Mạng xã hội lại có dịp dậy sóng trước mâu thuẫn giữa Trương Thế Vinh và một nhãn hàng thời trang. Đáng nói, câu chuyện đã không còn của riêng ai vì nhiều người nổi tiếng cũng như khán giả đã vào cuộc. Không chỉ đơn thuần là tranh chấp bản quyền hình ảnh, vụ việc lần nữa đã khơi gợi nhiều suy ngẫm về cách ứng xử giữa người nổi tiếng - khán giả.



webtretho


Lùm xùm quanh bản quyền hình ảnh là lối hành xử giữa nghệ sĩ với khán giả.



Tóm tắt qua lùm xùm trên mạng những ngày qua là thế này. Tối 24/7, dân mạng chứng kiến màn tranh cãi nảy lửa giữa Trương Thế Vinh với một nhãn hàng thời trang. Sự việc cũng dần ngã ngũ, nam ca sĩ nhận được lời xin lỗi từ nhãn hàng, đồng thời hình ảnh của anh cũng sẽ được phía cửa hàng ngưng sử dụng khỏi mục đích kinh doanh. Dù không mấy suôn sẻ khi giải quyết nhưng cuối cùng người trong cuộc chấp nhận nhún nhường một chút vì chẳng ai muốn làm to chuyện.



Tưởng là chuyện riêng giữa 2 phía nhưng khi được đăng tải, nhiều người đã bay vào phân tích kẻ đúng người sai, thậm chí có cả các sao Việt. Đáng nói, có những đối tượng là người hoạt động trong giới giải trí và có sức ảnh hưởng nhưng không ngại ngần gọi thẳng khán giả là “toàn trâu bò chó ngựa bày đặt chửi rủa”.



webtretho


Trương Thế Vinh lên tiếng trước việc nhãn hàng thời trang sử dụng hình ảnh của mình để kinh doanh.




Cụ thể, 2 cái tên được khán giả réo gọi và thậm chí kêu gọi tẩy chay là Pha Lê và Cao Thái Sơn. Sau khi đăng tải bài viết bênh vực phía cửa hàng, Pha Lê bị nhiều anti fan vào chửi bới thậm tệ, thóa mạ trên trang cá nhân. Không chỉ tống tiễn sạch những kẻ văng tục, nữ ca sĩ cũng quyết “ăn thua đủ” bằng dòng trạng thái chửi hay hơn hát: "Đàng hoàng ra đứng trước mặt chị rồi chửi, avatar thì toàn trâu bò chó ngựa mà bày đặt chửi rủa như đúng rồi”.



webtretho


Pha Lê gay gắt mắng những kẻ chửi bới cô. (Ảnh Internet)



Chưa dừng lại đó, Cao Thái Sơn là cái tên tiếp theo đã bày tỏ quan điểm ủng hộ phía cửa hàng thời trang và khi bị “ném đá” cũng gay gắt đáp trả, thậm chí văng những lời nhạy cảm để mắng đối tượng chửi bới mình: “Cho A mượn... thả vào đầu mấy... bàn phím não chưa thông, trình chưa tới cái”.



Đúng sai thuộc về ai khoan nói vì mỗi người đều có lý lẽ riêng nhưng việc dùng từ ngữ mang tính thóa mạ, xúc phạm trong tranh luận thì rất đáng bàn cãi. Chưa kể họ là người nổi tiếng, có sức ảnh hưởng nhất định trong cộng đồng nên nhất cử nhất động đều bị mang ra “soi” kỹ. Không phải tô vẽ, áp lên người nổi tiếng sứ mệnh phải sống như một “thiên thần” vì dù có đứng trên sân khấu lung linh cỡ nào, họ cũng chỉ là con người bình thường, hội tụ đủ hỉ nộ ái ố, vui cười giận chửi. Nhưng bài học ứng xử cơ bản nhất là ai cũng được biết là giữ cho bản thân tỉnh táo, nhã nhặn và văng tục, mắng chửi người khác chưa bao giờ là chuyện khuyến khích.


webtretho


Cao Thái Sơn cũng đáp trả trước những bình luận chửi bới.



Ai cũng có khuyết điểm, cũng như có người cho rằng văng tục là chuyện bình thường, không thể đánh giá nhân phẩm một người qua hành vi này. Nhưng nên nhớ, họ văng tục trên mạng xã hội, nơi có hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu người có thể nhìn thấy và đánh giá. Giữa những bạn bè thân thiết, nói đôi ba câu văng tục có thế xí xóa, nhưng giữa không gian công cộng như facebook thì giữ ý tứ trong lời nói, biết chừng mực vẫn khôn ngoan, làm chủ cảm xúc.



Nếu nói nguyên nhân khiến các nghệ sĩ chửi bới, văng tục vì khán giả đã “khơi mào” trước thì cũng chẳng đúng đắn. Ở đời, có ai lại đi lấy một cái sai này để chồng đè lên một cái sai khác. Người khác chửi bới, thóa mạ đã sai rành rành, cớ gì bản thân mình phải chửi theo, huống gì mình đang là người nổi tiếng.



“Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”, chẳng phải người xưa đã bảo thế hay sao. Tranh luận, bày tỏ quan điểm trước vấn đề nào đấy là quyền tự do ngôn luận, không ai cấm. Nhưng đừng biến chất cuộc tranh luận ấy thành màn tranh cãi về đạo đức, nhân phẩm.



webtretho


Trương Thế Vinh thông báo đã phần nào giải quyết xong với phía nhãn hàng.



Nhưng ngẫm lại, không có lửa làm sao có khói. Nếu ngay từ đầu khán giả cực đoan và quyết liệt trong vấn đề nghệ sĩ chửi tục thì đã không có cớ sự như hôm nay. Vì sao? Đau lòng nhìn lại, nhiều người tỏ ra ủng hộ, thích thú trước những đoạn clip chửi bới xối xả của nghệ sĩ. Họ ngồi trước máy quay, mạnh miệng buông lời gay gắt và được khen ngợi thẳng ruột ngựa, không có ý cay nghiệt.



Lằn ranh giữa người thẳng thắn và người thiếu lễ độ rất mong manh. Đâu phải cứ văng tục, chửi bới mới là người thẳng tính? Hơn nữa đó chưa bao giờ là lối ứng xử khôn ngoan vì người thông minh sẽ biết lựa lời để thuyết phục đối phương. Nhiều quốc gia có nền giải trí phát triển mạnh, chỉ cần nghệ sĩ trót có hành xử sai lầm, bị khán giả lên án là vội cúi gập người, xin lỗi khẩn khoản. Sâu xa của việc nhận lỗi, đó là lòng tự trọng của người nghệ sĩ.



webtretho


Trang Trần - Duy Mạnh thường xuyên bị réo tên vì lối hành xử thẳng tính, chửi hay như hát.



Nói đi cũng phải nói lại, khán giả cũng không thể áp đặt trách nhiệm “nói điều hay, làm việc thiện” lên nghệ sĩ nếu chúng ta chưa tôn trọng họ. Mối quan hệ nghệ sĩ - khán giả bao giờ cũng cần công bằng, đừng tự cho mình đặc quyền “châm ngòi” thóa mạ người khác rồi quay ra đổ lỗi “nghệ sĩ mà văng tục”. Sống ở đời, mỗi người biết ghìm cái tôi, bình tĩnh suy xét đúng sai và tử tế với nhau một chút hẳn sẽ không có những cớ sự gây nhức nhối, buồn lòng thế này.