Một buổi tối tháng 7/2015, Nguyễn Ánh Nguyệt (sinh năm 1974) - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP. Vĩnh Long có cảm giác đau nhoi nhói một bên ngực. Vốn lo xa nên hôm sau chị đi TP.HCM kiểm tra. Sau 1 ngày xét nghiệm, chị nhận tin sét đánh và ngã quỵ tại phòng khám.

Nhìn chữ “ung thư” mà chị khóc lạc cả giọng, tự cấu véo mình với hy vọng đây chỉ là giấc mơ. Đêm về phòng trọ, chị đóng cửa lại và bắt đầu gào thét không ngừng hỏi tại sao lại là mình. Hai giờ sáng đêm ấy, chị ngồi dậy viết di chúc, dặn dò chồng nuôi dạy con,  lên danh mục những thứ cần mua cho 2 cha con dùng trong 3 năm sau khi chị mất…

hình ảnh

Chị Nguyễn Ánh Nguyệt - một bệnh nhân ung thư đã nhiều năm nay (Ảnh: Bệnh viện K)

Nhưng chính lúc này, tình yêu và sự lạc quan của chồng đã kéo chị đứng dậy. Anh từ phiên bản “con út được cưng nhất trong nhà” thành “soái ca” của riêng chị. Anh vừa chăm con, vừa chạy đôn đáo chăm vợ, vừa đi làm, vừa đi học nghiệp vụ.

Đau đớn, mệt mỏi, chị không ngủ được, anh thức thâu đêm cùng chị. Anh làm gối cho chị tựa vào để nôn trớ. Bệnh viện đông, anh tìm chỗ cho chị ngồi để một mình chen chân vào nghe gọi tên. Những ngày anh đi học cách nhà 70km, nghe mẹ nói chị không ăn được, anh chạy về ngay trong đêm.

Mọi việc nhà, anh giành làm hết. Chỉ trong vòng 3 tháng, tóc anh bạc nửa đầu. Chị bảo, chị biết ơn anh không chỉ vì những hi sinh đó, mà hơn hết là vì tinh thần lạc quan của anh truyền cho chị. “Lúc nào anh cũng pha trò cười.

Cuộc chiến với căn bệnh ung thư vú của chị cứ thế trôi đi đến đầu năm 2019. Chị bắt đầu có dấu hiệu đau xương. Dù đã chuẩn bị trước tinh thần cho trường hợp xấu nhất xảy ra, nhưng khi cầm kết quả “di căn xương”, chị ngã quỵ lần thứ 2.

hình ảnh

Người chồng luôn là trụ cột của vợ trong nhiều năm (Ảnh: VietNamNet)

Lúc này chị vẫn còn khỏe nên vào bệnh viện một mình, định bình tĩnh lại sẽ lựa lời nói cho anh đỡ “sốc”. Mười phút sau, anh gọi cho chị, giọng oang oang:  “Anh đang trên đường lên đón em về, cứ ở trong bệnh viện đừng đi đâu nhé!”.

Ba tiếng sau, anh xuất hiện, gương mặt vẫn rất bình thường, vui vẻ trò chuyện để động viên chị. Mọi người thấy anh lạc quan, cũng cảm thấy nhẹ nhõm phần nào. Chị cũng nhờ thế mà bớt đi một phần ám ảnh. 

Sáng hôm sau, em gái chị qua nhà kể lại: “Lúc nhận tin, anh đã đứng ôm hàng rào vừa khóc vừa gọi mẹ ơi, làm em và mẹ khóc hết nước mắt”. Nghe vậy, tim chị như có ai bóp nghẹt lại. Chị hiểu rằng anh đã cố gắng đến thế thì chị không thể yếu mềm.

Chị lại nhập viện và lê lết chiến đấu tiếp. Chị dần tìm lại niềm vui trong công việc ở hội phụ nữ. Chị tổ chức rất nhiều buổi tuyên truyền chia sẻ cách tầm soát và chung sống với ung thư, trở thành người truyền cảm hứng và trợ giúp cho rất nhiều người cùng cảnh ngộ...

hình ảnh

(Ảnh: VietNamNet)

Chị say mê với nấu nướng, tham gia các hội nhóm cùng sở thích. Đầu năm nay, chị lại nhận “án tử” lần 3 - tế bào ung thư di căn sang gan. Lần này, chị chỉ khóc đúng 1 ngày, rồi tự vực dậy tinh thần, quyết không để anh thấy chị tuyệt vọng.

Còn anh thì cứ thấy ai chỉ nơi nào có thuốc hay, thầy giỏi là lại kéo chị đi. “Chùa nào anh cũng vào nguyện, ngày nào cũng đốt nhang, van vái, điều mà trước đây không bao giờ anh tin”. Bây giờ, chị chỉ ao ước được sống đến ngày con gái vào đại học, ao ước được làm thật nhiều việc có ích cho những ngày còn lại.

Đầu tháng 6 mới đây, chị nhận tin vui “tế bào di căn đã tạm dừng phát triển”. Dẫu vậy, chị vẫn hiểu rằng thời gian còn lại bên cạnh anh không còn nhiều, nên chị luôn cố gắng ăn tất cả những gì anh nấu, làm tất cả những gì có thể để anh yên lòng.

Chị Nguyệt cùng chồng và con gái Chị tâm sự: “Mình luôn dặn dò con gái, sau này mẹ không còn, con sẽ lớn và có gia đình riêng. Cha sẽ cô đơn nhiều lắm, con đừng ngăn cản cha có người bầu bạn... Sau này nếu có bạn trai, không cần giàu có hay giỏi giang nhưng nhất định phải là người có đạo đức, giống như cha”.

hình ảnh

(Ảnh: VietNamNet)

Thật quá xúc động và xót xa trước câu chuyện của gia đình Nguyệt, dẫu rằng ai rồi cũng phải trải qua sinh lão bệnh tử. Nhưng có lẽ, ung thư vẫn đang là căn bệnh nguy hiểm và đau lòng nhất. Bước vào bệnh viện, chẳng ai muốn phải nhận ‘bán án’ này. Vậy mà chị Nguyệt đã cùng chồng, 3 lần vượt qua “cửa tử”. Trong suốt hành trình ấy, chị luôn có cái nắm tay và nụ cười lạc quan của bạn đời.

Tục ngữ có câu: “Tu trăm năm mới đi chung thuyền, tu ngàn năm mới chung chăn gối”. Vợ chồng đã ăn ở với nhau thì phải trông cậy nhau những lúc ốm đau bệnh tật. Dù sướng khổ hay vui buồn thì cũng phải yêu thương đùm bọc nhau, đó mới là phải đạo.

Chồng chị, theo lời vợ mô tả vốn là một cậu ấm vẫn còn tính ham chơi, nhưng giờ đây anh đã thay đổi, trở thành bờ vai vững chắc nhất cho chị dựa vào. Ngẫm xã hội ngoài kia, biết bao gã đàn ông bạc nhược, khi thấy vợ bệnh nặng còn vơ hết tài sản bỏ đi.

Thế nên nói không ngoa, chồng chị chính là mẫu đàn ông Việt hiếm hoi cần được trân trọng. Nhìn anh lặng thầm khóc sau lưng chị, hẳn là anh đã phải đau đến tận cùng. Nhưng sau đó anh vẫn khiến mình trở nên mạnh mẽ.

hình ảnh

Còn chị, cũng đau chẳng kém gì anh, thậm chí còn đau từ tinh thần lẫn thể xác, nhưng chị chọn cách lạc quan, chọn nghị lực sống để bước tiếp với đời. Cách sống của hai anh chị, đáng nể và tự hào quá. Thay vì than khóc và buông xuôi, họ minh chứng cho nhau và minh chứng cho đời, rằng tình yêu có thể khiến con người ta vượt qua tất cả.

Lại ngẫm nhiều đàn ông hiện nay, rất nhiều người không hiểu ý nghĩa của việc kết hôn, họ cho rằng cưới vợ về chỉ là để có người nâng khăn sửa túi, nấu nướng cho mình ăn uống. Nhưng họ lại không biết rằng vợ chồng là phải cùng nhau yêu thương, chăm sóc, ở bên cạnh nhau lúc ốm đau cũng như bệnh tật. Đó mới là nghĩa đạo cả đời.

Nguồn tham khảo và hình ảnh: VietNamNet