Con dâu nhất quyết không chìa tiền giúp mẹ chồng chữa ung thư và bố chồng lên tiếng chỉ trích. Câu chuyện gây ra nhiều luồng ý kiến bởi ai cũng có lý lẽ của mình.



Xưa nay chuyện con cái trong nhà phải biết quan tâm, chăm sóc với cha mẹ là khó bàn cãi vì đó là bổn phận cũng như theo chữ hiếu cao đẹp. Tuy vậy, mới đây một người đàn ông tên Cát đã lên sóng truyền hình “vạch tội” con dâu đã hờ hững, thậm chí đối đãi lạnh lùng với mẹ chồng đang mắc bệnh ung thư vú.



Ông Cát cho biết, hiện tại gia đình đã khánh kiệt chi phí chữa bệnh nên nhờ đến con dâu. Chứng kiến người vợ đau đớn trên giường bệnh, ông mới mở miệng nhưng đáp lại con dâu đã nhiều lần từ chối. Hai vợ chồng ông Cát chỉ có độc nhất một đứa con trai và tất cả thu nhập của người này đều đưa vợ quản lý. Ông cũng khẳng định, con dâu vẫn còn 100 nghìn NDT (khoảng 330 triệu đồng) nhưng không muốn giúp mẹ chồng chữa bệnh.


webtretho


Bố chồng "vạch tội" con dâu. (Ảnh: tintuconline)



Lý lẽ được cô con dâu đưa ra là: “Mẹ chồng tôi năm nay 65 tuổi và bị chẩn đoán là ung thư vú đang tiến triển. Các bác sĩ nói rằng, ở độ tuổi này, nếu hóa trị sẽ kéo dài cuộc sống từ 3 đến 5 năm nữa, nếu phẫu thuật thành công cũng chỉ sống thêm từng đó thời gian mà thôi. Gia đình tôi không có nhiều tiền còn mẹ chồng đã quá lớn tuổi, không nhất thiết phải trải qua đợt phẫu thuật kia, tốt nhất là chữa trị để kéo dài cuộc sống thôi. Nhưng bố chồng tôi không chịu hiểu, trực tiếp ký vào biên bản điều trị phẫu thuật".



Đứng trong tình huống ngặt nghèo này, phần lớn mọi người sẽ không ngần ngại, đặng đừng chi tiền giúp người vì nó liên quan đến tính mạng. Tuy nhiên, quan điểm của cô con dâu đã đi ngược nhiều người nên dễ gây tranh cãi. Thực tế, cô giữ tiền của chồng tuy nhiên cũng phải chi tiêu vào mọi chi phí sinh hoạt cũng như chăm con cái, đóng tiền học… "Nhà chúng ta lấy đâu ra nhiều tiền như vậy, bố cũng nghe bác sĩ bảo chi phí ít nhất cũng 200 - 300 nghìn NDT (661 triệu - 992 triệu VND)", cô con dâu thẳng thừng cho biết.


webtretho


Cô con dâu gây tranh cãi với quan điểm của mình. (Ảnh: tintuconline)



Tới đây, nhiều người ắt sẽ đồng tình với người bố và chỉ trích cô con dâu quá ích kỷ, chỉ lăm lăm tính lợi ích cho mình. Tiền của có thể kiếm lại, chỉ mạng người là khó có cơ hội lần 2 lần 3. Chưa kể đó lại là mẹ chồng của cô, dù không máu mủ sinh ra nhưng chí ít cũng là người sinh ra chồng cô.



Tuy nhiên, lời đề nghị của bố chồng khi trong lúc túng quẫn cũng không đúng đắn. Ông Cát thẳng thắn nói lên suy nghĩ: "Bố mẹ cô đều ở thành phố mà, còn có cả lương hưu, cô không có tiền thì về hỏi bố mẹ cô xem. Bây giờ là thời khắc sinh tử, mấy người chắc chắn có cách thanh toán viện phí mà".



Biết rằng trong lúc cấp bách thì chuyện cứu người phải đặt lên hàng đầu nhưng cách đặt vấn đề của người bố có phần kém tế nhị. Thử hỏi phụ nữ đi lấy chồng, chưa kịp phụng dưỡng bố mẹ mà giờ còn quay về xin tiền để cho phía nhà chồng có quá cay đắng không? Cứu người, ai chẳng muốn nhưng cũng phải tùy sức lực và khả năng của mỗi người. Chưa kể, việc hỏi vay mượn phía nhà thông gia cũng là tùy lòng hảo tâm của họ, đâu thể tự ép như vậy.



"Bố mẹ ruột của tôi đúng là có lương hưu, nhưng chẳng là bao nhiêu cả. Họ cũng chạy vạy khắp nơi vay cho tôi 100 nghìn NDT rồi. Tôi nói với bố chồng là bố mẹ ruột chỉ có 100 nghìn NDT thôi, bố chồng chỉ nói '100 nghìn NDT này thì làm được gì, về nhà hỏi mượn bố mẹ một ít nữa đi', giờ thì tôi không đưa đồng nào cho bố chồng nữa", cô con dâu cho biết.



Chính lời nói có tính ép buộc cũng như tự cho rằng phía nhà thông gia có khả năng của bố chồng cũng khiến mâu thuẫn bị đẩy cao. Cô con dâu cũng đã giúp và tùy khả năng, sức lực chứ đâu thể nài nỉ, ép buộc đến vậy. Nhưng nói đi nói lại, lời nói của cô con dâu cũng không khéo léo, thậm chí dễ gây cảm giác lạnh lùng, tuyệt tình: “Nếu tôi trên 60 tuổi mà mắc căn bệnh đó, tôi thà không chữa còn hơn trở thành gánh nặng cho con cái". Khéo ăn khéo nói được lòng cả thiên hạ là vậy, trong khi phận là dâu con lại có thể nói những lời thẳng thắn, thử nghĩ đến cảnh một ngày con dâu của cô ấy cũng nói lại như thế, liệu có thể chịu được?



Câu chuyện này đã gợi ra nhiều suy ngẫm. Phận làm con cái, dù là ruột thịt hay dâu con cũng đều cần có trách nhiệm, bổn phận chăm sóc cha mẹ già. Nếu không đủ điều kiện kinh tế thì những quan tâm, chăm sóc, hỏi han cũng là một cách để trọn vẹn chữ hiếu của con cái. Tuy nhiên tiếc là, một mẹ nuôi nổi 10 con nhưng 10 con không nuôi nổi một mẹ là đúc kết rất chua chát của người đời.





Nguồn bài viết tham khảo: tintuconline