Thất nghiệp 7 tháng nay vì dịch, đôi vợ chồng ngoài 40 tuổi ở TP.HCM chật vật vì chưa xin được việc làm trong khi gánh nặng cơm áo không chừa ngày nào. 

Sau Tết, tỷ lệ người thất nghiệp càng tăng lên. Với những đối tượng trẻ tuổi, cơ hội tìm việc mới có lẽ “dễ thở” hơn so với những người đứng tuổi. Trong hoàn cảnh đó, vợ chồng anh Phan Chí Tâm (46 tuổi, quê Tây Ninh) và chị Nguyễn Thị Thản (44 tuổi, quê Phú Thọ) gặp nhiều khốn đốn suốt 7 tháng nay. 

Từ ngày đặt chân đến TP. HCM, chị Thản làm công nhân 11 năm nhưng đợt dịch vào tháng 5/2020 vừa rồi thất nghiệp do công ty giải thể nên kinh tế gia đình lao đao. Chị đi nhiều công ty tuyển lao động phổ thông để xin việc nhưng chỉ nhận lại cái xua tay, lắc đầu từ chối: “Nơi thì kêu dịch cắt giảm không tuyển thêm, nơi thì chê nhiều tuổi rồi. Giờ người ta tuyển lao động dưới 25 tuổi, chứ như tôi 44 tuổi rồi, sao mà làm năng suất như mấy em trẻ vậy được. Đành chịu, cứ đi hỏi từ ngày này qua ngày khác vậy thôi”.

Không tìm được việc cố định, chị làm mọi việc, ai kêu gì làm nấy miễn có đồng ra đồng vào dù không chỉ làm vài ngày là nghỉ vì hết việc. Đợt Tết, chị đóng gói quà Tết, công việc nặng nhọc đứng 12 tiếng nhưng người phụ nữ vẫn gắng gượng vì các con. 

hình ảnh

(Ảnh Thanh Niên)

Anh Tâm chồng chị vốn là thợ hồ nhưng đợt dịch cũng ảnh hưởng nhiều vì ít công trình. Thời gian rơi vào thất nghiệp, anh chuyển qua làm “thợ đụng” nghĩa là ai kêu gì làm nấy miễn không phạm pháp và kiếm ra tiền nuôi vợ con. 

“Ngày nào hai vợ chồng cũng hỏi khắp nơi xem có chỗ nào đang cần người làm không, được ngày nào hay ngày đó. Chứ giờ ai mà tuyển lao động trên 40 tuổi nữa, việc gì mình cũng làm được, cực khổ mấy mình cũng làm được nhưng mà không có việc để làm. Đêm đến lo tiền học cho con, tiền nhà trọ mà không sao chợp mắt được, chưa bao giờ thấy bế tắc, áp lực tiền bạc đến như vậy”.

Chia sẻ của anh Tâm khiến nhiều người thêm chạnh lòng. Ho siêng năng, chăm chỉ lao động chân chính để nuôi thân, nuôi gia đình nhưng dịch bệnh ập đến, kéo theo muôn vàn khó khăn. Các công ty không xuất được hàng nên sa thải, cắt bớt nhân sự và dĩ nhiên những nhân viên lớn tuổi thuộc diện cắt giảm cao nhất. Người giàu còn bị lung lay vì dịch, huống gì tầng lớp lao động bình dân lại càng khốn đốn bội phần. 

hình ảnh

(Ảnh Thanh Niên)

Đã 10 cái Tết trôi qua nhưng chị Thản chưa có cơ hội về quê của mình, còn quê chồng cũng đã 3 năm không về dù chỉ cách Sài Gòn tầm 100km. “Nhớ những cái Tết ở quê lắm, nhưng tiền đâu mà về. Ở lại đây cũng không sắm sửa gì, năm nào có tiền mới mua một hai gói bánh thắp nhang, vợ chồng con cái ăn. Nghĩ mà tủi thân muốn khóc, nhưng cuộc sống cứ vậy trôi qua thôi”, chị Thản sụt sùi nói về những cái Tết tha hương. 

Anh Tâm cũng cho biết, cứ gần Tết là anh em họ hàng dưới quê gọi điện rủ về nhưng nghĩ cảnh tiền bạc hụt thiếu nên lại thôi. Mấy anh em có dịp lên Sài Gòn, tạt qua phòng trọ của vợ chồng anh xong là thở dài, rủ về quê tìm việc xem ra cuộc sống dễ thở hơn ở phố thị. 

“Có nhà đất ở quê thì cũng ráng về rồi, giờ về lại đi ở nhờ nhà anh em ruột, sợ lúc vui không sao, lúc xích mích thì anh em to tiếng không hay. Em mình đó nhưng còn em dâu, rồi vợ con mình nữa. Giờ mình là anh lớn mình ra ngoài ráng bươn chải, tìm lối thoát cho mình, mà tìm hoài chưa thoát được. Về cũng không được, mà cứ thất nghiệp như thế này hoài chắc chết…”

Chia sẻ của anh Tâm có lẽ cũng là tình cảnh của nhiều người chọn bỏ quê lên phố với hy vọng cuộc sống khấm khá hơn. Tìm được việc thì may ra có thể đắp đổi qua ngày, chứ lúc thất nghiệp là khó lại chồng khó trong khi đâu phải ai cũng có đất, có nhà ở quê để về lại. 

hình ảnh

hình ảnh

(Ảnh Thanh Niên)

Giữa những khó khăn khốn đốn, có một điều đơn sơ nhưng thật đáng quý đó là tình nghĩa của hàng xóm đối đãi lẫn nhau. Biết hoàn cảnh gia đình anh Tâm chị Thản, nhiều người sống gần nhà trọ thường nấu dư một chút đồ ăn và mang sang cho. Nhờ đó, hai người có thể bám trụ suốt 7 tháng thất nghiệp và lo cho các con ăn uống đủ đầy. Mỗi ngày, hai vợ chồng tiết kiệm bằng cách ăn rau nhưng vẫn ráng cho con ăn trứng hoặc chút thịt để có sức học. 

Từ những ngày bùng dịch vào năm ngoái cho đến sau Tết 2021, nhiều người rơi vào cảnh khốn đốn như vợ chồng anh Tâm. Có trường hợp làm văn phòng phải xài tiền trợ cấp thất nghiệp mấy tháng ròng vì khó tìm việc. Còn những trường hợp lao động tay chân, mất việc thất nghiệp là coi như đói, có khi cả nhà kiếm không ra miếng thịt miếng cá cho mỗi bữa ăn. Cuộc sống vốn dĩ không dễ, lại lúc này lại càng lao đao hơn. Chỉ mong những nhà tuyển dụng hay người làm chủ sẽ tạo cơ hội việc làm cho những lao động lớn tuổi. Dĩ nhiên sức lực sẽ khó bằng người trẻ nhưng cần cù, chịu siêng năng và kinh nghiệm thì chưa biết ai hơn ai.