Lúc chồng mất, trong túi anh chỉ có 7 triệu đồng. Đó cũng là tài sản duy nhất trong nhà lúc đó và buộc người vợ phải vực dậy vì hai con. 

Mở đầu câu chuyện về mất mát của mình, chị Trần Thị Ánh Tuyết (38 tuổi, ngụ Q.12, TP.HCM) cho biết: “Người ở lại vừa đau buồn, nhớ thương, gánh nặng biết bao nhiêu cho con cái, cha mẹ và cả người bạn đời. Tai nạn giao thông thật ám ảnh”.

Tháng 6.2019, chồng chị đi cùng 3 người khác trên chiếc xe 7 chỗ từ TP.HCM về Sóc Trăng. Đoạn qua cầu Hàm Luông (tỉnh Bến Tre) đã va chạm với xe cẩu tuột dốc khiến cả hai xe bị văng xuống kênh. Vụ tai nạn khiến 3 người chết, trong đó có anh Thiện - chồng chị Tuyết. 

hình ảnh

(Ảnh Internet)

Lúc nghe tin chồng bị tai nạn, chị Tuyết đang loay hoay lo cơm nước. “Tai nạn nghiêm trọng lắm”, nghe lời của người báo tin khiến chị không khỏi lo lắng nhưng vẫn giữ chút hy vọng, mong rằng chồng sẽ bình an vô sự vì 2 năm trước, chồng chị cũng bị tai nạn giao thông chấn thương sọ não, gãy xương hàm, xương đòn rất nặng mà anh còn có thể vượt qua được, chẳng thể nào, số anh lại bạc đến vậy. 

Tuy nhiên lần này số phận đã không mỉm cười. Đến bệnh viện Chợ Rẫy (TP. HCM) nghe bác sĩ thông báo chồng qua đời, người vợ như vụn vỡ trăm nghìn mảnh. Bác sĩ chích cho một mũi thuốc vàng, giữ ấm cơ thể để kịp đưa anh về Tiền Giang lo hậu sự.

“Dù biết là sẽ như vậy nhưng nghe bác sĩ kết luận thì tôi gục ngã hoàn toàn, tôi không thể gượng nổi. Vụ tai nạn trước kinh hoàng như vậy anh còn vượt qua được, sao lần này lại không. Bạn bè anh động viên bảo tôi không được khóc để còn lo hậu sự chu toàn cho anh và là chỗ dựa cho 2 con”.

hình ảnh

(Ảnh Internet)

Kinh khủng nhất là sau khi lo xong hậu sự cho chồng, chị Tuyết quay về với căn nhà 16m2 ở Sài Gòn và mọi thứ do chồng để lại vẫn còn quá ám ảnh. Chưa kể gánh nặng kinh tế như đè hết lên vai chị. Lúc chồng mất, bác sĩ trao lại cho gia đình 7 triệu đồng trong túi và đó cũng là tài sản còn lại trong nhà. 

Rồi cô con gái nhỏ vốn được ba cưng chiều nhất nhà cũng hụt hẫng, tay luôn ôm con gấu bông nhỏ, nói, cười rồi hát một mình. “Năm đó bé nhỏ vào đầu lớp 2 mà không biết chữ gì, y như bị trầm cảm. Nhìn bạn nào chơi bên cha mẹ là nó thèm lắm. Tôi nghĩ thương con thiếu tình cảm của cha chứ không lo thiếu ăn thiếu mặc, tình cảm mới là thứ quan trọng. Trong nhà nhìn qua nhìn lại không có bóng người đàn ông buồn lắm. Phải mất hơn 1 năm, thấy tôi khóc nhiều quá, bé tự thay đổi. Hôm vừa rồi vẽ hình tặng sinh nhật mẹ nó còn vẽ mái nhà có cha ở đó nữa, nghĩ mà đứt ruột”, chị nghẹn ngào kể lại. 

hình ảnh

(Ảnh Internet)

Thời gian khó khăn và tổn thương sau mất mát đó, chị may mắn có mẹ ruột từ Huế vào, rồi bạn bè của chồng giúp đỡ, động viên nên gắng gượng vượt lên để sống tiếp vì con. Chị Tuyết phải vực dậy để làm đủ công việc kiếm tiền chợ, nuôi con ăn học. Thời gian đầu, chị làm quản lý cho quán cà phê gần nhà, rảnh thì nhận thêm quần jean về cắt chỉ, mỗi cái được trả công 1.000 đồng. Mỗi ngày ngồi còng lưng cũng kiếm được gần 100.000 đồng đủ lo tiền chợ.

Gần đây, chị học thêm nghề bán bảo hiểm và vừa bắt đầu với vài hợp đồng đầu tiên nhưng từ sau Tết, công việc chưa mấy thuận lợi. Hai cô con gái (lớp 9 và lớp 3) dần hiểu chuyện, tự giác học hành, phụ mẹ việc nhà là niềm động viên lớn nhất của chị.

Động lực to lớn giúp người phụ nữ bản lĩnh đứng dậy sau mất mát chính là hai đứa con nhỏ. Chị biết nếu mình gục ngã thì hai con sẽ không biết nương tựa vào ai. Vừa làm mẹ làm bố, chị ra sức làm mọi việc để có kinh tế nuôi con và dành tình thương cho các con gấp bội lần để chúng nhanh chóng bước qua tổn thương. 

hình ảnh

Cũng may chồng chị còn có nhiều người anh em thương quý nên vẫn thường qua lại đốt cho anh nén nhang, hỗ trợ mấy mẹ con qua cơn ngặt nghèo. Dịp giáng sinh năm qua, cũng trùng với sinh nhật anh, mọi người đã góp được gần 10 triệu đồng đưa chị để sắm đồ Tết và đóng học phí cho 2 đứa nhỏ. Nhờ vậy, từ khi mất đi người trụ cột trong nhà, mấy mẹ con cũng chưa rơi vào cảnh túng thiếu.

“Tai nạn giao thông đột ngột lắm, sau vụ của chồng, ra đường tôi chạy chỉ 20km/h. Tôi cũng thường nhắc những người bạn ăn nhậu gì thì đón xe về. Dù biết tai nạn có thể ập đến bất kỳ lúc nào nhưng mình cẩn thận phòng ngừa thì hạn chế được phần nào, người ở lại là người đau khổ nhất nhưng cuộc sống vẫn phải vượt qua nỗi đau mà bước tiếp, vì con cái”, chị Tuyết chia sẻ.