Tôi bất ngờ mở cửa vào phòng thì thấy vợ giật mình thon thót, vội vàng cúp máy. Nhưng trước đó tôi vẫn nghe được mấy câu nói vớt vát của cô ấy:



- Thế nhá, chồng em về rồi. Nhớ cho em vay tiền nhá!



Tôi quẳng cặp xuống giường, trừng mắt nhìn vợ:



- Em hỏi vay tiền ai? Vay làm gì? Em mà đốt tiền vào mấy trò bói toán thì đừng có trách anh!



- Anh kệ em! Em tự vay, tự trả! không cần anh phải quan tâm.



Nói xong vợ tôi lừ lừ xuống bếp nấu cơm. Cả bữa cơm hai vợ chồng chẳng nói với nhau câu nào. Ông con trai hơn ba tuổi thấy bố mẹ hằm hè với nhau vội vàng hỏi bằng cái giọng ngọng nghịu:



- Hôm nay anh yêu lại giận em yêu rồi à?



Bình thường, mỗi lần con nói như thế, tôi và vợ lại nhìn nhau phá lên cười, thế là hết giận nhau, nhưng đúng là hôm nay thì thật là không thể cười nổi. Đến tối, lúc vợ tôi đi tắm, tôi lén lấy điện thoại của cô ấy, xem vợ tôi đã gọi điện vay tiền những ai. May mà cô ấy mới hỏi vay mỗi chị Hằng làm cùng cơ quan.



Tôi tranh thủ lúc vợ đang tắm, gọi điện cho chị Hằng, từ trình bày hoàn cảnh đến dọa dẫm đủ kiểu để chị ấy không cho vợ tôi vay tiền. Thấy chị Hằng lưỡng lự một lúc rồi cũng đồng ý, tôi khấp khởi mừng thầm.



Chuyện là thế này! Lúc mới cưới nhau được hơn 8 tháng thì vợ tôi bị sảy thai do ngã cầu tháng. Lúc mất con, tôi cũng mua một cái tiểu nhỏ, loại dành cho các thai nhi sơ sinh để chôn cất con vào khu mộ của dòng họ và nhờ bác cả tôi ra làm lễ cho cháu sớm được siêu thoát. Bác tôi khi ấy cũng chỉ khấn nôm, chứ không có giấy sớ gì. Với một thai nhi ba tháng, theo tôi lo cho cháu như thế là quá chu toàn rồi.



Sau đó hơn một năm, vợ tôi đã hạ sinh một cậu con trai giống tôi như tạc nên chúng tôi cũng quên đi chuyện về lần sảy thai năm đó. Giờ đây thằng cu đã hơn ba tuổi, kháu khỉnh và rất xinh trai.



Cách đây hơn một tháng, mẹ vợ tôi có nhờ vợ tôi chở đến nhà một bà thầy bói, thầy đồng gì đó để gọi hồn, kêu cốt cụ bà, nhằm chuẩn bị thay áo cho bà. Chẳng hiểu bà thầy đồng ấy thần thông thế nào mà gọi được cả đứa con trai năm đó còn chưa được làm người của vợ chồng tôi lên.



Theo như lời vợ tôi kể lại thì con trai tôi ở dưới đó bảo rằng: do bố mẹ không cúng bái nên nó rất khổ sở, đói rách. Con phải ăn cắp “tiền” của người ta để lấy tiền đi đò, qua sông về thăm bố mẹ. Thằng bé giận bố mẹ lắm nên mấy tháng nay nó hay về trêu em trai làm cho thằng em bị ốm và hay giật mình khóc giữa đêm.



Nghe thấy thế thì vợ tôi phát hoảng thật sự, vì đúng là mấy tháng nay con trai tôi hay ốm và thỉnh thoảng lại giật mình khóc giữa đêm.



Tôi thử hỏi các chị, có đứa bé nào mới đi học mà lại không ốm đau quấy khóc. Nhất là con trai tôi lại đi học vào lúc chuyển mùa, nhiều dịch bệnh. Lớp học hơn hai chục đứa, nhiều lúc các cô không để ý hết, để bọn trẻ uống chung cốc, ăn chung thìa của nhau nên bị ốm là chuyện bình thường. Nói là ốm, nhưng con trai tôi chỉ mới bị cúm và viêm họng sơ sơ chứ có gì nghiêm trọng đâu.



Trong khi vợ chồng tôi mới ma đất, nợ đã đủ ngập đầu rồi. Giờ tự dưng cô ấy lại còn muốn mang thêm nợ.



Nhưng vợ tôi vốn bướng, chẳng chị nghe ai, vẫn cố đi vay tiền để là đi làm lễ bằng được. Ai ngờ hôm đó, tôi đang đi làm thì có người gọi điện báo:



- Anh là anh Phùng Ngọc Hưng, chồng chị Nguyễn Thị Quyên phải không? Anh lên ngay công quận làm thủ tục bảo lãnh cho vợ.



Tôi hớt hải phóng xe đi. Đến nơi mới biết, hóa ra vợ tôi đang đi làm lễ ở nhà thầy bói hôm nọ thì công an ập vào bắt bà ấy, vì tội hành nghề mê tín dị đoan. Vợ tôi cũng bị giải lên Quận, đang ngồi khóc khóc, mếu mếu.



Về đến nhà vợ tôi vẫn cúi gằm mặt không nói câu nào. Thế mới thấy ông bà ta nói đúng: "Tiền buộc dải yếm bo bo- Đem cho thầy bói đâm lo vào người".




Hình minh họa