm bạn, bé sẽ đến phản ứng không đồng ý và ra sức kéo anh lớn ra vì mẹ là của bé cơ mà!

Bé giữ rất chắc đồ chơi của mình và không thích chia sẻ cho bạn khác. Bé thậm chí còn tranh giành để đạt được món đồ chơi đó. Đây là độ tuổi xem mọi thứ xung quanh ta… là sở hữu của ta….

Do đó, bất cứ khi nào thấy ai đó lấy đồ chơi quen thuộc, người thân quen thuộc, chiếc xe quen thuộc… bé sẽ giãy nãy lên và kéo đòi lại cho đến khi lấy lại được mới thôi.

Vậy bạn nên ứng phó như thế nào với bé 2 tuổi?

Thứ nhất, 1 mình bé “nổi loạn” là đủ rồi, không cần thêm bạn “nổi loạn”:

Do bé chưa điều chỉnh được cảm xúc của mình mà sẽ có nhiều lần “nổi loạn” trong ngày. Nhiều khi bản thân bạn cũng rất bực mình, muốn “giải quyết” bé bằng cách la ó, nạt nộ, bộp vào mông bé?

hình ảnh

Tuy nhiên, do bé cần nổi loạn để giải tỏa cảm xúc nên điều bạn cần làm là kiên nhẫn chờ cơn thịnh nộ của bé qua đi. Nếu bực mình, bạn có thể không cần dỗ bé như thường lệ, mà bạn có thể dùng chiêu “bỏ lơ” bé một lát. Chỉ cần thấy sự có mặt của bạn, và thấy sự điềm tĩnh của bạn, bé sẽ dần tự học điều chỉnh cảm xúc của bé qua thời gian.

Hoặc bạn có thể đánh lạc hướng bé bằng cách đưa bé đi ra ngoài đi dạo 1 lát, bé sẽ quên mau thôi….

Cách nữa là, bạn ngồi giải thích với bé bạn không đồng ý, lý do vì sao bạn không đồng tình với hành động của bé. Không biết bé có hiểu không nhưng bạn cứ bình tĩnh là 1 lát sau bé sẽ dịu xuống và bình thường trở lại. Đối với mình cách này …hơi khó (có vẻ bé nhà mình không hiểu mình nói gì) nên cách mà mình hay làm là bình tĩnh, làm lơ, chờ bé qua đi cơn thịnh nộ.

Thứ hai, cho bé 2 tuổi tham gia chơi cùng với các trẻ khác:

Bạn cho bé chơi cùng với các bé khác để bé quan sát, học hỏi thêm phản ứng, hành động của các bé khác. Bé nào có tính xã hội cao sẽ tham gia rất hào hứng mà ít xảy ra các cảm xúc khóc lóc, khó ở thường ngày.

hình ảnh

hình ảnh

Tùy vào sở thích của bé, bạn quan sát mà cho bé trải nghiệm, không phải bé nào cũng giống nhau nhé.

Thứ ba, bạn hãy giúp bé nhận ra đâu là giới hạn mà bé không được phép vượt qua:

Sự nhất quán của bạn là rất quan trọng khi bé có hành động vượt quá giới hạn cho phép mà có thể gây nguy hiểm cho bản thân bé. Bạn hãy lặp đi lặp lại phản ứng của bạn mỗi khi có điều gì bạn không cho phép bé làm.

Bạn hãy vỗ tay khuyến khích và khen bé khi bé làm điều đúng, điều tốt và nghiêm mặt, phớt lờ đối với những đòi hỏi quá đáng.

hình ảnh

Bạn hãy kiên nhẫn làm vài lần như vậy, dần dần bé sẽ nhận biết được đâu là hành động của bé vượt quá sức chịu đựng của bạn. Từ từ bé sẽ ý thức được việc gì bạn cho phép bé làm, việc gì bé không nên làm vì bé có đòi đến mấy đi chăng nữa, thậm chí nằm ăn vạ bạn cũng không đáp ứng cho bé.

Điều này đòi hỏi thời gian, nhưng qua thời gian bé sẽ học được việc nào đúng, việc nào chưa đúng và chỉnh sửa, từng ít một.

Thứ tư, khi bé trong trạng thái vui vẻ, bạn hãy “thủ thỉ tâm sự” nói chuyện với bé:

Lúc nào bạn cũng có thể chơi với bé, nói cho bé nghe nhiều điều. Việc “tâm sự” và nói chuyện thường xuyên sẽ giúp bé tăng cường khả năng phản hồi, biểu lộ cảm xúc và học hỏi thêm nhiều điều mới từ người lớn.

Nếu có thời gian, bạn hãy mua sách phù hợp độ tuổi bé, và đọc cho bé nghe, vừa đọc vừa chỉ cho bé các hình ảnh minh họa trong sách. Thói quen đọc sách sẽ rất tốt cho quãng đường dài còn lại của bé.

Bé 2 tuổi sẽ tiếp thu rất nhanh những gì đang trải nghiệm. Bé sẽ học hỏi từ chính sự vật xung quanh, từ những người lớn xung quanh, bắt chước rất nhanh nên bạn cần tranh thủ giai đoạn vàng này của con để con phát triển nhận thức một cách vượt trội. Bé hay lặp lại những gì bạn nói và cố gắng ghi nhớ trong đầu.

Chỉ cần bạn nắm được tâm lý bé 2 tuổichấp nhận những thay đổi của bé ở độ tuổi này thì bé sẽ vượt qua giai đoạn này nhanh chóng và phát triển một cách toàn diện đầy đủ.

hình ảnh

Chúc bạn và bé có những trải nghiệm tuyệt vời nhất!

Nguồn: tuduydep.com