Biểu cảm của Thu Hằng bị cho là "quá đà", "làm lố" nhưng làm ơn nhìn lại bản thân mình trước khi phê phán người khác đi các anh hùng bàn phím ạ.

Tôi vui tôi được quyền cười lớn, được chạy nhảy. Tôi buồn tôi có quyền được khóc, được u sầu. Tôi và tất cả chúng ta đều có quyền sống theo cảm xúc thật của chính mình mà không cần phải e dè sợ hãi, miễn chúng ta vẫn là người tử tế. Vậy thì vì điều gì mà số đông ngoài kia đang ném đá Thu Hằng - cô bé chỉ vì giây phút bày tỏ sự hạnh phúc khi chiến thắng một cuộc thi tầm cỡ, đội lên đầu chiếc vòng nguyệt quế danh giá. Cô ấy bỗng chốc trở thành đề tài bàn tán khắp các trang mạng xã hội và gánh chịu không ít lời lẽ chỉ trích, phê phán của dư luận. Cô ấy bỗng chốc trở thành kẻ xấu xí trong mắt nhiều người, vừa bị body shaming vừa bị cười chê vì hành động nhỏ. Chúng ta đang làm gì với cô ấy vậy?

hình ảnh

Thu Hằng chiến thắng tại Đường lên đỉnh Olympia. Ảnh chụp màn hình, Tuoitre.vn

Nguyễn Thị Thu Hằng là thí sinh đến từ lớp 12B1, trường THPT Kim Sơn A, Ninh Bình. Trong vòng chung kết đầy căng thẳng, em đã xuất sắc vượt qua các đối thủ nặng ký để giành được Giải Nhất của vòng chung kết cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia. Suốt cuộc thi em có phong thái rất tự tin, quyết đoán và có vốn kiến thức sâu rộng về rất nhiều lĩnh vực. Bản lĩnh cùng sự am hiểu của em là điều hoàn toàn không thể phủ nhận, làm các thí sinh khác phải e dè.

Những giây phút Thu Hằng vỡ òa hạnh phúc trong phần thi "Vượt chướng ngại vật" và "Về đích" đã vấp phải ý kiến trái chiều từ dư luận. Trên các trang mạng xã hội chia sẻ lại khoảnh khắc này, người ta miệt mài mổ xẻ về hành động của em. Người ta đánh giá em tự tin thái quá khi dang 2 tay, cười tươi khi trả lời đúng câu hỏi. Người ta soi biểu cảm của em và đánh giá em không tôn trọng đối thủ. Có nhiều người còn body shaming, chê bai ngoại hình của Hằng và cho rằng Quốc Anh (Á quân) đẹp trai, nhìn thiện cảm hơn em. Họ tự do trút những lời nói có tính sát thương cao lên nàng Quán quân của một cuộc thi tầm cỡ. Họ không cần suy nghĩ gì cả. "Không khiêm tốn", "Phong cách thái quá", "Thiếu fairplay", "Thiếu lễ phép, lịch sự khi không cám ơn người lớn trong lúc trao giải",... Bình luận của cộng đồng mạng.

hình ảnh

Thu Hằng vỡ òa hạnh phúc trong phần thi "Vượt chướng ngại vật" và "Về đích". Ảnh Tiin.vn, 2sao.vn

Ngay sau cuộc thi, Thu Hằng có chia sẻ: "Mình có một nhược điểm mà con gái hay mắc là để cảm xúc chi phối bản thân nên đôi khi ảnh hưởng đến suy nghĩ và câu trả lời.

Tuy nhiên, trong vòng chung kết thật may đã không mắc nhiều lỗi nghiêm trọng. 20 năm 'Đường lên đỉnh Olympia' mới có 4 thí sinh nữ vô địch nên mình chúc cho tụi con gái chúng mình sẽ cố gắng rèn luyện và quyết tâm nhiều hơn nữa."

hình ảnh

hình ảnh

hình ảnh

Bình luận của cộng đồng mạng. Ảnh Vietnamnet

Trước Thu Hằng đã có rất nhiều thí sinh vấp phải chỉ trích dư luận chỉ vì sống thật với cảm xúc của mình. Điển hình như Phạm Huệ Anh (học sinh trường THPT Ea H'Leo, Đắk Lắk), Lại Kinh Châu (THPT Hồ Thị Kỷ, Quảng Nam) gây chú ý với màn múa quạt trên sân khấu. 2 em bị mỉa mai là không bình thường.

hình ảnh

Chỉ vì múa quạt trên sân khấu, nam sinh này cũng bị mỉa mai là không bình thường. Ảnh Vietnamnet

Thí sinh Trần Hoài Nam (Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 18 đến từ trường THPT Xuân Đỉnh, Hà Nội) từng cho biết bản thân em cảm thấy bị xúc phạm khi nhận nhiều ý kiến trái chiều của dư luận chỉ vì em rớt nước mắt ngay trên sân khấu. Khi đó, MC Diệp Chi công bố kết quả chung cuộc, em đã ngồi xuống úp mặt vào vở bật khóc. Nam đã không kiềm được sự xúc động quá lớn. 

Ngay nhìn thấy hành động này, một số người mỉa mai: "Chắc vào chung kết, khóc ngập trường quay S14 mất" hay "Nhà vô địch mít ướt nhất lịch sử 'Đường lên đỉnh Olympia".

hình ảnh

Thí sinh Trần Hoài Nam bị chỉ trích vì khóc trên sân khấu. Ảnh Vietnamnet

Nhà báo Hoàng Nguyên Vũ thẳng thắn nêu quan điểm cá nhân về vấn đề này. Trong bài viết có đoạn như sau: "Phải chăng chúng ta đã quá khắt khe với người trẻ? Một cô học trò phải chịu quá nhiều áp lực trong cuộc thi mà ở đó, các em đã phải giành nhau từng giây để chiến thắng? Chúng ta nào căng mình chịu áp lực như cô bé để đấu hết vòng này qua vòng khác, giữa hàng triệu khán giả, giữa cầu truyền hình trực tiếp, giữa vinh quang mà cô bé nhắm tới?

Tại sao bắt một học sinh trong cuộc thi chinh phục phải trở thành hoa hậu thân thiện để vừa lòng mọi người?

Một cách thể hiện niềm vui thôi cũng bị đem ra phê phán và mổ xẻ? Vui cũng phải theo cách mọi người, buồn cũng phải theo cách mọi người sắp đặt sẵn hay sao?"

Đường lên đỉnh Olympia là cuộc thi về trí tuệ nhằm tìm kiếm nhân tài chứ không phải nơi tìm kiếm Hoa hậu mà rất nhiều người lại đòi hỏi, bắt bẻ quá đáng. Các thí sinh tham gia cuộc thi là những người có thành tích cao trong học tập và có ý chí đáng ngưỡng mộ. Để đủ năng lực tham gia sân chơi ấy tất nhiên không phải là điều dễ dàng. 

Thế nhưng thay vì cổ vũ, động viên tinh thần các em thì rất nhiều người xấu tính, soi xét những thứ không đáng và bình phẩm một cách vô tội vạ. Sau cuộc thi không phải là sự ngưỡng mộ mà là những lời nói mang tính sát thương cao. Chỉ dựa vào những hành động, biểu cảm của các em trên sân khấu. Sao không mừng vì đất nước có thêm người giỏi mà lại thi nhau phê phán và bày tỏ tư duy ích kỷ, nhỏ mọn đến như thế?

Hãy trân trọng người tài từ những thứ nhỏ nhặt nhất và tôn trọng quyền tự do cá nhân của mỗi người. Đừng bắt người khác phải làm vừa lòng mình mà hãy tự xem lại mình xem bằng tuổi các em, mình đã bằng các em chưa? Tự hoàn thiện bản thân mình trước khi đánh giá một ai khác. Trước khi có ý định phê phán người nào, hãy nghĩ xem mình có đủ tư cách hay không.

Nguồn tham khảo: Vietnamnet