Hàng năm, vào dịp cúng ông Công ông Táo, các gia đình thường sẽ thực hiện luôn nghi thức 'bao sái' bàn thờ, rút tỉa chân nhang của cả 1 năm thờ cúng.
Nhiều người chưa hiểu từ 'bao sái' thì mình xin giải thích luôn, hiểu đơn giản có nghĩa là dọn dẹp sạch sẽ, chỉnh trang lại cho bàn thờ được trang nghiêm, thanh tịnh. Dù là người tin vào tâm linh hay không thì ai cũng hiểu bàn thờ là nơi linh thiêng của gia đình, mọi hành động của chúng ta đều cần làm với sự thành tâm và hiểu biết chứ không thể tùy tiện muốn làm gì thì làm.
Thực tế cho thấy rất nhiều người khi bao sái bàn thờ đều mắc phải những sai lầm nghiêm trọng dưới đây, mọi người tham khảo để tránh nhé!
Việc dọn dẹp bàn thờ cuối năm cần được thực hiện một cách trang nghiêm, sạch sẽ, không nên tùy tiện, ản: DSD
Tùy tiện rút tỉa chân nhang theo ý thích
Tỉa chân nhang nghĩa là rút từ từ từng chân hương khỏi bát hương, để lại trong bát hương khoảng 3 hoặc 5 chân hương cũ. Đặc biệt, không được nhấc bát hương lên rồi đổ hết tro ra ngoài. Điều này khiến cho vận khí bàn thờ bị ảnh hưởng dẫn tới tài lộc của gia đình cũng bị hao tán.
Bát hương an vị lâu ngày, là nơi hội tụ tài khí, gia tăng sự linh thiêng bởi những lời cầu nguyện. Việc đổ ụp tro trong bát hương ra ngoài không chỉ là hành động sai mà còn ảnh hưởng đến vận khí của bàn thờ.
Cho nên khi tỉa chân nhang, rút nhẹ nhàng chân nhang ra bên sau đó hóa đi. Tro tàn của chân nhang sau khi hóa mang đổ vào gốc cây sạch. Tỉa chân nhang không đồng nghĩa với việc đổ hết tro ra ngoài và lọc lại tro cho mịn. Tỉa chân nhang đơn thuần chỉ là tỉa bớt chân nhang thừa, vừa giúp bát hương thông thoáng, sạch đẹp vừa giúp bàn thờ đón chào những điều mới.
Sai lầm khi rút tỉa chân nhang nhiều người mắc phải, ảnh: DSD
Việc đổ cốt bát hương ra bị nhầm lẫn với việc bốc lại bát hương, bởi vậy gia chủ nên tránh làm điều này. Đối với các trường hợp muốn bốc lại bát hương, với các bát hương cũ sau khi hạ giải có thể mang biến tấu để trang trí, trồng hoa, tránh vứt nơi sông hồ hoặc bãi rác gây ô nhiễm môi trường.
Xê dịch bát hương theo ý thích mà không hiểu gì
Việc làm này trong phong thủy rất kiêng kỵ. Thông thường, khi an vị bát hương, nhiều gia đình đã tính toán và tìm phương vị hợp với bản mệnh chủ nhà để không gian thờ cúng vừa an lành lại tụ lộc. Bởi vậy, khi bao sái bàn thờ, việc giữ nguyên vị trí của bát hương là một điều quan trọng.
Sử dụng đồ dùng sạch sẽ khi bao sái bàn thờ trong gia đình, ảnh: DSD
Chăm sóc và dọn dẹp bàn thờ là một nghi thức quan trọng giúp tăng sự linh thiêng và ấm cúng của bàn thờ. Dẫu vậy, quá trình này cần được thực hiện một cách tôn kính và cẩn thận. Nhiều người cho rằng, tùy vào tập quán của mỗi vùng mà việc xê dịch bát hương không có vấn đề gì, thậm chí có người nhấc bát hương xuống đất khi lau dọn, sau đó xếp lại chỗ cũ.
Bất kỳ sự di chuyển không cần thiết nào cũng có thể dẫn đến việc bát hương bị lệch ra khỏi vị trí tốt lành theo quan niệm phong thủy gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với vận khí của gia đình. Nếu trong trường hợp thay bàn thờ hoặc chuyển nhà, việc di chuyển bát hương là điều không thể tránh khỏi.
Vì thế, trong lúc dọn dẹp, bao sái bàn thờ, mọi hành động trên bàn thờ cần được tiến hành nhẹ nhàng, trang trọng, đặc biệt là không thay đổi vị trí của bát hương.
Bao sái bàn thờ đúng cách giúp gia chủ hưởng bình an, phước lành
Sử dụng đồ không sạch, thanh tịnh trong quá trình bao sái bàn thờ
Việc dọn dẹp bàn thờ ban đầu xuất phát từ hành động tôn kính với tổ tiên, bởi vậy phải sử dụng đồ sạch để lau dọn.
Một trong những cấm kỵ khi bao sái bàn thờ đó là dùng đồ không sạch và dùng sai nước bao sái. Phải có khăn riêng để bao sái bát hương và khăn riêng để lau dọn các vật phẩm trên bàn thờ. Tránh dùng khăn bẩn hoặc giẻ lau nhà, lau bếp để mang lau dọn bàn thờ, dù giặt sạch cũng không được.
Về phần nước bao sái bàn thờ, không nên dùng nước lã hoặc nước từ sông ngòi, ao hồ. Nên dùng nước đun sôi để nguội hoặc nước khoáng sạch để bao sái bát hương và bàn thờ. Ngoài ra, còn một số loại nước thảo mộc, nước ấm, nước rượu gừng pha loãng có thể dùng để bao sái.