Nhiều người e ngại chuyện lấy chồng Bắc, làm dâu Bắc vì những lời đồn đoán, truyền miệng đó giờ. Thực hư có hoàn toàn như vậy hay không? 

Với nhiều chị em khi nghe đến chuyện cưới chồng rồi làm dâu đất Bắc là thường e ngại, lắc đầu khó chấp nhận. Nguyên do cũng một phần vì những lời đồn đoán, lan truyền rằng người Bắc có tính gia trưởng, gia đình nề nếp khó khăn… Dù chưa ai kiểm chứng hay có sách vở này ghi lại nhưng những định kiến này cũng vô tình ăn sâu vào suy nghĩ của nhiều phụ nữ và biến thành nỗi sợ hãi. 

Để ít nhiều làm rõ điều này, mới đây, câu chuyện của chị H.T.H được chia sẻ trên trang tin đã khiến nhiều người quan tâm. Cụ thể, chị trải qua một năm yêu xa với chàng trai đất Bắc, sau đó chị quyết định đi đến hôn nhân và chuyển ra Hà Nội sống cùng gia đình chồng. Chia sẻ về những gì đã và đang trải qua, chị H. cho biết bản thân vẫn còn chưa quen và “sốc văn hóa” khi làm dâu đất Bắc. 

Chị cho biết, mỗi ngày phải thức dậy từ 5h sáng để đi chợ, tự tay chuẩn bị đồ ăn sáng vì bố mẹ chồng không có thói quen ra ngoài ăn. Sau đó, chị còn phải dọn dẹp, chuẩn bị luôn thức ăn cho buổi trưa xong xuôi mới được đi làm. Rồi trong Nam vốn nấu ăn quen nêm nhiều đường, có khẩu vị hơi ngọt nên không hợp khẩu vị nhà chồng. Cố gắng sửa nhưng sau 3 năm làm dâu Hà Nội, nhiều bữa cơm do chị H nấu vẫn chưa làm bố mẹ chồng hài lòng. 

Đó là chưa kể chị H. vốn có nếp sống tự do, giờ về làm dâu nên cảm thấy bị gò bó, mọi thứ không thể thích gì làm nấy khi phải sống chung bố mẹ chồng. 

hình ảnh

Nhiều chị em 'rét' khi nghe đến chuyện làm dâu Bắc. (Ảnh minh họa Internet)

Nghe qua hẳn nhiều người càng thêm hãi trước chuyện làm dâu đất Bắc. Sự nề nếp, có khi gia trưởng dường như bóp nghẹt tình yêu, khiến nhiều chị em không dám can đảm nghe theo con tim mỗi khi quen anh chàng đất Bắc. Tuy nhiên cuộc đời mọi chuyện đều tương đối, quan trọng là cách bạn thích nghi và cư xử hợp lẽ thì mọi chuyện đều trở nên dễ thở. Không phải vì một hai trường hợp “sống khổ” mà quy chụp, vơ đũa cả nắm. 

Nói điều này vì câu chuyện của chị D.H.T là ví dụ điển hình cho chuyện không có bố mẹ chồng nào khó, chỉ cần người làm dâu biết cách điều chỉnh là được.Quê ở Quảng Bình, chị T. lên Hà Nội học Đại học rồi lấy chồng Bắc. Nói về đời sống hôn nhân với anh chồng người Hà Nội, chị T. cho biết:

“Nếu so với mấy lời chị em than trên mạng thì đúng là chồng mình có 1 chút gia trưởng, kiểu ra đường không được mặc đồ ngắn, phải theo ý chồng…

Tuy nhiên nếp sống với gia đình chồng thì không có gì khó khăn cả. Dĩ nhiên là sống cùng bố mẹ chồng cũng có nhiều cái bất tiện nhưng bù lại có ông bà trông cháu. Mình may mắn là bố mẹ chồng không bắt bẻ gì sinh hoạt hàng ngày. Chỉ có là mình tự để ý đến thói quen của ông bà rồi điều chỉnh theo. Mỗi người nhường một chút là cuộc sống sẽ hạnh phúc thôi”. 

hình ảnh

Chị T. kết hôn với chồng Bắc nhưng không hề có gì đáng ngại. (Ảnh Internet)

Đôi khi chỉ vì vài lời vu vơ trên mạng lại khiến chị em có định kiến không mấy đẹp đẽ. Ở đâu cũng có người tốt, người xấu cũng như người khó, người dễ. Quan trọng là sự thích nghi và tình yêu có đủ lớn hay không thay vì quy chụp dễ thành phân biệt vùng miền. Nói đâu xa, có nhiều cô nàng Việt lấy chồng Tây và vẫn sống hạnh phúc biết bao năm. Kết hôn với người không cùng tiếng nói, không chung văn hóa là còn khó khăn, thử thách gấp bội nhưng họ vẫn vượt qua. 

hình ảnh

(Ảnh Internet)

“Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”. Trước khi về làm dâu, dù là đất Bắc, đất Nam hay đất Trung thì phụ nữ cũng nên tìm hiểu về văn hóa, tính nết cũng như nề nếp nhà chồng để tiện bề cư xử. Ấn tượng tích cực ngay từ ban đầu sẽ là điểm cộng dễ thở giúp chị em khi về nhà chồng được bố mẹ bên ấy yêu thương như con đẻ. 

hình ảnh

(Ảnh minh họa phải: Internet)

Ngoài ra, chọn chồng cũng phải biết nhìn người đàn ông ấy liệu có xứng đáng hay không. Dù là chồng Bắc hay chồng Nam nhưng cứ đâm đầu vào một gã lêu lỏng, không có trách nhiệm với gia đình, không có ý chí tiến thủ chăm chỉ làm ăn thì cũng xin thưa Bắc hay Nam cũng phải chạy dài chị em nhé.