Hồi mới về làm dâu, tôi đã được bố mẹ chồng nhồi nhét vào đầu những phong tục, quy tắc gia đình... Đặc biệt trách nhiệm phải sinh con trai nối dõi tông đường thì không bao giờ được quên.

Thế nhưng vợ chồng tôi lại đẻ con gái đầu lòng. Điều đó khiến bố mẹ chồng không mấy vui vẻ. Ngày đón cháu từ phòng sinh dù ông bà cố cười nhưng tôi nhận ra rõ nụ cười đó hoàn toàn gượng gạo, chẳng có tí gì thật lòng.

hình ảnh

Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Quan điểm bố mẹ chồng tôi rất dứt khoát rõ ràng “đời cua cua máy, đời cáy cáy đào” nên dâu đẻ, ông bà cũng chẳng hỗ trợ gì, mặc kệ con trai chạy đôn chạy đáo.

Tôi xuất viện về nhà thì có 2 bà cùng lên chăm nhưng cậy có thông gia, mẹ chồng chẳng làm gì, mỗi ngày chỉ ngắm cháu rồi cảm thán vài câu xã giao: “Có bà ngoại lên thế này tốt quá'. 

Ở với con gái hơn tháng, mẹ đẻ phải về vì bố ốm. Trước mặt thông gia, mẹ chồng cứ xoen xoét "Bà yên tâm về đi, mọi thứ đã có tôi".

Nhưng rồi bà cũng chỉ cắm được nồi cơm rồi để mặc mẹ con tôi lúi húi với nhau. Tôi bắt đầu nếm trải cảm giác con mọn vất vả làm sao. Con khóc dạ đề suốt ba tháng liền cứ đêm là quấy. Trước có bà ngoại thay ca thức đêm bế bồng, nay chồng phải làm việc đó nhưng cũng chỉ được hơn tuần vì sáng ra anh đi làm cứ gà gật mãi.

Tôi đánh tiếng nhờ mẹ chồng trông đêm thì bà mắng vốn: “Tôi từng này tuổi rồi còn phải thức bế con cho vợ chồng anh chị ngủ à? Chồng mệt thì chị bế đi chứ kêu ca gì nữa, cả ngày có mỗi việc trông con cũng làm không xong”.

Chăm dâu hết 6 tháng cữ, mẹ chồng cũng khăn gói về quê luôn chẳng buồn hỏi han vợ chồng con trai thuê được người hay chưa. Sau cùng, tôi phải gửi con đi trẻ. Nhìn nó bé tí teo đã phải đi lớp suốt ngày, người làm mẹ như tôi xót xa vô cùng nhưng bà nội ráo hoảnh “Kệ nó, gửi sớm cho dạn dĩ, tự lập”.

Nhiều khi đi ngoài đường hay đến nhà ai đó thấy ông bà nhà người ta bế cháu cưng nựng là tôi lại tủi thân ứa nước mắt. Mới hơn 1 năm sau khi đẻ đứa đầu, bố mẹ chồng đã động viên làm tiếp ‘tập hai’ mà tôi thấy ái ngại kinh khủng, cứ lần lữa trì hoãn hết năm này đến tháng nọ.

Giờ thì con tôi đã ngoài 3 tuổi rất ngoan nhưng thực sự vợ chồng tôi không có ý định sinh thêm. Phần vì kinh tế không dư dả, thu nhập trên thành phố cũng chỉ tầm trung, một đứa con nuôi được chứ hai khéo lại đói. Nhưng bà nội thì ngày nào cũng gọi lên giục giã: “Chúng mày đẻ đi còn gì nữa. Khối người để lâu rồi tịt luôn kia kìa”.

Bà còn bắt tôi tính toán cẩn thận, chồng cũng phải canh ngày để sinh bằng được đích tôn. Áp lực từ gia đình đè nặng lên đôi vai khiến Tết năm rồi vợ chồng tôi căng thẳng đến độ ngại về quê.

Suốt mấy ngày Tết, cứ nhìn thấy con dâu là mẹ chồng lại nhắc nhở chuyện sinh cháu trai, tôi nghe nhiều đến phát ngán. Bà nói mọi nơi mọi lúc, từ khi nấu cơm dưới bếp cho đến lúc bưng bát lên ăn khiến tôi không nuốt trôi miếng cơm. Không vừa lòng chuyện con cái, tôi làm gì mẹ chồng cũng ngứa mắt.

Ai đến chúc Tết bà cũng kể lể, than thở con dâu vụng về. Không chỉ đối xử bất công với tôi, mẹ chồng còn giận lẫy sang cháu nội. Trẻ con chạy nhảy đùa nghịch là chuyện bình thường mà hở tí bà lại quát mắng, có lúc còn cầm cả đũa để đánh cháu.

Bức xúc vì cái thái độ của mẹ chồng, sáng mùng 4 vợ chồng tôi đã khăn gói lên thành phố luôn. Cứ tưởng sắp thoát được cảnh ‘giục đẻ’ vậy mà vừa dắt xe ra đến ngõ, mẹ chồng đã dặn với theo:

‘Này, đầu năm mới mẹ không thích nói nhiều nhưng chỉ tiêu phải được thằng cu đấy nhé, không đừng trách…’.

Tôi biết thừa ý bà muốn dọa nạt nếu không chịu đẻ sẽ rước dâu khác về nhà. Nín nhịn mấy ngày Tết cho êm cửa êm nhà, đến giờ tôi không nuốt trôi cục tức nữa nên gạt luôn chân chống xe đáp lại:

"Mẹ à, con đẻ thêm thì mẹ có cho tiền nuôi cháu không? Mẹ lúc nào cũng chỉ chăm chăm đến thể diện của mình chứ có đỡ đần được gì đâu. Con cái là lộc trời cho, khi nào muốn vợ chồng con khắc đẻ, mẹ không cần phải giục’.

Mẹ chồng nghe thấy thế thì bực lắm nhưng sau đó không nói thêm được gì. Từ đó đến nay bà chẳng buồn điện lên hỏi thăm con cái như mọi bữa. Tôi biết chuyện hôm nọ đã ảnh hưởng đến mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu trong nhà nhưng cứ thẳng thắn 1 lần khéo lại hóa hay.

hình ảnh

Ảnh minh họa. Nguồn Internet