Người phụ nữ đã dành 40 năm cuộc đời trồng 100.000 cây xanh trên mảnh đất khô cằn sỏi cát. Đổi lấy kết quả mỹ mãn là bao giọt mồ hôi đã rơi, thậm chí con gái cận kề sinh tử. 

hình ảnh

Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình - câu nói đơn giản nhằm nhắc mọi người về lẽ sống biết trao đi để góp chút công sức tạo điều tốt đẹp cho đời. Có người trao đi món tiền từ thiện, có người trao đi những câu chuyện đầy cảm hứng và trở thành tấm gương cho người khác. Và có một người phụ nữ đã thầm lặng dành 40 năm tuổi xuân để trao đi công sức, tạo nên cả mảnh đất phủ đầy cây xanh. 

Có ngôi làng được mọi người gọi là Nhất Khóa Thụ, có nghĩa cả ngôi làng rộng lớn chỉ có đúng mỗi một cây xanh. Điều này ám chỉ sự khô cằn của nơi đây, đến cả cây cối còn không sinh sôi nảy nở, huống gì con người. Dân làng cũng vì vậy mà bỏ đi nơi khác, mong có cơ hội đổi đời thay vì bám trụ lại mảnh đất chó ăn đá gà ăn sỏi thế này. 

hình ảnh

(Ảnh: People's Daily)

Rồi cũng đến ngày cây xanh duy nhất của làng chết khô, biến cả vùng đất thành sa mạc nắng nóng cháy da. "Vài chục năm trước, hồi mới chuyển tới đây, tuyệt nhiên chỉ thấy ánh vàng vô tận của sa mạc", cụ bà họ Bạch chia sẻ. 

Năm đó, bà 27 tuổi và cùng chồng con chuyển đến mảnh đất khô hạn này sinh sống. Tính luôn cả nhà bà, chỉ có 10 gia đình bám trụ lại nơi đây và họ là những người kiên quyết chống lại quá trình sa mạc hóa. 

Mỗi ngày, bà phải đi bộ 16km đến nơi trồng rừng, còn người chồng phải chuẩn bị sẵn cây giống từ tối hôm trước. Thời gian đầu, hai người phải đào thật sâu xuống lòng cát để tìm nước. Thức ăn khi đó chỉ có ngô nghiền. "Thuở đó đói lắm, hiếm khi được ăn no. Đã thế trồng cấy gì cũng khó sống. Tôi nghe theo lời kêu gọi trồng rừng của cán bộ, chỉ có như vậy mới giải quyết được nạn đói", bà Bạch cho biết. 

hình ảnh

(Ảnh: People's Daily)

Trên mảnh đất hoang mạc chỉ trơ sỏi cát, sau thời gian mày mò, bà Bạch và dân làng đã trồng thành công 6000m2 lúa mì. Một năm sau, cả làng thu hoạch được 4 bao lúa mì nhưng đó là tín hiệu đáng mừng, cho rằng thành quả của họ đã ít nhiều được đền đáp.

Sau 40 năm kiên trì và học hỏi, Nhất Khóa Thụ năm xưa không cây nào sống nổi đã trở thành mảnh đất trù phú, có khoảng 100.000 cây xanh phủ bóng. Nhìn thành quả, ai nấy cũng rưng rưng vì bao công sức đã có ngày được đền đáp. Tuy nhiên có kỷ niệm mà bà Bạch nhớ đời trong thời gian trồng cây. 

hình ảnh

(Ảnh: People's Daily)

Năm đó, Nhất Khóa Thụ có trận bão cát kinh hoàng quét qua. Bà Bạch cắm cúi lo trồng cây, không hề hay biết đứa con gái bị bão cuốn đi mất. Đến khi tìm thấy, con bà đã bị ngất nhưng may mắn không ảnh hưởng đến tính mạng. Sau này mỗi lần nhắc lại vụ việc, người mẹ có chút ăn năn với con gái. 

Là người tiên phong cải tạo vùng đất, tận tụy trồng từng cây một xuống đất cát để có 100.000 cây xanh sau 40 năm, người phụ nữ có lúc đã quên mất mỏi mệt và đăt lợi ích chung lên hàng đầu. Nhớ chuyện một cụ ông ở Trung Quốc cũng dành hơn 30 năm để mài mò, tìm cách đào mương nước xuyên qua 3 ngọn núi cheo leo để dẫn nước về cứu dân làng. 

Trong thời gian đào mương, con gái và cháu của ông mất vì tai nạn. Nuốt đau, cụ ông vẫn cùng dân làng hoàn thành công việc và chứng kiến thành quả đáng nể sau hơn 30 năm vất vả. Họ là những người đặt niềm riêng xuống sau cái chung của cộng đồng và sống trao đi hết lòng. 

hình ảnh

(Ảnh: People's Daily)

Những câu chuyện này như truyền đi niềm tin mãnh liệt vào ý chí. Có lòng quyết tâm thì sức người cũng khiến đất cát nở hoa và núi đá cúi mình. Trước khó khăn, thay vì vội nản chí tìm đi nơi khác tốt đẹp hơn thì người phụ nữ hay cụ ông ở trên đã chọn cách đối mặt và kiên trì vượt qua, tạo nên kì tích đáng nể phục. 

Nguồn tham khảo: People's Daily