Bao cao su, đặt vòng hay viên uống tránh thai là những phương pháp tránh thai phổ biến được nhiều người biết đến. Lần này, chúng tôi xin giới thiệu về miếng dán tránh thai. Đây là sản phẩm được lưu hành trên thị trường khá lâu, nhưng dường như mọi người vẫn còn lạ lẫm khi đề cập đến nó.



Với tâm lý muốn tránh thai an toàn nhưng vẫn đảm bảo về vấn đề sức khỏe, nhiều người vẫn thường thắc mắc về những tác dụng phụ của phương pháp này khi sử dụng. Chúng tôi hi vọng, những kiến thức về miếng dán tránh thai dưới đây sẽ phần nào giúp bạn có thêm một lựa chọn phương pháp tránh thai an toàn, hiệu quả và tiện lợi.



Ảnh: Inmagine



Miếng dán tránh thai



Miếng dán tránh thai là một miếng mỏng, màu be, được dán dính vào da có tác dùng tránh thai hiệu quả. Miếng dán được sử dụng trong ba tuần liên tiếp, sau đó lấy ra và ngưng dùng trong tuần thứ tư trùng với tuần "đèn đỏ" của bạn.



Cơ chế hoạt động



Giống như thuốc tránh thai, miếng dán có chứa hai hoóc môn phối hợp là Estrogen và Progestin. Đây cũng chính là hai thành phần có trong thuốc tránh thai giúp ngăn sự rụng trứng. Miếng dán được dán lên da, hóoc môn sẽ thẩm thấu qua da, vào máu, có tác dụng làm chất nhờn ở cổ tử cung tiết ra nhiều hơn, bít cổ tử cung, tinh trùng không thể kết hợp với trứng, quá trình thụ tinh không thể xảy ra. Ngoài ra, miếng dán cũng làm mỏng niêm mạc tử cung, tạo môi trường không thuận lợi cho trứng đã thụ tinh làm tổ ở tử cung.



Miếng dán quyền lực



Nhiều người cho rằng miếng dán rất tiện lợi và an toàn khi sử dụng, đặc biệt đối với những người thường quên uống thuốc tránh thai, hoặc không có thời gian đến trung tâm y tế để đặt vòng hay cảm thấy không thoải mái khi sử dụng bao cao su.



Với kích thước 4.5 x 4.5cm, bạn chỉ cần dán một miếng mới trên da ở vùng mông, vùng bụng, bên ngoài bắp tay hoặc phía sau vai nó sẽ phát huy tốt “ quyền năng” của mình. Bạn không cần phải lo lắng hay chuẩn bị gì trước “cuộc vui”. Một số người còn cho rằng, miếng dán đã giúp họ cải thiện “chuyện ấy” rất nhiều bởi khi sử dụng họ cảm thấy thật tự nhiên và tuyệt đối an tâm để tập trung vào “chuyên môn”.




Sử dụng miếng dán thường xuyên làm cho kinh nguyệt ra đều hơn, lượng máu kinh ít và không kéo dài nhiều ngày, bạn sẽ thấy nhẹ nhàng và thoải mái hơn trong những ngày ấy. Bạn cũng không “bị tịt” sau khi dùng miếng dán vì chỉ cần ngưng sử dụng có khả năng bạn sẽ có thai ngay lập tức.



Cơ chế hoạt động giống như viên thuốc tránh thai, nên hiệu quả tác động của miếng dán cũng tương tự viên uống. Nó tác dụng giúp bạn chống lại các biểu hiện của mụn trứng cá; đau bụng kinh dữ dội; xuất hiện khối u ở ngực nhưng không phải là ung thư; mang thai ngoài tử cung; ung thư nội mạc tử cung và buồng trứng; thiếu sắt trong máu; u nang buồng trứng; bệnh viêm vùng chậu, thường dẫn đến vô sinh khi không được điều trị; triệu chứng tiền kinh nguyệt, bao gồm đau đầu và trầm cảm.



Miếng dán có an toàn cho bạn?




Ảnh: Inmagine



Bất kỳ loại thuốc nào cũng tiềm ẩn một số rủi ro nhất định, vì thế sự an toàn cho người sử dụng luôn là mối quan tâm hàng đầu khi sử dụng phương pháp tránh thai bằng miếng dán.



Mặc dù hiếm khi xảy ra, miếng dán tránh thai vẫn có một số những tác dụng phụ không mong muốn, mà nguyên nhân chính là do cơ thể bạn không thích hợp khi sử dụng như: rong kinh, đau ngực, buồn nôn và ói mửa, vô kinh, thay đổi ham muốn tình dục. Đây là những tác dụng phụ thường gặp nên bạn yên tâm, nó sẽ biến mất sau hai đến ba tháng.



Một số rủi ro lớn, hiếm khi xảy ra đối với người dùng, nhưng khi đã xảy ra lại nghiêm trọng hơn những người không dùng miếng dán. Tác dụng phụ nghiêm trọng nhất, có thể nói đến là nguy cơ tử vong do bị tụ máu. Tuy nhiên, rủi ro ngoài mong muốn này chiếm một tỷ lệ hết sức hiếm hoi.



Ngoài ra, bạn cũng có thể gặp các triệu chứng như đau tim, đột quỵ, tụ máu ở chân, phổi, tim hoặc não, tăng nguy cơ phát triển bệnh cao huyết áp, các khối u gan, sỏi mật, vàng da hay vàng mắt. Nhiều nghiên cứu cho thấy phụ nữ sử dụng miếng dán tránh thai có nguy cơ mắc bệnh tụ máu cao hơn những phụ nữ dùng các phương pháp tránh thai khác.



Hãy tham vấn ý kiến bác sỹ để biết miếng dán có an toàn cho bạn khi sử dụng hay không. Đặc biệt, trong thời gian cần được nghỉ ngơi, dưỡng bệnh hay gặp một số những trường hợp sau bạn không nên sử dụng miếng dán:



Đang mang thai;


Đau nửa đầu;


Rối loạn đông máu do di truyền;


Máu đóng cục hoặc viêm tĩnh mạch;


Ung thư vú hoặc ung thư gan;


Đau tim, đột quỵ, hoặc đau thắt ở ngực;


Có vấn đề nghiêm trọng với van tim;


Nổi ban đỏ;


Mắc bệnh gan nặng;


Không kiểm soát được bệnh cao huyết áp;


Bị bệnh tiểu đường nặng;


Người trên 35 tuổi, có hút thuốc;


Người hút thuốc và bị huyết áp cao.


Nếu những nguyên nhân trên làm bạn không thể dùng miếng dán, cũng đừng quá lo lắng vì hiện nay có rất nhiều phương pháp ngừa thai an toàn khác. Hãy tìm hiểu thêm để chọn cho mình một biện pháp tránh thai phù hợp và hiệu quả đối với bạn.Tùy sức khỏe và tiền sử bệnh của mỗi người, hãy gặp bác sỹ để được kiểm tra sức khỏe và quyết định xem bạn có an toàn khi sử dụng miếng dán hay không.