Trái cây cung cấp một lượng lớn vitamin và chất khoáng cho cơ thể, mang lại nhiều lợi ích cho trẻ em: tốt cho đường ruột, giảm nguy cơ béo phì, kích thích trẻ ăn ngon miệng...


Trái cây mang đến rất nhiều lợi ích song không phải loại quả nào ăn nhiều cũng tốt đặc biệt là với trẻ nhỏ khi hệ tiêu hóa còn chưa hoàn toàn cứng cáp. Có những loại trái cây nếu ăn quá nhiều sẽ có một tác dụng phụ đó là gây ra dư thừa lượng đường trong máu. Nếu chẳng may mẹ chọn các loại trái cây không phù hợp với trẻ thì không chỉ khiến bao công sức bồi dưỡng của mẹ… “đổ sông đổ bể’ mà đôi khi còn vô tình hại đến sức khỏe của con.


Dưới đây là 5 loại trái cây ưu tiên và phù hợp với sức khỏe của trẻ, càng ăn thường xuyên bao nhiêu, càng bổ sung chất nhiều bấy nhiêu, không lo sợ trẻ bị thừa cân béo phì.


Đu đủ giúp bảo trẻ khỏi các bệnh về mắt





Đu đủ là loại trái cây rất giàu beta caroten (tiền vitamin A). Ngoài ra, nó cũng chứa hàm lượng lớn vitamin C, vitamin B1, B2 cùng các khoáng chất như kali, canxi, magiê, sắt và kẽm. Đặc biệt, trong mỗi quả đu đủ còn chứa hơn 17 loại axit amin và nhiều thành phần dinh dưỡng khác rất có lợi cho sức khỏe của trẻ. Nói đến đu đủ không thể không nhắc đến beta-carotene, một chất giúp chuyển hoá toàn diện thành vitamin A, giúp tăng cường thị lực cho trẻ và ngừa được các bệnh về mắt.


Để cho trẻ ăn đu đủ mẹ nên nghiền hoặc xay nhuyễn đu đủ khi cho trẻ bắt đầu làm quen với món này. Khi trẻ lớn hơn thì nên cắt thành miếng nhỏ vừa tay, chỉ nên cho trẻ ăn đu đủ chín vì nó mềm, dễ ăn hơn.


Lưu ý: Đu đủ có tính hàn vì vậy không ăn lúc lạnh và ăn theo thực đơn khoa học để tránh vàng da do dư thừa beta-carotene.


Táo kích thích khả năng tiêu hóa của trẻ





Vấn đề tiêu hóa ở trẻ nhỏ luôn là một trong những mối quan tâm hàng đầu của các cha mẹ khi chăm sóc con những năm đầu đời. Để cải thiện tình trạng tiêu hóa của bé, các chuyên gia dinh dưỡng khuyên mẹ nên cho bé ăn thêm táo trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày. Trong táo có nhiều carbohydrat, vitamin C, kali và chất xơ. Các chất này vừa cung cấp năng lượng cho bé, vừa ngăn ngừa táo bón cho trẻ rất hiệu quả. Đây được xem là một trong những thực phẩm hoàn hảo nhất dành cho trẻ sơ sinh bắt đầu ăn dặm bởi độ thơm ngon kích thích vị giác và nguồn dinh dưỡng quý giá. Tuy nhiên trẻ nhỏ chưa nhai được có thể gặp rắc rối khi ăn táo. Tai nạn thường gặp nhất là hóc nghẹn. Do đó với trẻ còn quá nhỏ, mẹ nên nghiền táo nhuyễn hoặc hấp chín và tán nhỏ trước khi cho bé ăn nhé!


Thời điểm thích hợp nhất mẹ nên cho con ăn táo là sau bữa ăn 15 phút để có tác dụng tốt nhất!


Bưởi giúp tăng cường sức đề kháng cho trẻ





Bưởi là một loại thực phẩm tốt cho sức khỏe người lớn cũng như đối với trẻ nhỏ. Hàm lượng vitamin C dồi dào trong bưởi giúp tăng sức đề kháng, giúp bé phòng ngừa các bệnh thông thường như cảm, sốt, ho… Ngoài ra, chất xơ có trong bưởi còn có tác dụng giúp ngăn ngừa chứng bệnh táo bón của trẻ.



Những lưu ý khi cho bé dùng bưởi:


– Không nên cho bé ăn bưởi khi dùng thuốc tây sẽ gây ra các phản ứng phụ nguy hiểm;


– Khi trẻ bị tiêu chảy không nên cho bé ăn bưởi vì sẽ làm tình trạng nặng hơn;


– Không cho bé ăn bưởi lúc đói sẽ làm sẽ sót ruột, khó chịu bụng.


Cherry giúp phát triển bộ não của trẻ





Cherry tươi có vị thơm, ngọt dịu, nhiều nước, rất giàu kali, phôtpho, canxi, vitamin A, vitamin C. Ngoài ra, trong Cherry còn chứa một lượng folate nhất định, góp phần trong việc phát triển bộ não của trẻ.


Me có thể cho trẻ ăn cherry khi trẻ khoảng 8 tháng tuổi bởi so với nhiều loại quả khác, Cherry khá an toàn, không tiềm ẩn nguy cơ gây dị ứng cho bé nhưng hạt cherry nhỏ có thể gây hóc nghẹn. Do đó mẹ nên loại bỏ hạt trước khi cho trẻ ăn.


Ổi làm sạch đường hô hấp của trẻ





Ổi là một trong 5 loại trái cây ưu tiên và phù hợp với sức khỏe của trẻ nhờ vào hàm lượng chất dinh dưỡng rất cao, chứa ít chất béo bão hòa, cholesterol và natri. Theo Đông y, ổi rất tốt trong việc giảm ho, trị cảm, đồng thời có tác dụng “dọn dẹp” hệ hô hấp cho trẻ. Ngoài ra, ổi còn chứa nhiều chất xơ, vitamin C, A, kẽm, kali và mangan giúp bảo vệ và tăng cường sức đề kháng.


Lưu ý: Luôn bỏ hạt ổi rồi mới cho con ăn, vì hạt ổi khó tiêu, gây trở ngại cho hệ tiêu hóa của trẻ.