Nếu biết 9 sai lầm của cha mẹ khiến trẻ nói dối dưới đây, các mẹ sẽ nhận thấy người cần sửa không chỉ là trẻ!



Em kể cho các mẹ nghe câu chuyện này nhé, đảm bảo nghe xong các mẹ sẽ thấy hình ảnh của mình đâu đó.



Em là giáo viên tại một trường mầm non. Em đã có hai bé, một đứa 6 tuổi và một đứa 2 tuổi. Có lẽ vì tính chất công việc tiếp xúc với trẻ con nên em hiểu được tâm lý trẻ, vì thế mà việc nuôi dạy con của em cũng bớt vất vả hơn. Thật may, các con em rất chăm ngoan và nghe lời. Nhưng câu chuyện mà em muốn kể là của một cháu nhỏ trong lớp em đang phụ trách.



Bé T. 4 tuổi, con thuộc top những học sinh chăm và lanh lợi nhất lớp. Trong suốt tuần bé đều được cắm cờ bé ngoan. Thế nhưng, hôm thứ 2 vừa rồi vì một lần bị cô nhắc do nói chuyện với bạn nên bữa đó cháu không được cấm cờ. Khi nghe cô đọc danh sách những bạn được thưởng cờ chăm ngoan, khi biết không có tên mình, cháu rất buồn.



Tan học, mẹ đến đón nhưng cháu vẫn ngồi mãi ở lớp cho đến khi nghe mẹ gọi lần 2 thì cháu mới vội vã chạy ra. Câu hỏi đầu tiên mà chị ấy hỏi khi con vừa bước tới là: "Hôm nay con có được cắm cờ không?". Em ngạc nhiên khi nghe cháu trả lời một cách rành mạch: "Dạ có". Trước giờ cháu chưa từng nói dối trong lớp bao giờ và điều này khiến em thấy lạ.



Rồi sang chiều hôm thứ 3, rồi thứ 4, rồi đến hết các ngày đón cháu, em vẫn chỉ nghe một câu hỏi như thế từ chị. Và dường như, cháu cũng chị trả lời đúng duy nhất một câu "dạ có".



Đó, các mẹ có thấy mình giống chị ấy không ạ? Thật ra, trường hợp bé T., cháu có thể thành thật với mẹ rằng "Hôm nay con không ngoan nên không được cắm cờ". Cháu hoàn toàn có thể trả lời như thế nếu như mẹ cháu chẳng hỏi mãi một câu và mong chờ một câu trả lời duy nhất từ con. Bởi vậy mới nói, nhiều lúc các mẹ cứ nghĩ con nói dối là tại con, do con hư nên mắng con, đổ hết lỗi về con nhưng lại chẳng chịu suy xét là mình cũng có một phần trách nhiệm. Các mẹ còn phạm phải một trong 9 sai lầm dưới đây thì sửa ngay nhé nếu không muốn con mình nói dối ngày càng nhiều hơn.



1. Phạt nặng mỗi khi con nói dối





Có lẽ đây là lý do hàng đầu làm nhiều trẻ thường sợ phải nói sự thật. Đó là lần trẻ bị "ăn" một trận đòn đau điếng do không làm bài tập về nhà vì tội đi chơi với bạn. Và rồi nhiều lần như thế, chúng sẽ mặc định rằng nói ra sự thật cũng đồng nghĩa với việc phải nhận lấy một hình phạt đáng sợ nào đó. Vậy nên, thay vì làm quá mức mọi chuyện, các mẹ nên nhẹ nhàng bảo con mình nói ra sự thật và có lẽ việc giảm hình phạt là cách tốt nhất để khuyến khích con không nói dối.



2. Cha mẹ thường phản ứng thái quá vì những điều con tưởng tượng



Những điều con tưởng tượng ra cũng đồng nghĩa với việc con không đang nói sự thật. Nhưng đây hoàn toàn là những lời nói dối vô hại. Nếu con của mẹ là đứa trẻ hay tưởng tượng, các mẹ nhớ đừng phản ứng gay gắt vì chẳng phải những điều con nói ra thật đáng yêu và hồn nhiên lắm sao? Và những điều này cũng dần biến mất khi con lớn, thế nên các mẹ đừng quá lo lắng.



3. Cha mẹ luôn buồn bã khi nghe được sự thật





Cha mẹ buồn khi biết sự thật cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ nói dối. Và không nhiều bậc phụ huynh tâm lý để nhận ra được điều này. Mỗi lần chúng nói về sự thật nào đó, bố mẹ thường tỏ ra thất vọng, u buồn. Chẳng hạn, khi nghe con bảo hôm nay con không được điểm 10, tuần này con bị cô giáo phạt,...hẳn là nhiều mẹ thường không mấy vui vì điều này đúng không? Vì thế, trẻ sẽ nghĩ nếu không biết được sự thật có lẽ sẽ không phải làm cha mẹ mình tổn thương. Vì thế, trẻ sẽ luôn mang nỗi sợ bố mẹ buồn mà thường xuyên giấu đi sự thật thay vì thẳng thắn nói. Vậy nên, cha mẹ phải giữ thái độ bình tĩnh cũng như không tỏ vẻ buồn hay thất vọng khi nghe điều gì đó không thích từ con.



4. Cha mẹ luôn mong con là đứa trẻ ngoan



Trong tư tưởng của trẻ, chúng luôn cho rằng những ai làm điều không tốt đều người xấu. Đôi khi chính cha mẹ là người đã gieo vào đầu óc trẻ cách nghĩ thế này. Việc bố mẹ luôn kỳ vọng con trở thành đứa trẻ ngoan vô tình khiến con sợ khi phải đối diện với sự thật, vì vậy con luôn cố tìm mọi cách để né đi sự thật để mọi người không xa lánh con, không nghĩ con là người xấu.



Cách để giải quyết tốt nhất là cha mẹ hãy để con biết rằng người tốt vẫn có thể mắc sai lầm và một đứa con ngoan sẽ dám nhận sai và biết sửa sai.



5. Cha mẹ nói dối





Để rèn luyện và giáo dục con trở thành những đứa trẻ ngoan, không nói dối thì trước tiên người lớn phải là tấm gương để con noi theo. Nếu trẻ sống môi trường toàn là sự giả dối, trẻ sẽ dễ học theo thói quen xấu này. Vì vậy, cha mẹ hãy sống thật và đừng bao giờ nói dối trước mặt con.



6. Cha mẹ thường hỏi những câu giống nhau



Việc cha mẹ thường đặt cho con những câu hỏi giống nhau kiểu như "con có thích ăn món này không" hay "con thấy món này ngon không" chính là sai lầm của người lớn khiến trẻ phải nói dối. Trong khi rõ ràng có thể con không thích những món này mà mẹ cứ hỏi thế bảo sao con trả lời thật cho được.


Điều này giống như cha mẹ đã cố tình lâp trình sẵn câu trả lời cho trẻ và chỉ mong nhận được một câu trả lời duy nhất. Thay vì hỏi thế, bố mẹ hãy hỏi những câu có thể gợi mở thêm khả năng ứng xử của trẻ, khuyến khích con nói thật những gì con cảm nhận được: "Con thích ăn món nào nhất trong các món này?", "Đố con món này phải làm thế nào?",....



7. Cha mẹ luôn coi thường con





Trẻ sẽ luôn cảm thấy tự ti và cảm giác như mình là người vô dụng trong nhà nếu lúc nào cha mẹ cũng la mắng, đổ lỗi cho con. Điều này vô tình trở thành nguyên nhân khiến con luôn sống trong nỗi sợ hãi, sợ phải làm sai, sợ phải bị "chê bai" và con chẳng muốn học điều gì, kể cả việc phải nói ra sự thật.



8. Con nghĩ nói dối là phép lịch sự



Con chẳng thích chiếc cặp mới mẹ mua nhưng vẫn phải mang nó đến trường mỗi ngày, chiếc áo mới cha tặng không thích nhưng vẫn phải mặc,...Con của các mẹ có từng thế này không ? Có thể trẻ làm điều này vì cho rằng đó là phép lịch sự. Vậy nên, nếu trẻ có biểu hiện tương, mẹ phải nhẹ hàng nói với con điều này không nên, thay vào đó hãy khuyên con nói lên sở thích hoặc những gì con nghĩ.



9. Trẻ nói dối vì con không nhớ



Có những điều con không nhớ và chúng cứ đinh ninh rằng những điều mình đang nói là đúng hoàn toàn sự thật. Những lời nói dối thế này hoàn toàn không phải vì con cố ý, vì thế các mẹ đừng làm quá lên với con, hãy bình tình giúp con gỡ rối mọi chuyện nhé!



Tóm lại, lý do khiến con nói dối thì có rất nhiều nhưng một trong số đó là do sai lầm trong cách nuôi dạy của cha mẹ. Vậy nên, nếu muốn để con trở thành đứa trẻ ngoan ngoãn, cha mẹ hãy gần gũi để chia sẻ với con nhiều, giúp con nhận ra tác hại của lời nói dối và cha mẹ có thể sẵn sàng bỏ qua lỗi lầm của con.