Người đời thường nói ‘nhà là nơi để về’ bởi ở đó có mẹ có cha, có vòng tay bình yên che chở, còn bên ngoài xã hội chỉ toàn bão giông và cạm bẫy. Nhưng thực tế liệu đúng như vậy hay không?



Với những đứa con biết nghĩ suy, về nhà để được mẹ cha yêu thương, về nhà để được hít thở cảm giác trong lành, nhưng điều đó chỉ có thể kéo dài 1-2 ngày, cao lắm là 1-2 tháng còn khi nó bước qua ngưỡng 1-2 năm thì vô tình, chính chúng ta lại tạo gánh nặng cho mẹ cha.



Vậy nên, khi con cái có lòng tự trọng thì việc trở về nhà với không xu dính túi là một sự thất bại nặng nề, một sự nhục nhã ê chề, cay đắng. Và rồi, nhiều người bỏ đi tha phương, mất tích hàng năm trời khiến gia đình, người thân lo lắng. Như người đàn ông trong câu chuyện sau, vừa đáng giận lại vừa đáng thương.



webtretho


(Ảnh: Xuehua.us)




Năm 2002, một chàng thanh niên 18 tuổi ở Hàm Dương (Thiểm Tây) ôm giấc mộng đổi đời đã đến Đông Hoản (Quảng Đông). Tuy nhiên tại đây anh bị mất chứng minh thư và chẳng kiếm được việc.



Cuối cùng, anh trở thành kẻ lang thang. Xấu hổ vì tình trạng của mình, anh không dám gọi điện hay về thăm nhà trong suốt 16 năm như vậy. Gia đình đã tìm kiếm anh bao năm nhưng không ra tung tích.



Gần đây, một tổ chức tình nguyện đã phát hiện ra một người đàn ông lang thang ở Đông Hoản giống với chàng thanh niên gia đình tìm kiếm. Ngay khi nhận được tin, người cha già hơn 70 tuổi vội bay đến đón.



webtretho


(Ảnh: Xuehua.us)



Người đàn ông lang thang nọ mặc quần áo cũ, râu ria, nhưng vừa nhìn, người cha đã nhận ra con mình. "Sao con lại bỏ cha đi lâu như vậy, cha tìm con bao nhiêu năm rồi! Cha không cần con phải kiếm được tiền mang về, chỉ cần con bình an là được rồi".



Những người thân cũng nói với chàng trai: "Chúng tôi tìm được cậu rồi, về nhà với cha đi, đừng phụ lòng mọi người nữa". Nhìn thấy người cha già bao năm mong mỏi mình, người đàn ông bật khóc nức nở. Anh quỳ xuống, chỉ biết nói "Xin lỗi".



Câu chuyện của người đàn ông này dấy lên làn sóng bình luận. Số đông nhận định anh đã vì lòng tự trọng giả mà không về quê và bất hiếu với mẹ cha. Một số khác hiểu được nỗi lòng của những người vì áp lực kiếm tiền, không thể thành đạt nên xấu hổ, không dám đối diện với gia đình, làng xóm.



webtretho


(Ảnh: Xuehua.us)




Người đàn ông này, đúng là vừa đáng giận vừa đáng thương. Giận là bởi anh quá ích kỷ, xa nhà ròng rã 16 năm, khiến mẹ cha ngày đêm mong ngóng nhưng vẫn bặt vô âm tín, không một lời hỏi thăm, không một lần quay lại.



Nếu như người thân không tìm thấy anh, lỡ như bệnh tật ập tới khiến mẹ cha anh rời xa trần thế? Thì lúc anh muốn quay về, liệu còn kịp hay không? Đời người vốn dĩ ngắn ngủi, khoảnh khắc để chúng ta ở bên gia đình lại càng không nhiều, nên hãy trân trọng khi còn có thể.



Nên nhớ rằng, dù nghèo khó hay bệnh tật, dù giàu sang hay lang thang cơ nhỡ, mẹ cha sẽ không bao giờ chê bai hay bỏ mặc con cái. Họ nuôi chúng ta thành người được thì cũng đủ khả năng đối diện với sóng gió của gia đình. Thậm chí, chính họ sẽ là người thấu hiểu và đưa ra lời khuyên giúp con tìm phương hướng tốt hơn.



Tất nhiên, bản thân mình thất bại rồi về nhà sống dựa mẹ cha, vịn vào cớ ‘nhà là nơi bình yên nhất’ cũng không phải là cách. Nhưng quay lại quê hương, ở với gia đình một hai ngày hoặc vài năm về thăm một lần, thì không thể xem là ăn bám, dù chúng ta về với hai bàn tay trắng và không có quà cáp đi theo.



webtretho


Người con trai về lại quê hương (Ảnh: Xuehua.us)




Nhưng nói đi cũng phải nói lại, bản thân người con trai trong câu chuyện vốn được sinh ra trong một gia đình nông thôn phong kiến, nơi mà định kiến rằng con trai phải là trụ cột gia đình, phải là nguồn kinh tế chính, phải thành công để làm rạng danh dòng họ, phải khẳng định giá trị bản thân qua tài sản.



Chính vì tâm lý đó, anh ta đã quá xấu hổ do không thể kiếm ra tiền, phải lang thang xin ăn khắp nơi, đến một công việc tầm trung, bình thường cũng không kiếm được, thì anh sẽ tự cảm thấy mình không còn tư cách để gặp mẹ cha, nếu về nhà là tự bôi nhọ danh dự gia đình.



Anh thà để người thân nghĩ rằng mình mất tích, thậm chí là ‘đã chết’ còn hơn biết họ có một đứa con trai bất tài vô dụng, ra đường không dám ngẩng mặt với bà con. Tâm lý ấy, chúng ta có thể cảm thông và thấu hiểu phần nào, bởi biết thương mẹ thương cha thì anh mới suy nghĩ và dằn vặt nhiều như thế.



webtretho


Bữa cơm đoàn viên sau 16 năm xa cách (Ảnh: Sohu. com)




Vậy mà, cũng trong một hoàn cảnh, cũng là thất nghiệp như nhau, lại có trường hợp nhiều thanh niên ngồi lì trong nhà, ăn bám mẹ cha. Ví dụ như ở Mỹ, anh Michael Rotondo bị mẹ cha kiện ra tòa vì tội sống bám.



Trả lời phỏng vấn, anh Michael ‘bức xúc' cho biết: "Tôi đang trong giai đoạn khó khăn khi phải đấu tranh với tòa để có thể đến thăm con trai, thế nhưng bố mẹ tôi lại không thông cảm giúp đỡ, thậm chí còn kiện ra tòa chỉ để đuổi cổ tôi đi. Đây như thể lưỡi dao cắt đi mối quan hệ giữa chúng tôi. Tôi sẽ dọn ra khỏi đây và không bao giờ nhìn mặt họ nữa."



Và quả đúng là 2 bên đã từ mặt nhau khi người ta bắt gặp bố của Michael, ông Mark Rotondo trở về sau khi ra ngoài mua đồ nhưng không thèm liếc mắt nhìn con trai đến 1 cái dù đậu xe chung trong khoảng sân trước nhà.



Trong phiên tòa diễn ra vào ngày 22/5, khi được thẩm phán thuyết phục tự nguyện rời khỏi nhà, Michael tỏ ra chưng hửng và thậm chí còn yêu cầu được ở trong nhà thêm 6 tháng. Tuy nhiên yêu cầu này đã bị bác bỏ, và tòa án đưa ra lệnh buộc anh phải dọn đi theo thời gian quy định của thẩm phán.



webtretho


Michael bức xúc vì bố mẹ đuổi ra khỏi nhà (Ảnh; Daily Mail)




Đúng là ngao ngán trước cảnh đời! Người tự trọng không dám vê quê gặp cha mẹ, kẻ mặt dày ăn bám suốt nhiều tháng năm. Giá như, chúng ta biết cách cân bằng, giá như chúng ta biết cách sẻ chia và đặt mình vào hoàn cảnh của người khác, thì mọi chuyện sẽ không tệ đến mức này.



Suy cho cùng, mọi bi kịch đều do bản thân mình không có năng lực, bởi nếu chăm chỉ học hành, chăm chỉ làm việc kiếm sống thì tự khắc sự ổn định trong thu nhập sẽ khiến con người biết điều chỉnh hành vi của mình hơn.



Nguồn tham khảo: VNE/ XUEHUA.US