Ngày xửa ngày xưa, ở một vùng quê nọ, một đôi vợ chồng lấy nhau đã lâu mà không có con. Tuổi đã cao, hai vợ chồng lúc nào cũng sầu muộn vì không có tiếng khóc trẻ thơ trong nhà. Hai vợ chồng vì thế lại càng ra sức làm việc nghĩa, mong trời thương hại mà cho một mụn con. Ông trời như hiểu người có tâm, người vợ cuối cùng cũng có mang. Sau chín tháng mười ngày ấp ủ, bà mẹ sinh được một cậu con trai khôi ngô. Hai người yêu con lắm, đặt tên là Cuội. Cuội vừa ra đời thì mẹ lâm bênh nặng rồi mất. Người cha vì thế mà càng thương con.


Cuội càng lớn càng thông minh, học gì cũng rất nhanh, nhưng vì được cha chiều chuộng quá nên cậu bé chỉ lo lêu lổng ham chơi, nghĩ ra đủ mọi trò nghịch ngợm. Ở trường, Cuội thường chọc ghẹo các bạn. Lúc thì buộc hai bím tóc của 2 bạn ngồi trên lại với nhau, lúc thì giấu biệt cuốn Tam Tự Kinh của thầy giáo, lúc thì đu mình lên xà của lớp học, nấp mình trên mái nhà, chốc chốc lại giỏ một giọt mực xuống sách của bạn... Thầy giáo không nhận Cuội vào lớp nữa, trả về cho cha. Không được đến trường, Cuội càng ngỗ nghịch hơn.


Có bữa, Cuội cho ngựa của cha đi ăn. Cậu giấu biệt con ngựa của cha cậu ra ngoài bìa rừng rồi la hét từ đầu làng vào trong xóm rằng có hổ trên rừng bắt mất ngựa. Cả làng được phen náo loạn, đàn ông trai tráng trong làng rộn rịp gậy gộc giáo mác để lên rừng bắt hổ. Khi đi đến bìa rừng thì thấy con ngựa đang lững thững gặm cỏ. Đám trai tráng trong làng ra về trong lòng đầy tức giận với trò đùa quái ác của cậu bé...


Làng trên xóm dưới ai cũng than phiền về Cuội. Những đứa trẻ trong làng cũng bị bố mẹ cấm không cho giao du với Cuội. Còn cha Cuội ngày một nhiều tuổi lại thêm phiền lòng về đứa con ngỗ nghịch. Ông ngày ngày hi vọng con trai lớn thêm sẽ biết thương cha, hiểu được mong muốn của cha là thấy cậu nên người.


Cũng vì suy nghĩ về con mà người cha lâm bệnh nặng. Ngày vợ ông trên giường bệnh còn có ông chăm sóc, ngày đem ở bên đỡ đần. Còn ông cô đơn một mình với nỗi đau tinh thần lần thể xác. Đau vì bệnh thì ít mà nghĩ đến con thì nhiều. Những tưởng có một mụn con để an ủi nào ngờ đứa con ngỗ nghịch của ông giờ này còn đang mãi mê với những trò đánh đáo đánh quay ở chỗ nào đó. Những giọt nước mắt nóng hổi lăn dài trên khuôn mặt già nua khốn khổ. Ông ra đi trong sự cô đơn...


Khi cuội về nhà thì cha đã mất. Những giọt nước mắt trên má cha chưa kịp khô. Cuội bật khóc. Tiếng khóc của Cuội như xé ruột gan. Cuội ân hận vì đã không nghe lời cha, không lo học hành mà chỉ lêu lổng ham chơi.


Lúc ấy có nàng tiên Hằng Nga trên cung trăng vân du qua nhà Cuội. Nghe thấy tiếng khóc của đứa bé đáng thương thì lán lại hỏi thăm. Biết Cuội thực lòng ân hận, Hằng Nga hỏi:


- Em có muốn cha em sống lại không?


- Cuội nói rằng: Đấy là mong muốn lớn nhất của em. Nhưng người chết làm sao sống lại được?


- Nếu em thật lòng biết hối hận, thì chị sẽ giúp em.


Cuội gật đầu.


Hằng Nga tiếp: còn 1 tuần trăng nữa rằm tháng 8. Em phải lên khu rừng tiên, lấy cây tre tiên làm những chiếc lồng đèn hình ngôi sao đem tặng các gia đình, các bạn nhỏ trước đây em đã mắc lỗi với họ. Chị sẽ giúp em gắn vào mỗi ngôi sao ấy một điều may mắn. Đường đến khu rừng tiên rất xa và hiểm trở nếu em làm được thì chị sẽ xin tiên ông một viên linh đan, giúp cha em sống lại.


Cuội nói: Em làm được! Nhất định là em làm được!


Thế là Cuội lên đường đến khu rừng tiên theo chỉ dẫn của Hằng Nga. Cuội đi ngày đêm không nghỉ, cuối cùng cũng tìm thấy tre tiên để làm lồng đèn. Cuội vót nan, kết đèn không biết mệt mỏi là gì. Đèn đã làm xong. Cuội mang về làng, đem từng cây đèn lấp lánh đến từng người tạ lỗi. Ai cũng cảm động vì tấm lòng của Cuội với cha nên sẵn sàng tha thứ. Chị Hằng Nga vừa ý với tấm lòng của Cuội đã xin tiên ông giúp cha Cuội tỉnh lại.


Hai cha con hội ngộ sau những phút giây sinh tử mừng mừng tủi tủi. Làng xóm thấy niềm vui ấy cũng đến chia vui, trên tay ai cũng cầm chiếc đèn lồng cuội làm. Cả một không gian lấp lánh sắc mầu. Cảm động trước ân nghĩa của chị Hằng Nga và tiên ông, Cuội xin phép cha được đi theo Chị Hằng Nga để học làm việc tốt, mang niềm vui đến cho mọi người. Từ đó thành lệ, cứ đến rằm tháng tám hàng năm, các gia đình coi đây là dịp xum vầy bên mâm quà bánh và trông trăng quên hết lo buồn; trẻ con rước đèn ông sao rực rỡ khắp các nẻo đường. Hàng năm, cũng vào ngày này, chị Hằng Nga lại đưa cuội xuống chơi rước đèn, phá cỗ với các bạn cho đỡ nhớ nhà.