Rồi đây cả gia đình phải dời lên bờ sống, chú Bằng chỉ sợ con gái không quen, sợ em bị côn trùng cắn. Nhưng cuộc sống dẫu có khó khăn trăm bề, ngày nào còn cha mẹ, ngày đó em còn giấc ngủ ngon. 

Mấy ngày trước, những hình ảnh về cô bé nhỏ nhắn tật nguyền ngồi trên bờ nhìn cha đang bơi chiếc xuồng nhỏ ngoài sông đã làm biết bao người cảm động. Theo tìm hiểm, được biết em là Nguyễn Thị Kiều Loan (SN 2002), con gái của chú Nguyễn Văn Bằng và cô Nguyễn Thị Hậu. Cả gia đình 3 người suốt nhiều năm nay sống cuộc đời bấp bênh trên chiếc ghe hàng ngày trôi trên sông Sài Gòn để kiếm kế mưu sinh. 

hình ảnh

Chiếc xuồng này là phương tiện mưu sinh của gia đình nhỏ. 

Loan bị teo não bẩm sinh, tay chân không thể phát triển bình thường. Chú Bằng kể ngày em còn trong bụng mẹ, bác sĩ đã thông báo với gia đình là tình trạng của em. Nhưng vì thương con, vợ chồng chú không nỡ bỏ đi: "Làm sao mà bỏ được, con của mình mà, là máu mủ ruột rà mình tạo ra, mình phải chăm phải chiều, bỏ đi mà mang tội". Cách đây 4 năm, vợ chồng chú đưa con gái rời quê nhà An Giang lên Sài Gòn để con được thăm khám đều đặn và được sống thật hạnh phúc. Thế nhưng may mắn đã không mỉm cười với vợ chồng chú. 

"Thấy con mình không được như người ta mình cũng buồn lắm, nhưng con thì vẫn là con của mình, ai có dèm pha, có lời ra tiếng vào mình vẫn mặc", chú Bằng chia sẻ. 

hình ảnh

Chỉ cần nhìn thấy nụ cười của con, cha như quên hết mọi mệt mỏi. 

Mơ ước gia đình có chỗ ở và công việc ổn định để nuôi vợ con suốt 4 năm qua chưa thể thực hiện được. Lênh đênh trên sông, cả nhà rong ruổi khắp Sài Gòn nhưng cuộc sống cũng chẳng thể khá hơn. Ghe chìm, hộ khẩu mất, giấy tờ không có khiến cho gia đình nhỏ vốn khó khăn nay chồng chất khó khăn.

Nghèo túng, cơm ăn qua ngày còn thiếu thì nói chi đến bảo hiểm y tế. Thế nên mỗi khi bị bệnh, Loan cũng chỉ được uống thuốc sơ sài. Mấy nay thời tiết thay đổi, em bị sổ mũi liên miên. Ngồi kế bên, cha kéo áo lau mũi cho em, em nghiêng đầu về phía cha. Ở bên cạnh cha, em rất vui vẻ, cười nói luôn miệng dù chỉ ê a được vài chữ "ba, ghẹ - ẹ, bơm - cơm và cà kê - cà phê". Tuy vậy, em phát âm chữ "ba" rất chuẩn, gọn gàng và rõ ràng khiến chú Bằng thương lắm.

hình ảnh

Ba và con gái lênh đênh trên sông từ ngày này sang ngày khác. 

"Chú không có dám nghĩ chi xa xôi, chỉ cần có tiền cho con đi khám bệnh thường xuyên là được rồi. Bây giờ chú còn sức còn khỏe, cỡ nào chú cũng ráng lo cho em, tới khi nào hết sức mới tính đến chuyện khác, chứ không dám nghĩ xa xôi" - chú nhìn em rồi nghẹn ngào.

Cuộc sống vốn đã vất vả, vợ chồng chú còn bị điều tiếng dư luận. Họ nói vợ chồng chú ác, chở con bé đi nắng nôi. Nhưng chỉ có người trong cuộc mới biết rằng chỉ cần được đi theo ba thì có đi đến đâu, cực khổ thế nào em Loan cũng vui vẻ, không theo ba em không còn cười tươi nữa. "Người ta nói thì cứ kệ người ta, mình lo cho con mình đủ ăn đủ mặc là được rồi, ai giúp mình thì mình mang ơn, còn ai không giúp, ai có nặng lời mình cũng chẳng trách" - mẹ Kiều Loan tâm sự.

hình ảnh

Chiếc ghe chật chội với quá nhiều đồ đạc của vợ chồng chú Bằng. 

Ngày trước, chiếc xuồng nhỏ của vợ chồng chú đậu cập chân cầu Bình Lợi. Nơi đây che nắng che mưa, che luôn phận đời cơ cực của gia đình nhỏ 3 người. Nhưng bây giờ bị cấm ngủ ở chân cầu, chú Bằng và vợ trăn trở chẳng biết phải đi đâu. Chiếc ghe này năm ngoái vay của người ta 5 triệu để mua làm phương tiện sinh nhai, nay không có đủ tiền trả nên người ta lấy ghe. Không có chỗ trú thân, không còn ghe, vợ chồng chú dọn đồ lên bờ dựng lều ngủ đỡ được đêm nào hay đêm nấy. 

"Giờ người ta nói phải trả lại ghe vì mình còn thiếu tiền nhiều quá, mấy chục triệu đồng, lấy tiền đâu ra mà trả, nhưng ở thì ở làm sao, người ta thương người ta bán thiếu, mình hứa mà mình không làm được thì phải chịu". - ba Kiều Loan ngậm ngùi.

hình ảnh

Ngày nào còn cha mẹ, ngày đó em còn giấc ngủ ngon. 

Chỉ cần con vui khỏe, vợ chồng chú Bằng có cực cũng chấp nhận. Chú không sợ miệng đời, càng không sợ khó khăn, điều chú lo lắng nhất là cô con gái 18 tuổi nhưng vẫn còn ngây dại. Giờ dọn lên bờ, chú trăn trở: "Trên bờ cây cối nhiều, trời thì trở lạnh, mình khỏe mạnh cũng không sao, chỉ sợ rắn rết cắn em nó, sức đã không có nhiều rồi".

Trên xuồng, Loan lại ngồi ngoan ngoãn theo ba lênh đênh giữa dòng nước đang dập dìu sóng vỗ. Chẳng cần biết ngày mai ra sao, chỉ cần thấy em thỉnh thoảng nhìn xa xăm, nhìn cha rồi mỉm cười và ánh mắt của yêu thương của chú Bằng mỗi khi nhìn con là lòng người ta bỗng ấm áp trở lại. "Nó cứ theo chú miết thôi, chú mà đi đâu bỏ nó chừng một tiếng là nó ngồi lầm lì, không ăn cũng không uống", chú Bằng nói về cô con gái bé bỏng. 

Tấm áo rách tươm, cũ mục từ bao giờ cũng chẳng phải là nỗi bận tâm lớn nhất của vợ chồng chú. giờ làm sao để con gái được khỏe mạnh, sống vui vẻ là vợ chồng chú mừng lắm. Ngày nào cô chú còn là ngày ấy Loan vẫn được ngủ ngon giấc, vẫn được vô tư và an toàn trong vòng tay ba mẹ. Em đã sớm làm quen với cuộc sống lênh đênh trên ghe, hằng ngày làm bạn với những con sóng vỗ.

hình ảnh

Những bữa ăn đạm bạc qua ngày vẫn không làm cô chú Bằng nản lòng.

Câu chuyện của gia đình chú Bằng, đặc biệt là cô bé Kiều Loan đã làm cộng đồng mạng vô cùng xúc động. Thương cho kiếp người vất vả, thiếu trước hụt sau và thương cho sự lạc quan, nụ cười của bé Loan. Dù cuộc sống vất vả, cha mẹ cũng không bỏ con và dù không thể phát triển như bao nhiêu đứa trẻ khác, bé Loan vẫn vẫn làm cha mẹ ấm lòng bởi nụ cười và sự ngoan ngoãn.

Ai trong chúng ta cũng có hoàn cảnh và mối lo riêng. Đôi lúc sẽ cảm thấy ông trời bất công, rằng bản thân quá mệt mỏi và bất hạnh. Thế nhưng mỗi khi muốn than trách điều gì, hãy nghĩ đến những số phận kém may mắn hơn mình rất nhiều lần đang chật vật mưu sinh ngoài kia. Dù giá nào họ vẫn không bỏ cuộc thì tại sao chúng ta lại suy nghĩ bi quan, lại than thân trách phận phải không? 

Cuộc sống phía trước còn quá nhiều khó khăn, chỉ mong vợ chồng chú Bằng nhiều sức khỏe để lo cho con. Họ hiền lành và lương thiện, họ xứng đáng nhận mọi sự may mắn nhất.

Nguồn ảnh: Tiin.vn