Cuộc đời đáng sợ nhất là những kẻ hay rao giảng đạo lý nhưng sống lại chẳng ra gì. Ngặt nỗi điều này lại bắt gặp nhan nhản, nhiều người dùng lời hoa mỹ để lấp liếm cho nhân cách tồi tàn của mình. 

hình ảnh

(Ảnh minh họa Internet)

Trên mạng xã hội, không khó để bắt gặp lời chế giễu “Người nói đạo lý thường sống không như lời” để chê bai những đối tượng cứ mở miệng là rao giảng điều hay lẽ phải. Nói cách khác, đó là những người có xu hướng dạy đời người khác trong khi khôn ngoan chưa biết ai hơn ai. 

Chẳng hiểu nghiệp quật thế nào hay trùng hợp bất ngờ, nhiều trường hợp thốt ra toàn lời lẽ đao to búa lớn nhưng sự thật bên trong chỉ là những dối gạt, lừa đảo. Có câu chuyện lưu truyền về kẻ kinh doanh lụa thường hay nói đạo lý, hùng hồn tuyên bố những đạo đức trong kinh doanh để một ngày bị phanh phui toàn bán hàng giả, made in China đầy oan trái. 

Tôi còn nhớ thời mới ra trường, vào làm ở một doanh nghiệp nhỏ có ông sếp lớn tuổi rất bảo thủ. Trong phòng làm việc, ông trưng bày hàng tá quyển sách dạy làm người, từ Đắc nhân tâm đến Hạt giống tâm hồn. Cứ mở miệng với nhân viên là ông dạy điều A, trích điều B trong sách. Ban đầu còn thấy hay ho nhưng về sau tôi càng nhận ra những triết lý tưởng chừng bổ ích hay ho kia lại chẳng khác gì thứ củi mục không hề có giá trị thực tiễn. 

Đỉnh điểm, có lần bà vợ của sếp đến tận văn phòng để quậy rùm beng chuyện ông lăng nhăng bên ngoài. Hằng ngày ông dùng đạo đức để giảng đạo cho nhân viên nhưng sự thật lại sống không chung thủy, còn bị tố là bạo lực vợ con, trốn tránh trách nhiệm chu cấp tiền.

hình ảnh

(Ảnh minh họa Internet)

Sau này nghỉ làm ở công ty cũ có ông sếp thích đạo lý, tôi cũng gặp thêm 1 đồng nghiệp cứ mở miệng là em ơi phải thế này, em ơi đời là thế kia. Chuyện là có chị làm chung ở công ty nói chuyện rất ngọt, tỏ vẻ thân tình và hay khuyên bảo thế này thế nọ dù tôi chỉ mới than nửa câu. Chẳng biết chị sống tốt đến đâu nhưng sau đó tôi nghe vài người kể lại, chị thường đem chuyện của tôi để mua vui cho người này người khác mỗi khi tôi vắng mặt. Thậm chí còn cho thêm chút “‘muối”’ vào để mặn mà. Nào là chồng tôi thường về trễ, nghi có bồ bịch bên ngoài trong khi tôi chỉ kể có lần chồng nhậu say về trễ rồi cãi nhau, nào là tôi có ác cảm với sếp vì thường bị “đì”. 

Lần đó tôi hoảng sợ, nhận ra nhiều người cứ nghĩ tốt lành, mở miệng ngon ngọt nhưng nội tâm lại độc hơn mãng xà. Đồng ý đạo lý là những điều đã được người đi trước đúc rút lại cho cô đọng, thậm chí là khuôn vàng thước ngọc để dẫn đường mọi người sống cho tốt đẹp. Nhưng ngặt nỗi, thường kẻ nào cố khoác đạo lý bên ngoài cho nhiều thì lại dễ lấp liếm che đậy những xấu xa trong cách ứng xử. Nhiều kẻ ra đường mở miệng hay ho nhưng ở nhà đánh đập vợ con. Nhiều cô thích dạy bảo người khác nhưng sống hoang phí đổ nợ chồng chất, hay nói xấu sau lưng.

Tôi thà chọn chơi với người bạn có tính tình bỗ bã, ăn to nói lớn, thậm chí mở miệng văng tục nhưng sống nghĩa khí, không ăn đằng sóng nói đằng gió và hết lòng khi bạn bè khó khăn. Sau này nghiền ngẫm, tôi cũng có cho mình một vài “kinh nghiệm đau thương”, dặn lòng tuyệt đối tránh xa những kẻ tiểu nhân thế này: 

Người ngon ngọt trước mặt nhưng lén đâm sau lưng

Đi làm hay càng ra đời tiếp xúc nhiều người thì dạng “mật ngọt chết ruồi” là vô vàn. Vừa gặp gỡ là vội vàng quàng vai thân mật, chị chị em em ngọt xớt là kiểu gì cũng nên đề phòng. Đồng ý có người tốt tính thật, bụng dạ xởi lởi nhưng bạn đâu dám chắc chuyện của mình sẽ không bị lan truyền khắp công ty hay cả xóm đều biết sau khi lỡ trút ruột gan tâm sự. Hay cứ nghĩ họ tận tình khuyên nhủ, đưa lời đao to búa lớn nhưng sau lưng nói xấu bạn không thương tiếc. 

Chuyện gì nhanh quá cũng thường đi kèm bất trắc, thấy người nào bắt thân trong vài nốt nhạc cũng nên đề phòng, tự hỏi liệu có ẩn chứa mưu mô gì không. Tiểu nhân thường dùng lời lẽ ngon ngọt để thỏa mục đích. 

Người thích dùng đạo đức để phán xét người khác

Đây là dạng người tránh càng xa càng tốt, vì biết đâu chừng có ngày bạn trở thành “tội đồ” để họ mặc sức dùng đạo đức để xử tội. 70 chưa gọi là lành, chẳng ai đủ tự tin vỗ ngực xưng tên là tôi hoàn hảo nện tốt nhất cứ sống phải đạo nhất có thể, còn lại ai sai thì đừng cố góp lời chê bai để nâng tầm bản thân mình lên. 

Lời nói triết lý tưởng hay ho, có thể làm bàn nâng để nhân cách cao hơn nhưng dễ thành sáo rỗng, vô nghĩa khi bạn sống tồi tệ. Như câu chuyện về người rao giảng đạo đức kinh doanh để bị phát hiện buôn bán hàng kém chất lượng ở trên. Phải đến cuối đời mới rõ ai tốt ai xấu nên tốt nhất giữ thái độ khiêm nhường, sống tốt tự khắc mọi người sẽ nể nang hữu xạ tự nhiên hương thay vì dùng đạo lý như lớp phục sức để mọi người kính nể. 

Tổng hợp Internet.