Người xưa thường bảo, con hư tại mẹ, cháu hư tại bà nhưng ngẫm thời đại bây giờ, câu nói đó liệu còn đúng không? Nhất là khi biết được câu chuyện sau đây, hẳn nhiều người trong chúng ta phải có góc nhìn khác, bởi kẻ nào ‘hư’ – kẻ đó phải trả giá, đừng đổ hết tội 100% cho gia đình.

Bản án của TAND Hà Tĩnh xác định, ngày 13/1 Nguyễn Xuân Lĩnh (27 tuổi, trú TP Hà Tĩnh) vẫy taxi của Nguyễn Anh Tuấn (39 tuổi), yêu cầu chở vào huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh). Đến quốc lộ 8A Lĩnh đề nghị tài xế tắt máy xuống xe, rồi cầm dao đâm nhiều nhát khiến nạn nhân tử vong.

hình ảnh

Lĩnh tại phiên tòa xử án (Ảnh: VNE)

Lĩnh sau đó lái xe đi khỏi hiện trường, khi bị nổ lốp ở phường Đậu Liêu thì rời đi mang theo iPad và hai điện thoại của nạn nhân. Rạng sáng hôm sau, Lĩnh bị cảnh sát mời về trụ sở làm việc khi đang chạy trốn trên đường. Sau 3 ngày tại cơ quan điều tra, Lĩnh mới thừa nhận hành vi giết tài xế taxi để cướp tài sản.

Tại phiên xử, Lĩnh với khuôn mặt lì lợm, ánh mắt sắc lẹm luôn cho rằng: "Bị cáo bị ép nhận tội, không liên quan việc giết tài xế taxi". Lĩnh khai hôm tài xế Tuấn bị giết, anh ta có đi xe ôm từ Vinh về nhà ở TP Hà Tĩnh, đến huyện Can Lộc thì bị người lái xe đánh ngất, cướp hết tài sản. Lĩnh khi tỉnh lại thì đối mặt với cáo buộc giết người.

Phiên tòa đang yên tĩnh bỗng ồn ào, đại diện của người thân bị cáo lẫn bị hại đều tỏ ra căm giận trước những lời khai của Lĩnh. "Pháp luật biết khoan dung cho những ai nhận ra lỗi lầm, còn sẽ trừng phạt đích đáng những người vô cảm trước tội ác", chủ toạ cất lời đề nghị mọi người bình tĩnh để không ảnh hướng tới việc xét hỏi.

Giọng nghiêm nghị, một vị thẩm phán chất vấn Lĩnh: "Bị cáo nói rằng công an ép cung, nhưng sao trên người lại có vết máu của bị hại. Hơn nữa, máu và vân tay của bị cáo cũng được ghi nhận dính trên người nạn nhân?".  Lĩnh ấp úng, liên tục bảo bị đánh đập khi lấy lời khai, vì sợ hãi nên phải nhận tội. HĐXX đưa các bằng chứng ghi lời khai, những hình ảnh chụp từ hiện trường gây án ra trước tòa.

hình ảnh

Lĩnh liên tục thay đổi lời khai của mình (Ảnh: VNE)

Chỉ vào tập hồ sơ, chủ toạ hỏi: Bị cáo đã ký vào biên bản nhận tội rằng cơ quan điều tra không hề dọa nạt, ép cung, lúc đó sức khỏe minh mẫn, tại sao bây giờ lại nói bất nhất như vậy? Nếu không phải là người gây án, sao gia đình bị cáo lại đi thắp hương, đưa tiền đền bù?

Thấy Lĩnh ngập ngừng không đáp, thẩm phán nói: "Đừng quanh co nữa, làm như vậy cũng không có tình tiết giảm nhẹ". Ngay sau đó, bà Nguyễn Thị Ba (mẹ Lĩnh) đứng dậy trình khẳng định "100% con trai là người gây ra cái chết cho tài xế taxi".

Bà cho hay, Lĩnh thỉnh thoảng sử dụng ma túy đá, thường có biểu hiện về thần kinh. Hôm xảy ra sự việc, đọc thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, bà nói với mọi người rằng "chắc chắn là Lĩnh gây ra rồi, không có ai ngoài nó".

Giọng sụt sùi, bà nhìn lên vành móng ngựa, khuyên con "không được cãi như vậy". Bà bảo gia đình đã gom góp gần 400 triệu đồng để đền bù cho gia đình bị hại. Phía gia đình Tuấn cũng có đơn xin giảm án cho Lĩnh. Vì thế bà "thấy rất bực khi con chối tội".

hình ảnh

Người mẹ 'bực bội' khi con chối tội tại Tòa (Ảnh: VNE)

Chị Nguyễn Thị Quỳnh (vợ tài xế Tuấn) tỏ ra bức xúc trước thái độ của bị cáo. Chị cho hay dù gia đình đã có đơn xin giảm nhẹ cho Lĩnh, song anh ta không biết ăn năn hối cải, quanh co phủ nhận nên có ý định rút đơn về.

Nghe mọi người nói, Lĩnh cúi đầu xuống, im lặng một lúc rồi nói "xin tòa cho nghỉ vài phút để lấy lại bình tĩnh". Sau đó, bị cáo thừa nhận là hung thủ giết tài xế Tuấn để cướp tài sản, nói phản cung là do "muốn sống". Lĩnh dứt lời, thẩm phán liền nói: "Tại sao anh muốn sống mà lại tước đoạt mạng sống của người khác".

Lĩnh im lặng rồi gửi lời xin lỗi tới gia đình bị hại, người thân, mong tòa có thể cho mình một cơ hội để làm lại cuộc đời. Nhận mức án chung thân cho hai tội danh, Lĩnh lạnh lùng bước đi ra xe thùng, để lại sau lưng những tiếng khóc sụt sùi, lời oán hận từ phía người thân và gia đình nạn nhân.

Nói không ngoa thì đây có lẽ là một trong những phiên tòa xét xử ‘lạ lùng’ của Việt Nam, bởi người mẹ của kẻ sát nhân không một lời cầu xin cho con, không cố chấp nói những câu ‘ở nhà con tôi ngoan lắm’.

hình ảnh

Hình minh họa (Ảnh: Internet)

Bà thậm chí còn hành động ngược lại, khẳng định con mình là hung thủ 100%, yêu cầu con khai báo thành thật. Để làm được điều đó, hẳn người mẹ phải có ý chí sắt đá và một tầm nhìn công tâm, minh bạch nhất.

Tất nhiên, không có người mẹ nào là máu lạnh, thấy con tù tội ai chẳng xót xa. Nhưng người tỉnh khác với người u mê, bởi họ biết con mình phải trả giá. Nếu xin khoan hồng, thậm chí là chạy án thì kết đắng là gia đình phải gánh nghiệp, đứa trẻ đó không được cải tạo mà tiếp tục bước ra xã hội, là mối nguy hiểm khôn lường.

Thiết nghĩ, sự hư hỏng của Lĩnh không hẳn đến từ gia đình, bởi nhìn cách hành xử của bà mẹ, không ai tin rằng họ ‘vô giáo dục’. Chỉ có điều bản chất con người khó đổi thay, nhiều lúc phụ huynh cũng bất lực dù đã dày công uốn nắn.

Lại nói, người mẹ cũng thật bản lĩnh và đầy trách nhiệm, khi con mình gây ra hậu quả lớn, không hề trốn tránh và bỏ chạy. Chính bà, trong suốt những ngày tháng Lĩnh bị tạm giam, đã tới nhà nạn nhân xin khắc phục hậu quả, ân cần hỏi han bằng cả tấm chân tình.

hình ảnh

Thế cho nên, vợ của nạn nhân mới có ý định xin khoan hồng cho Lĩnh. Vậy mà chua chát làm sao, gã thanh niên ấy không hề thấy hối hận, chối tội quanh co chỉ mong được sống. Nhưng quan tòa đã hỏi một câu rất chua cay mà đầy thấm thía: "Tại sao anh muốn sống mà lại tước đoạt mạng sống của người khác."

Đây cũng chính là điều mà chúng ta cần rút ra làm bài học, hãy tỉnh táo trong suy nghĩ và hành động. Đừng để chút tham lam cướp đi lý trí con người. Chúng ta ai cũng sợ chết, vậy hà cớ gì lại manh động để rồi cái kết sau cùng còn chua chát hơn cả địa ngục trần gian?

Nguồn tham khảo: VNE