Khi nhắc đến Sài Gòn, nhiều người thường bảo Sài Gòn hoa lệ. Hoa cho kẻ giàu và lệ cho người nghèo. Thế nhưng, chỉ những ai đã từng gắn bó với nơi này mới thấu hiểu, Sài Gòn là mảnh đất đầy nghĩa tình đã cưu mang bao mảnh đời bất hạnh.

Vậy mà ngày hôm nay, Sài Gòn đã không còn những náo nhiệt thường thấy, không còn những tiếng ồn còi xe. Sài Gòn bao năm qua, chưa từng im lặng đáng sợ đến vậy, bởi Sài Gòn đã lâm bệnh. giờ đây, theo chủ trương của Nhà nước, những người lao động đang thất nghiệp, đang gặp tình cảnh khó khăn sẽ được hỗ trợ đi về quê hương, đó cũng là cách giảm áp lực cho Sài Gòn.

Lên chuyến bay rời TP.HCM về nơi chôn nhau cắt rốn sau hơn 60 ngày thất nghiệp, vợ chồng anh Trần Văn Hòa (34 tuổi) cho biết, cuộc sống thời gian qua của vợ chồng anh rơi vào cảnh không một xu dính túi, mặc dù chủ nhà trọ đã giảm tiền thuê nhưng vợ chồng anh không thể trả nổi số còn lại.

hình ảnh

Nhiều người dân được hỗ trợ về quê hương (Ảnh: Thanh Niên)

“Hành nghề bán hàng rong ở TP.HCM đã nhiều năm rồi, chưa bao giờ vợ chồng tôi lại gặp khó như vậy, ở Sài Gòn có bao giờ biết thất nghiệp là gì… nay dịch bệnh khiến hoàn cảnh cơ hàn thật sự. Được TP. Đà Nẵng đón về quê miễn phí, khiến chúng tôi ấm lòng lắm. Tôi vô cùng biết ơn, chỉ biết nói lời cảm ơn…”, anh Hòa xúc động.

Tay xách nách mang di chuyển theo hướng dẫn của nhân viên đón đoàn, bà Phạm Minh Phương (42 tuổi, quê H.Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) kể: “Gia đình tôi gắn 2 đời với Sài Gòn, riêng tôi mưu sinh ở Sài Gòn cũng 30 năm rồi nhưng không ngờ giờ đây lại tạm rời xa TP này. Giờ khăn gói về quê, không biết khi nào mới được quay lại”.

Bà Phương kể thêm, vợ chồng bà quyết định đưa 2 con nhỏ về quê. Thế nhưng, có nhiều lý do khiến cả gia đình không thể về chung với nhau, bà đưa 2 cháu về quê nương nhờ họ hàng, còn chồng bà vẫn bám Sài Gòn.

“Ngày rời Sài Gòn, nước mắt lưng tròng, chồng tôi vẫn ở lại… vì ở đó là nhà. Dù đêm hay ngày, tôi vẫn cầu mong rằng Sài Gòn sẽ sớm dập được dịch để cuộc sống yên bình bấy lâu nay được trở lại, người người nhà nhà sẽ không có cảnh mỗi người mỗi nơi như gia đình tôi”, bà rưng rưng.

hình ảnh

Rất nhiều người rưng rưng nước mắt khi tạm biệt Sài Gòn (Ảnh: Thanh Niên)

Vốn hành nghề lao động nặng, công việc thợ cơ khí ở TP.HCM giúp anh Nguyễn Hoài Linh (Q.Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng) có thu nhập đủ nuôi sống bản thân. Thế nhưng từ ngày TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, thì cuộc sống anh Linh rơi vào khó khăn.

Anh Hoài Linh vui mừng và biết ơn TP. Đà Nẵng, Hội đồng hương đã tạo điều kiện để anh được về quê. “Ai cũng bị ảnh hưởng, tuy nhiên đối với người lao động như chúng tôi khi thất nghiệp thì khó khăn hơn rất nhiều. Ở tại phòng trọ, chính quyền cung cấp gì thì ăn cái đó chứ không có tiền để mua thực phẩm.

Cầm cự qua ngày, khi được TP đón về, chúng tôi xúc động vô cùng. Tôi biết ơn Sài Gòn đã nuôi sống mình, biết ơn quê hương Đà Nẵng, chỉ mong dịch bệnh qua đi để mọi thứ sớm được bình thường trở lại”, anh Linh tâm sự.

hình ảnh(Ảnh: Thanh Niên)

Có lẽ ngày bình thường, khi được trở về quê hương, đặc biệt như dịp Tết, nhiều người sẽ háo hức và mong mỏi vô cùng. Vậy mà giờ đây, khi nói lời tạm biệt với Sài Gòn, dù ai cũng biết chỉ là tạm thời, ngắn hạn, nhưng họ không kìm được nước mắt vì đã quá gắn bó với mảnh đất đầy tình cảm này.

Ngược vào phương Nam mưu sinh, người miền Trung tần tảo buôn gánh bán bưng, họ chỉ mong dốc hết sức mình lao động với mơ ước Sài Gòn hào sảng sẽ cho con cái họ có tương lai tốt hơn. Vậy mà khi Sài Gòn đổ bệnh, họ đành phải chọn cách ra đi, trở về quê hương để giảm tải áp lực cho thành phố.

Nếu Đà Nẵng là thành phố đáng sống thì Sài Gòn là thành phố dễ sống, là thành phố dung nạp tất cả các mọi miền. Bạn có thể ra đường với triệu bạc trong túi, đến những nơi xa xỉ. Nhưng nếu chỉ có 10 ngàn trong tay, bạn vẫn có thể tồn tại giữa chốn này, bởi nơi đây không thiếu những quán cơm 0 đồng, những ly trà đá miễn phí và những con người hào sảng sẵn sàng cho đi nhưng chẳng bao giờ để lại danh tính.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh nói ở đây không có phân biệt vùng miền, không có địa phương cục bộ. Hãy thử hỏi "Đầu biển số xe TP.HCM là nhiêu?" xem có bao nhiêu người trả lời được đầy đủ. Vì ở đây, người ta đâu có phân biệt ai biển số xe thành phố, ai biển số xe tỉnh lẻ, không lấy cái đó để phân cấp sang hay hèn, "lưu dân" hay "chánh gốc".

hình ảnh

(Ảnh: Thanh Niên)

Cái ấm áp mà Sài Gòn đang có, không phải là cái nóng của khói bụi hay sự chói chang của ánh nắng mặt trời, mà bởi tình người luôn hiện hữu, nhất là trong mùa dịch. Khi khó khăn, mọi người cùng chung tay giúp đỡ lẫn nhau, người có tiền bắt đầu làm cơm từ thiện, đi hỏi xem có ai cần gì mình không.

Những cụ bà bán vé số, khi nhận được quà từ thiện sẵn sàng san sẻ lại cho những người công nhân, mà vốn bình thường, bà còn nghèo hơn cả họ. Rồi những anh shipper, ngày ngày gom từng đồng lẻ gửi về cho gia đình thì nay sẵn sàng giao hàng miễn phí cho những khu trọ khó khăn, bởi ngày thường, anh thường nhận được thêm tiền “tip” từ mọi người thì nay anh hào sảng cho đi, như một cách trả ơn cho mảnh đất giàu tình nghĩa.

Và hôm nay, khi Sài Gòn đã quá tải, những con người lao động mưu sinh đàng ngậm ngùi trở về quê nhà. Thế nhưng, hành trình ấy không làm người ta hạnh phúc, ngược lại còn cảm thấy chông chênh vì hình như, mình đã lỡ mất một điều gì đó rồi.

Giờ đây, chỉ mong đại dịch sớm qua đi, để thành phố hơn 300 tuổi này được trở về như lúc trước.  Sài Gòn vẫn là một thành phố đầy hoa lệ. Nhưng sẽ là hoa cho sự kiên cường và lệ mừng vui sau những ngày vất vả.

Nguồn: Thanh Niên