Suốt 20 năm qua, hai anh em không nói chuyện vì cái tôi của ai cũng lớn. Giờ đây nghe tin anh mất, người em bật khóc vì chẳng được nói chuyện lần cuối.
Người ta nói, tình thân máu mủ là một phần không thể tách rời của mỗi con người. Dù giận hờn nhau đến mức nào, thời gian cũng làm mọi thứ nguôi ngoai và tình thương hàn gắn mọi rạn nứt.
Thế nhưng cũng có vài trường hợp đặc biệt, hiểu lầm, mâu thuẫn gây nên sự chia cắt tình thân. Và quan trọng hơn hết vẫn là sự cố chấp có sẵn trong mỗi con người không cho phép họ xuống nước làm hòa trước. Để khi có chuyện gì đó xảy ra, người ta mới thấy hối hận vì những gì mình đã bỏ lỡ.
Cách đây không lâu, tôi có thấy mạng xã hội Trung Quốc chia sẻ câu chuyện đau lòng về trường hợp của ông cụ 78 tuổi. Chuyện là cách đây 20 năm, ông và anh trai có mâu thuẫn. Chẳng biết mức độ nghiêm trọng đến đâu nhưng cũng vì vậy mà hai cụ chẳng còn nói chuyện với nhau nữa. Hai bên tuyệt giao, xem như không quen biết gì.
Ông cụ bật khóc hối hận vì 20 năm qua đã lạnh nhạt với anh trai. Ảnh chụp màn hình video Weibo VN
Tuy nhiên, thời gian là liều thuốc chữa lành mọi thứ. Hai ông cụ dần dần mềm lòng, cũng muốn bắt chuyện lại nhưng vì cái tôi quá lớn không cho phép. Rồi 20 năm trôi qua, đến hôm nay người anh đã 82 tuổi, người em 78 tuổi và vẫn xem nhau như người không quen biết. Cho đến khi người anh sắp qua đời, người em mới thấy hối hận. Ông rất mong muốn được gặp và nói chuyện với anh lần cuối nhưng chẳng thể thực hiện được nữa.
Mọi sự hối hận giờ đây đã muộn màng khi chuyến đi này là đi mãi, người anh trai sẽ không bao giờ trở về nữa. Giận hờn buồn bã suốt nhiều năm qua giờ cảm thấy như chuyện cỏn con, vô lý khi người trong cuộc ôm khư khư sự cố chấp ấy. Thời gian của chúng ta là hữu hạn, sao mãi phí hoài vào những chuyện không đáng. Ông cụ ngồi ôm mặt, đôi mắt nhòa lệ vì tất cả sự hối hận giờ đã muộn: “Tôi muốn được nói chuyện với anh ấy”.
Trường hợp như ông cụ không phải là hiếm khi ngay cả bản thân chúng ta cũng không ít lần tốn thời gian cho việc giận hờn, trách móc. Lỗi lầm dù là ở phía ai, dù nhỏ hay lớn nhưng không có sự thông cảm, tha thứ thì chắc chắn sẽ lớn dần theo thời gian, trở thành rào cản cho mối quan hệ.
Giờ đây muốn nói chuyện với anh lần cuối cũng không thể. Ảnh chụp màn hình video Weibo VN
Cư dân mạng để lại nhiều bình luận:
- Tình huống này y chang ngoại tôi và em của ngoại. Cái tôi của ai cũng cao ngất ngưỡng, con cháu 2 bên mỗi lần muốn giảng hòa nói chuyện là lại bị mắng cho. Ở trong chăn mới biết chăn có rận, còn chưa rơi vào trường hợp đó thì bớt nói lại để người ta đỡ nói cho.
- Cho nên tôi nếu có gây lộn, giận dỗi hay cãi nhau với ai thì cũng cố gắng làm lành trước, dù có khi mình không phải là người có lỗi. Vì dù sao tha thứ cho người khác cũng là tha thứ cho chính mình. Hơn nữa, đâu biết khi nào mình sẽ không gặp lại được người đó nữa. Cứ mãi giữ cơn nóng giận trong lòng thì cũng chẳng vui vẻ gì. Nhưng có người sẵn lòng làm hoà cũng có người không…
- Anh em ruột thịt , mâu thuẫn gì cũng phải bỏ qua vì một giọt máu đào hơn ao nước lã.
- Đừng để đến lúc âm dương cách biệt mới hối hận được không? Thật sự mong anh em, chị em, bố mẹ con cái nếu có ai đương dỗi hờn cái tôi cao quá, xin hãy hạ thấp một chút thôi. Nhìn người ra đi, tâm không yên đau xót lắm.
- Đối với người ngoài giận hờn không gặp là bình thường. Còn người thân, cùng chung dòng máu một khi đã tổn thương nhau thì đó là nỗi đau tận tim gan, dù hàn gắn thế nào cũng là điều không thể.
Nếu bạn đã từng trong hoàn cảnh xích mích, mâu thuẫn với người thân đến mức không thể nhìn mặt thì mới hiểu mọi chuyện đôi khi không hề đơn giản như những gì mình nghĩ. Tình thân ruột thịt chẳng ai muốn bất đồng, chẳng ai muốn giận hờn cãi vã nhưng có những trường hợp một khi đã làm mình tổn thương là chẳng thể tha thứ, mà dù có thì tình cảm cũng chẳng thể quay lại như lúc đầu.
Câu chuyện của 2 ông cụ trên đây cũng gặp nhiều ý kiến trái chiều, cho rằng 2 cụ quá cố chấp, cái tôi quá lớn để giờ phải hối hận. Chúng ta thật sự chẳng biết giữa họ đã xảy ra chuyện gì, liệu có thể hóa giải để gắn kết lại tình thân hay không. Nhưng nhìn ông hối hận như vậy thì đây cũng là bài học của tất cả chúng ta. Nếu có thể, hãy cho mình và đối phương một cơ hội để làm hòa, để được nói chuyện lại với nhau chứ đừng nên tuyệt giao. Cuộc đời ngắn lắm, yêu thương còn không đủ thì lấy đâu thời giờ để giận dỗi, ghét bỏ nhau.