Trầm cảm ở trẻ em và thanh thiếu niên là một triệu chứng rối loạn tâm trạng, gây ra cảm giác buồn chán, cáu giận hoặc cực kỳ nhạy cảm



Chứng trầm cảm ở con cái thường không được bố mẹ sớm nhận thấy vì nó diễn tiến âm thầm. Tuy nhiên nếu không kịp phát hiện và điều chỉnh, về lâu dài, điều đó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến thể chất lẫn tinh thần của trẻ.



Một số dấu hiệu con bị trầm cảm mẹ cần lưu ý:



Con ít quan tâm đến các hoạt động trước đây con yêu thích. Lúc nào nhìn con cũng chán nản, thiếu sức sống. Con hay tức giận, cáu gắt vô cớ, thậm chí có ý định tự tử (nhiều khi con hay nói đến điều này nhưng không ai để ý), có những thay đổi đáng kể về cân nặng hoặc khẩu vị. Con trở nên khó gần gũi, kết quả học tập đi xuống không phanh…



Nếu thấy con có những dấu hiệu trên, mẹ không được lơ là, nhất định phải rà soát nguyên nhân tại sao con trở nên như vậy. Xét về khía cạnh gia đình, con cái dễ trở nên trầm cảm nếu cha mẹ thuộc một trong những kiểu sau:



Cha mẹ kiểm soát con quá mức



Đây là kiểu cha mẹ luôn bao bọc và giám sát con 24/24. Năm 1969, tiến sĩ Haim Ginott từng dùng khái niệm "cha mẹ trực thăng" để chỉ những bậc phụ huynh kiểm soát con quá mức ở mọi khía cạnh cuộc sống, giống như một chiếc trực thăng lượn trên đầu con 24/24.



Một người mẹ kiểm soát, bao bọc con quá mức sẽ không cho con nhúng tay vào bất cứ việc gì, không cho con được thoải mái sống với sở thích của con, can thiệp cả vào chuyện ăn mặc, ăn uống, vui chơi giải trí của con. Mẹ luôn bắt con “khai” tường tận hôm nay con làm gì, ở đâu… Thậm chí có mẹ còn xem trộm nhật ký của con.



Dẫu biết việc bảo bọc con quá mức xuất phát từ tình yêu và sự lo lắng dành cho con nhưng hành động này của các bậc phụ huynh đã vô tình tước đi của con sự tự do, thoải mái, hạn chế con hành động và rút ra bài học từ sai lầm cho chính mình. Khi ra đời, con sẽ thiếu nhiều kỹ năng quan trọng như kỹ năng tự lập, tự ra quyết định, kỹ năng chăm sóc bản thân...



Cha mẹ gây áp lực cho con trong học tập



Nhiều cha mẹ chạy theo thành tích hoặc gán mơ ước thời trẻ chưa đạt được được lên đôi vai của con. Điều này không chỉ khiến trẻ chán nản mà còn rất mệt mỏi và trầm cảm. Thực tế, không ít gia đình ép con theo con đường mình chọn thay vì để trẻ tự do học tập, sống với đam mê và năng lực thật sự. Điều này khiến các con trở nên trầm cảm, kiệt sức với lịch học dày đặc để gặt hái những thành tích mà cha mẹ mong ước.



Cha mẹ yêu tiền hơn yêu con



Con cảm thấy cô đơn trống vắng vì thiếu thốn tình cảm cha mẹ. Do mải mê kiếm tiền, nhiều phụ huynh ít khi trò chuyện và dành thời gian cho con. Trẻ thậm chí ở với người giúp việc hoặc ông bà, thèm một bữa cơm gia đình ấm áp mà không thể. Nhiều khi con bị bạo hành ở trường, gặp những điều khó nói, bị bạn xấu rủ rê nhưng không thể chia sẻ cùng ai. Hậu quả là con trở nên sợ đi học, thậm chí trượt dài theo những cám dỗ bên ngoài cổng trường.



webtretho



Cha mẹ dạy con bằng đòn roi



Dạy con bằng cách chửi mắng và đánh đập xuất hiện nhan nhản ở khắp mọi nơi. Điều đó diễn ra một phần do cha mẹ nóng tính, mất kiểm soát khi con không nghe lời. Mặt khác, đó là tồn dư từ nền giáo dục truyền thống. Mặc dù việc đánh mắng con chắc chắn ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tinh thần của trẻ nhưng nhiều cha mẹ đã không bỏ được thói quen này.



webtretho



Nguồn ảnh: Internet



Có thể nói, dạy con là cả một nghệ thuật. Không phải cứ cho con ăn ngày 3 bữa, phục vụ con tận răng, miệt mài chở con đến các lớp học chính khóa lẫn học thêm, cho con nhiều tiền, dạy dỗ bằng đòn roi khi con hư hỏng… là làm tròn bổn phận làm cha mẹ. Khi thế giới ngoài kia với biết bao kiến thức nuôi dạy con tiến bộ, việc của chúng ta là học hỏi để trở thành những ông bố bà mẹ thông thái, yêu con một cách thông minh.



Đứng làm con trầm cảm và mệt mỏi vì sự thiếu hiểu biết của mình nhé các mẹ.