Dạy con sống có trách nhiệm là cả một quá trình rất dài, đòi hỏi sự kiên nhẫn và làm gương của những người làm cha làm mẹ



Mình học được cách dạy con sống có trách nhiệm nhờ vô tình đọc được một câu chuyện trên mạng.



Câu chuyện kể rằng: Một ông bố có đứa con trai 2 tuổi. Một hôm do đi đứng sơ ý, đứa trẻ đâm vào cạnh bàn và kết quả là đầu nó u một cục. Nó khóc rất to và dai. Ông bố thấy vậy liền bước đến chiếc bàn và hỏi: “Bàn ơi ai làm bạn đau mà bạn khóc nhiều như vậy?”. Đứa bé nín khóc, nó nhìn bố trả lời: “Là con đó bố”. Ông bố hỏi: “Thế con xin lỗi cái bàn chưa?”. Nó cúi đầu trước cái bàn và nói: “Mình xin lỗi bạn”.



Kể từ đó, cậu bé đã học được cách xin lỗi khi làm phiền hoặc phạm lỗi với ai đó.



Câu chuyện rất nhẹ nhàng và dễ thương. Nó dạy một đứa trẻ biết chịu trách nhiệm với những gì mình gây ra. Bố mẹ không cần phải gào thét: "Con xin lỗi… mau", “Sao tao bảo mày xin lỗi mà mày đứng trơ ra thế? Thằng này hết dạy nổi rồi, chỉ có cái cây mới dạy nổi nó thôi”... Mình đã từng nói những câu đầy tổn thương như thế với đứa con lớn. Và mình ước gì thời gian quay ngược lại, để mình có thể dạy con theo một cách nhẹ nhàng hơn. May mắn là khi sanh đứa thứ hai, mình đọc nhiều sách về dạy trẻ, chăm “follow” facebook của những bố mẹ nổi tiếng về dạy và chăm sóc con. Nhờ đó, việc dạy con với mình không là cực hình nữa. Rồi cũng từ sự dịu dàng có được với con, mấy mẹ con gần gũi, tỷ tê với nhau suốt.



webtretho



Hồi thằng bé thứ 2 nhà mình 2 tuổi, nó đi đứng va vấp, ngã thường xuyên, cũng u đầu mẻ trán như ai. Mỗi khi nó khóc, mình dạy nó xin lỗi cái bàn, cái ghế, mặt sân… tất tần tật những gì nó đụng vào và làm nó ngã. Một hôm nó chơi cái ô tô. Nghịch quá nên mấy cái bánh xe rơi ra. Nó khóc ăn vạ. Mình cầm cái xe mất bánh lên và nói: “Xe ơi, tại sao xe khóc, ai làm xe đau à, 4 chân của xe đâu”. Nó nín khóc, nhìn mình: “Con tháo ra rồi”. Mình bảo: “Tội nghiệp xe quá, con đã xin lỗi xe chưa?”. Thế là nó xin lỗi chiếc xe.



Các mẹ để ý nhé, khi mình nhân cách hóa đồ vật, mọi thứ sẽ trở nên dễ hiểu hơn với trẻ. Khi mình biến đồ chơi, mọi thứ xung quanh thành bạn bè của trẻ, trẻ sẽ tiếp thu rất nhanh những gì chúng ta muốn truyền đạt. Đây cũng chính là một trong những cách dạy con hiệu quả mà mình đúc kết được.



Thật ra biết nhận lỗi, tự chịu trách nhiệm với những gì mình làm chỉ là một phần trong việc dạy trẻ sống có trách nhiệm. Bên cạnh đó, bố mẹ còn phải dạy con tự lập, tự thực hiện các nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của bản thân như ăn, ngủ, chơi, vệ sinh cá nhân…; biết yêu thương bản thân; biết quan tâm đến mọi người xung quanh…



Muốn dạy con sống có trách nhiệm, bố mẹ phải:



Làm gương cho con



Chúng ta khó có thể dạy con sống có trách nhiệm nếu trong gia đình có một ông bố ngủ dậy không biết gấp chăn màn, thay quần áo vứt lung tung, tàn thuốc vương vãi khắp nhà và người mẹ phải theo sau dọn dẹp mọi thứ. Thay vào đó, nếu bố mẹ sống gọn gàng, ngăn nắp, hoàn thành mọi việc đâu ra đấy, con trẻ sẽ nhìn vào và học theo.



Khuyến khích trẻ tự lập



Hãy dạy con tự chăm sóc bản thân từ nhỏ. Thay vì làm giúp con mọi việc để tiết kiệm thời gian và không phải theo sau dọn dẹp những “tàn dư” con để lại, bố mẹ cần chấp nhận những gì chưa hoàn chỉnh ở con để trẻ có cơ hội sửa sai và hoàn thiện các kỹ năng.



Chẳng hạn khi con mặc áo trái, mẹ sẽ hướng dẫn con cách mặc sao cho đúng. Khi con tắm xong xà bông vẫn còn bọt trên đầu, mẹ sẽ dạy con cách tắm thế nào để sạch hoàn toàn… Mẹ phải chấp nhận mọi thứ diễn ra chậm chạp, ngay cả khi mẹ sắp trễ làm mà con vẫn còn loay hoay chưa mặc xong áo. Vì vậy, mẹ phải sắp xếp thời gian hợp lý trong quá trình dạy con để không ảnh hưởng đến những công việc khác.



Tôn trọng sở thích của con



Từ rất bé, trong vui chơi sinh hoạt, nhiều trẻ đã sớm bộc lộ sở thích của mình. Bố mẹ cần tạo điều kiện để con có quyền tự quyết định những mong muốn của bản thân bằng việc dắt con đi mua đồ, cho con chọn những món con thích; tôn trọng ý muốn của con về trang phục, đồ chơi...



Tạo điều kiện để con giúp bố mẹ



Nhờ vả con cũng là một cách giúp con cảm thấy mình có giá trị. Trong quá trình gợi ý nhờ con giúp đỡ, bố mẹ cần có thái độ vui vẻ và hài hước. Khi con hoàn thành công việc, bố mẹ nên khen ngợi đôi khi kèm theo phần thưởng để duy trì những cảm xúc tích cực ở con, giúp con hình thành ý thức chia sẻ công việc trong gia đình.



webtretho



Bố mẹ tránh áp đặt, ra lệnh khi nhờ con giúp đỡ vì điều đó không chỉ tạo cảm giác nặng nề mà còn khiến trẻ có thái độ chống đối. Công việc phải vừa sức với trẻ để trẻ không cảm thấy chán nản hay đuối sức.



Một đứa trẻ từ nhỏ đã biết sống có trách nhiệm, khi lớn lên sẽ dễ dàng thành công trong cuộc sống, quản lý tốt các mối quan hệ gia đình, xã hội. Sự thành công khi đó của trẻ chính là phần thưởng xứng đáng cho những ông bố bà mẹ luôn khéo léo, thông minh trong cách chăm sóc, dạy dỗ và ứng xử với con.