Trong khi nhiều người ở nhà tránh dịch, anh Lê Quang Long - trưởng một nhóm thiện nguyện tại TP. HCM lại lăn xả, xông pha vào những nơi có nguy cơ lây nhiễm để hỗ trợ người dân đang khó khăn. 

Khi thành phố siết chặt giãn cách xã hội, nhóm thiện nguyện của anh Long cũng gặp không ít khó khăn trong việc di chuyển. Nhóm chỉ có 7 người, phải chia nhau ra mới có thể giúp được nhiều hoàn cảnh khó khăn. 

Tất bật cả ngày, từ sáng đến tối mịt di chuyển nhiều nơi như Bình Tân, Nhà Bè, Quận 10, Gò Vấp… nhưng họ vẫn chọn tiếp tục vì càng đi là càng nặng lòng vì nhiều mảnh đời đang quá ngặt nghèo, cần được giúp đỡ. 

"Từ những ngày bắt đầu cuộc hành trình này, mình chỉ có một hệ miễn dịch như mọi người. Đó là ngoài cái sức trẻ, mình không hề có thêm một sự miễn dịch siêu phàm nào khác. Bản thân mình còn người thân, còn gia đình, còn biết bao cuộc vui của cái tuổi cuồng nhiệt, hỏi mình có sợ không thì có. Rất sợ”, anh Long chia sẻ. 

hình ảnh

(Ảnh FBNV)

Thậm chí, theo anh Long nói, có người trong nhóm tình nguyện viên đã nhiễm bệnh và diễn biến nặng. Biết rằng nguy cơ lây nhiễm rất cao, cận kề nhưng điều khiến trưởng nhóm thiện nguyện sợ hơn cả là “đánh mất chính mình”. 

"Đăng hoàn cảnh lên mà không chia sẻ thông tin, chỉ có số tài khoản cá nhân của người kêu gọi, vậy là không minh bạch rồi", "Bạn này chắc chỉ câu like thôi, thấy chia sẻ mà chẳng có thông tin gì hết vậy"... là một trong những ý kiến chỉ trích công tác thiện nguyện của nhóm anh Long. 

Trước những bình luận tiêu cực về mình, anh cho biết: “Mình chưa bao giờ công khai thông tin cụ thể như địa chỉ nhà, hay số điện thoại của bất kì trường hợp nào (ngoại trừ lúc cấp thiết), vì quan điểm của Long là bảo vệ sự riêng tư cũng như cuộc sống của họ. Mình biết những hoàn cảnh như vậy cần sự giúp đỡ, mọi người cũng có ý tốt muốn hỏi để hỗ trợ, nhưng MXH mà, có người này lại có người khác, làm sao mà Long biết để kiểm soát được.

Nếu ai muốn giúp đỡ, nhắn tin riêng, Long vẫn trả lời và kết nối để gặp trực tiếp họ, vì tin nhắn cá nhân sẽ trao đổi cụ thể được hơn tình hình ở đó, được bảo mật cao hơn, kết nối dễ hơn. Thay vì công khai, nhóm hoạt động theo cách kết nối trực tiếp cho các MTQ và dùng chính sức lực của nhóm để hỗ trợ họ. Điều này không có nghĩa là không minh bạch".

hình ảnh

hình ảnh

(Ảnh FBNV)

Đổ mồ hôi công sức rồi bất chấp nguy hiểm để xông pha làm thiện nguyện nhưng thỉnh thoảng phải nghe những lời chỉ trích cũng khiến người đàn ông này chạnh lòng. Tuy nhiên, khi ra ngoài, tiếp xúc với những hoàn cảnh khó khăn đã giúp anh thêm kiên định với lựa chọn đã đi theo từ lúc đầu. 

"Thật ra mình biết, cái gì cũng phải có đánh đổi cả. Đánh đổi nguy cơ sức khỏe, đánh đổi thời gian, nhưng được nhận lại sự quan tâm từ mọi người xung, để biết mình vẫn có giá trị trong cuộc đời này, thì mình thấy đáng mà.

Thay vì suy nghĩ tiêu cực về thiện nguyện như trong thời gian vừa qua, chúng ta cùng chung tay cùng Sài Gòn vượt qua đại dịch, hỗ trợ người lao động, người nghèo. Có nhiều cách giúp người khó khăn, nhưng nếu được thì nên chọn cách "cho cần câu chứ không cho cá", làm người ta cứ phụ thuộc vào tình nguyện!", anh Long chia sẻ. 

hình ảnh

(Ảnh FBNV)

Thật sự là thời gian vừa qua, câu chuyện từ thiện trở thành đề tài nhạy cảm và dễ khiến nhiều người nghi ngại về tính minh bạch. Tuy nhiên, giữa thời điểm này, rất cần những lời động viên, tin tưởng và bớt ném tiêu cực về phía nhau. 

hình ảnh

Những ngày qua, một nữ sinh cũng lên tiếng khi bị đổ oan tình nguyện viên được hưởng 500-600K/ngày. Cô bạn cho biết, công việc rất vất vả từ sáng sớm đến tối, lại có nguy cơ lây nhiễm cao. Tất cả đều miễn phí, không tình nguyện viên nào được nhận lương nhưng ai nấy đều vui vẻ, tự nguyện, góp hết sức lực. Vì sao? Vì mọi người có “lương tâm”, biết xót xa trước tình thế căng thẳng của thành phố nên mong muốn đóng góp cho xã hội, hy vọng sớm đẩy lùi dịch bệnh.