Ngày xửa ngày xưa, ở tận trên cung trăng xa lắc xa lơ, có chú Cuội, chị Hằng và đàn thỏ Ngọc ngày ngày sống cuộc sống êm đềm bên nhau. Ở nơi đó, chú Cuội, chị Hằng và bầy thỏ ngọc nghĩ ra đủ trò, vui chơi nô đùa với nhau từ sáng đến tối không biết mệt. Nhiều lúc, hết trò chơi, họ rủ nhau vén mây nhìn xuống mặt đất xem bọn trẻ vui chơi ca hát để thoát khỏi không khí nhàm chán nơi cung trăng.


Đến một ngày, cảm thấy cuộc sống trên cung trăng quá buồn chán, tất cả lên kế hoạch rời khỏi cung trăng để xuống mặt đất vui chơi.


Chọn ngày trăng sáng và tròn nhất trong năm, là lúc chiếc vỏ bảo vệ cũ của cung trăng được tháo bỏ và chờ thay thế bằng một chiếc vỏ bảo vệ mới trong suốt và đẹp đẽ hơn vào ngày hôm sau, cũng là lúc cơ hội rời khỏi cung trăng để ra ngoài đến,chú Cuội, chị Hằng cùng lũ thỏ cùng nhau bay xuống mặt đất.


Xuống đến nơi, dưới ánh trăng sáng, họ rủ mọi người ra ngoài sân rộng, nô đùa, ca hát. Họ dạy trẻ con cách làm đèn lồng để tạo ra ánh sáng giống như mặt trăng. Họ dạy người lớn cách làm con lân, con rồng để múa cùng tiếng trống dồn cho vui nhộn. Già trẻ nơi nơi, tất cả đều thấy thích thú với các trò chơi mà họ bày ra.


Và rồi hết đêm hôm đó, khi ai nấy đã thấm mệt và quay về nhà đi ngủ, trước khi lớp vỏ mới bảo vệ cung trăng hình thành, chú Cuội, chị Hằng và đàn thỏ lại quay trở về cung trăng.


Từ đó về sau, cứ đến ngày Rằm tháng Tám, là lúc trăng sáng và tròn nhất, người ta lại tổ chức rước đèn, múa rồng múa lân dưới ánh trăng để kỷ niệm ngày chú Cuội, chị Hằng và đàn Thỏ xuống mặt đất vui chơi. Đồ ăn ngày hôm đó cũng được người ta làm thành hình mặt trăng để không ai quên cuộc liên hoan vui vẻ dưới trăng buổi tối mà trẻ con quen gọi là Tết Trung Thu.