Không người mẹ nào muốn vứt bỏ con mình, nhưng hoàn cảnh đẩy đưa khiến họ túng quẫn. Và rồi, chỉ một giây phút bồng bột trong suy nghĩ có thể khiến cả đời phải dằn vặt khôn nguôi.

20 tuổi, bà Đặng Thị Hồng (quê Nam Định) vào TP. Hồ Chí Minh làm ăn. Năm 1992, Hồng lấy chồng ở Bình Phước. 2 năm sau, cuộc sống bế tắc, gia đình lạnh nhạt, Hồng bỏ đi với suy nghĩ chết ở đâu thì chết, mặc kệ cuộc đời. Hồng không thiết sống nhưng ông trời chưa cho chết, lại ban tặng cho hai sinh linh bé nhỏ trong bụng.

Hồng tới Bệnh viện Từ Dũ, được các chị em ở đây thương, cho một chân dọn dẹp vệ sinh. Ngày làm việc, tối Hồng lang thang, vạ vật, nằm đâu ngủ đó. Rồi hai thiên thần một trai một gái lành lặn chào đời, Hồng đau khổ nhiều hơn là hạnh phúc.

Khoảng 5 ngày sau, có một ma sơ tới gặp Hồng, đưa cho tờ giấy ký tặng cho con kèm theo 4 triệu đồng. Hồng cầm toàn bộ số tiền đưa cho một người bạn mượn, 4 triệu đồng vào thời điểm năm 1994 trị giá gần bằng 1 cây vàng. Cho đến nay, người mượn vẫn chưa trả lại.

hình ảnh

Bà Hồng hối hận vì đã 'tặng' con (Hình: An Ninh Thế Giới)

Bà Hồng cho biết, dù có chết đói cũng không bao giờ bà dùng đến số tiền tặng con đó. Ngày tháng trôi đi, khi sức khỏe tạm ổn, bà Hồng nhớ con, day dứt khôn cùng. Bà đi nhận giữ trẻ, chỉ để khỏa lấp nỗi nhớ con giày xéo ruột gan.

Sau này bà nhờ người hộ lý đỡ đẻ năm đó tìm giúp, lòng vẫn nhen nhóm hy vọng, dù là mong manh, nhưng ma sơ đã mất rồi. Bà Hồng quay trở lại Bệnh viện Từ Dũ và may mắn gặp được y tá Loan. Bà Loan đã đưa cho bà Hồng tấm ảnh chụp hai con đang chơi đùa ở bãi cỏ, chúng cười thật tươi, hồn nhiên và đáng yêu vô cùng.

 Tấm ảnh do chính vợ chồng người Pháp chụp và mang về Việt Nam để tìm mẹ đẻ cho hai con nuôi vào năm 1997. Do không tìm gặp được bà Hồng nên họ gửi lại tấm ảnh cho bệnh viện. Bà Hồng luôn mang tấm ảnh bên mình, đó là kỷ vật quý nhất của người mẹ nửa đời lạc lối.

Bà Hồng cho biết, mình từng bị tai nạn giao thông, bác sĩ cho thuốc một ngày 1 viên thuốc nhưng bà uống 3 viên, uống nhiều năm như thế, trí nhớ của bà có vấn đề, nhớ trước quên sau. Tuy nhiên, chuyện về hai đứa con song sinh thì chưa một phút giây nào người mẹ này quên được. Tình mẫu tử luôn thôi thúc bà đi tìm con. Nhưng cuộc tìm kiếm vẫn luôn xa vời vợi…

hình ảnh

Bức ảnh 2 đứa trẻ sinh đôi mà người mẹ luôn mang bên mình (Hình: An Ninh Thế Giới)

Tương tự như câu chuyện cho con của bà Hồng, bà Ngọc Lan (66 tuổi) thời trẻ cũng từng đau khổ như thế.  Năm 17 tuổi, bà xin vào làm giúp việc cho gia đình ông Hữu Phước ở Q.10. (Tp. Hồ Chí Minh) và có mối tình vụng dại với cậu chủ tên Đạt.

Chuyện gì đến cũng phải đến, bà Lan có bầu, gia đình nhà chủ biết chuyện nhưng không biết tác giả là ai. Bà chủ cho một ít tiền rồi khuyên Ngọc Lan trở về nhà ở ẩn. Đời không như là mơ, đứa trẻ sinh ra nay ốm mai đau, hai mẹ con lăn lóc ở lề đường, vỉa hè. Có lần đứa trẻ hóc xương cá, bác sĩ phải mổ hai vệt dưới cổ để lấy xương ra, sức khỏe đứa trẻ yếu đi từng ngày.

Không còn cách nào khác, Lan đành nói cho ông bà chủ biết sự thật. Bà nội đứa trẻ liền nhận cháu và  dúi vào tay bà Lan 200.000 đồng. Đồng thời, mỗi tháng cho Lan qua thăm con một lần nhưng dưới danh nghĩa ‘chị Hai’.

Năm 1981, gia đình ông bà chủ đi định cư tại Đức. Lần cuối cùng sang thăm con, Lan chết đứng khi thấy căn nhà cửa đóng im ỉm, người hàng xóm cho biết họ đã đi rồi. Suốt những năm tháng sau đó, nỗi nhớ con day dứt, cồn cào trong lòng của bà Lan ngày một lớn thêm.

hình ảnh

Bà Lan nức nở kể về chuyện của mình (Hình: An Ninh Thế Giới)

Rồi bà đi bước nữa, sinh được 2 cô con gái. Gia đình làm đủ thứ nghề để sống, sau này bà Lan chuyển qua Q.12 cùng con gái thuê mặt bằng bán cơm tấm. Dù biết con trai đã đi thật xa nhưng bà Lan luôn mong mỏi về tin tức của con.

Người đàn bà cả đời lam lũ, cơ cực, không chữ nghĩa, ít hiểu biết, cứ đi tìm con trong nỗi nhớ niềm đau khắc khoải. Cuối năm 2020, câu chuyện của bà Lan được một người chia sẻ lên mạng xã hội. Chưa đầy một tháng sau, bà Lan nhận được cuộc gọi từ bên Đức, người đàn ông nói tiếng Việt lơ lớ giới thiệu mình là Phúc.

Bà hỏi về gia đình, tên của những người thân. Tất cả đều được trả lời đầy đủ, đúng hết. Cuối cùng, là vết sẹo ở cổ, đều phù hợp với đứa con ngày xưa bị hóc xương cá phải mổ. Tiếng "má" thân thương được phát ra từ bên trời Âu khiến bà Lan như rụng rời chân tay, bà chỉ biết khóc mà thôi.

hình ảnh

Đứa con của bà đã đi Đức từ lúc còn bé (Hình: An Ninh Thế Giới)

Đúng là trong cuộc đời này, không gì ‘trớ trêu’ bằng số phận. Dẫu biết ai cũng từng trải qua những giây phút bồng bột nhất thời, nhưng có một số chuyện – khi đã quyết định sai lầm thì phải trả giá bằng thanh xuân tuổi trẻ, bằng những đớn đau dằn vặt khôn nguôi.

Hai người phụ nữ trong hai câu chuyện nói trên, đều chung một cảnh ngộ, đó là đành đoạn phải tặng máu mủ của mình cho người khác vì cuộc sống nghèo khó và tương lai vô định mập mờ. Nhưng giá như, họ đã đủ tỉnh táo và bản lĩnh hơn, thì cái kết sẽ không nghẹn lòng đến thế.

Cuộc đời của họ, đi từ cái sai này đến cái sai khác, một người thì lén lút yêu đương với cậu chủ, một người chán chồng mà bỏ nhà ra đi, để rồi hoàn cảnh xô đẩy, không đủ sức và đủ tình để nuôi con mình khôn lớn. Vậy mới thấy, phụ nữ càng yếu lòng càng dễ lạc lối biết bao nhiêu.

Người đời cảm thông cũng được, chê trách cũng được nhưng chắc chắn một điều, họ đã phải trả giá cho quyết định ngây ngốc của mình bằng những năm tháng dằn vặt về sau.

Qua đây, sẽ là bài học cho rất nhiều chị em phụ nữ. Hãy tỉnh táo khi lập gia đìn, hãy vững vàng về kinh tế rồi mới sinh con, hãy mạnh mẽ vượt qua giông bão, hãy đủ yêu thương và bao dung để nuôi nấng máu mủ của mình.

hình ảnh

Điều quan trọng nhất, chính là phụ nữ khi còn trẻ - nếu chưa biết sống trách nhiệm, đừng vội làm mẹ. Nó không chỉ là câu chuyện có trách nhiệm trong một ngày một tháng hay một năm. Nó không có hạn kỳ, cũng không có sự rõ ràng nào về lợi ích.

Hãy nghĩ đến con cái như một hạt mầm mà chúng ta gieo xuống. Đừng vì một phút bốc đồng, đừng vì tình yêu mù quáng và những lời ngon ngọt của đàn ông, đừng vì sự chán nản trong cuộc hôn nhân không lối thoát mà vội dấn thân vào con đường làm mẹ khi chưa thấu hết hai chữ trách nhiệm.

Suy cho cùng, cuộc đời nhiều nghiệt ngã, làm phụ nữ vốn dĩ rất thiệt thòi, nên chúng ta phải thật mạnh mẽ và bản lĩnh, để những năm tháng về không không còn hối hận và đớn đau.  

Nguồn: An Ninh Thế Giới