Những đêm trăng sáng, gia đình tôi thường tắt hết các bóng đèn điện, cả nhà ra ngoài hiên ngồi hóng mát, ngắm trăng. Các con thường hay hỏi đủ thứ về ông trăng, về Chị Hằng, Chú Cuội, gốc đa: “Gốc đa đâu hả cha? Chú cuội đâu hả Mẹ?...”


Dưới đêm trăng thanh gió mát, cha bèn đọc cho các con nghe mấy câu ca dao về Chú cuội cung trăng như sau:


Chú Cuội ngồi gốc cây đa


Để trâu ăn lúa gọi cha ời ời


Cha còn cắt cỏ trên trời


Mẹ còn cưỡi ngựa đi mời …ông trăng.


Thế rồi con gái thích bài này lắm và bắt chước đọc theo, cha dạy con học thuộc đoạn thơ, mấy tối hôm sau ra ngắm trăng là con bé cất giọng đọc, nghe dễ thương lắm.


Con bé bổng hỏi:


- Chú Cuội ở trên cung trăng đi chăn trâu hả cha?


- Đúng rồi!


- Con nghe mẹ kể chú Cuội là con Ngọc Hoàng mà sao đi chăn trâu?


- À, con của ai cũng phải biết làm việc, biết lao động chứ con, bộ con Ngọc Hoàng là chẳng làm gì sao?


- Tại sao chú Cuội để trâu ăn lúa vậy?


- Tại vì chú mãi canh gốc đa, sợ gốc đa bay mất nên quên trâu, để trâu đi ăn lúa.


- Còn cha chú Cuội là Ngọc Hoàng mà cũng đi cắt cỏ nửa sao?


- Có chứ, Ngọc Hoàng cũng phải làm việc nửa chứ con! Ai cũng làm việc hết, có lao động mới làm ra của cải, vật chất để nuôi sống bản thân mình, như cha này, mẹ này cũng phải đi làm việc, chị hai con phải đi học, con cũng phải đi học, có thế mới là người giỏi chứ! Nếu không làm việc, lao động là người lười biếng đó, chẳng ai thích người lười biếng đâu nhé!


Con bé có vẻ hiểu ý cha nói, suy nghĩ một lát, nhìn lên mặt trăng con bé lại hỏi:


- Thế còn chị Hằng Nga ở trên trời làm gì?


- Chị Hằng Nga là diễn viên múa, chị ấy làm nghệ thuật con ạ? Con không thấy chị ấy múa đẹp sao?


- À, đúng rồi, hèn gì con thấy chị ấy múa dẻo và hát hay lắm!


Cả nhà cười vui vẻ với những câu hỏi ngây thơ của con, nhưng quá đó cũng thật thú vị vì cha mẹ đã giúp con hiểu hơn về giá trị của cuộc sống lao động.