Ông bà mình hay có câu “Trước khi nói gì phải uốn lưỡi 7 lần”, với hàm ý phải suy nghĩ kỹ trước khi nói, không khéo, cái miệng hại cái thân.

>>> Chính thức khởi tố người tung tin "Đà Lạt có 1 ca qua đời do Covid-19": Mức án đến 7 năm tù

Còn giờ, thời đại 4.0 rồi, nên “Trước khi đăng gì lên mạng, phải suy nghĩ kỹ”. Câu nói này không thừa đâu các mẹ ạ. Như đợt dịch COVID-19 vừa rồi, Công an vừa xử lý hàng loạt các vụ tung tin sai sự thật đấy.

Mấy ngày trước, mình thấy báo chí đưa tin về đoạn clip dài độ 3 phút ghi lại hình ảnh một nhóm nữ sinh trường THCS Hưng Thái Nghĩa, thuộc huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, đánh nhau tại khu rừng vắng ở xã Nam Thái, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Đáng nói là đoạn clip kéo dài hơn 3 phút, trong đó, các nữ sinh đánh nhau, nhiều người chứng kiến nhưng chẳng ai vào can ngăn vụ việc. Nhiều người xem qua bức xúc, người quay clip có mục đích gì, sao không vào can ngăn để xảy ra sự việc, lỡ một trong các em đánh nhau bị thương tích nặng rồi làm sao?

Đoạn clip này nhanh chóng được chia sẻ trên các trang mạng xã hội Facebook.

hình ảnh

Ảnh trái: Ảnh minh họa. Nguồn: Pixabay. Ảnh phải: T. làm việc với công an về việc đăng đoạn clip nhóm nữ sinh đánh nhau lên mạng xã hội. Nguồn: Báo Tuổi trẻ 

Theo nguồn tin từ Báo Tuổi trẻ, do các thông tin được đăng tải thiếu tính chính xác và nội dung không đầy đủ nên nhiều người chia sẻ bài viết gây hoang mang dư luận cũng như nhận bình luận trái chiều. Trong đó, có 1 tài khoản Facebook có tên “Duyên phận bỏ sỉ” đã đăng tải đoạn clip trên kèm nội dung bôi nhọ, hạ uy tín tập thể giáo viên nhà trường. Thậm chí tại phần bình luận sau bài đăng này, có người còn xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người thân và các học sinh liên quan đến vụ đánh nhau.

Vào ngày 18/6/2020, Công an huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An cho biết đã hoàn tất hồ sơ để xử phạt hành chính N.T.T., 29 tuổi, ngụ ở xã Nam Hưng, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, là chủ tài khoản Facebook nêu trên về việc đăng tải đoạn video nữ sinh đánh hội đồng bạn lên mạng xã hội.

Được biết, trước đó, tại cơ quan Công an, T. khai nhận việc đăng tải nhằm mục đích lên án hành vi bạo lực học đường. Nhưng T. không kiểm soát được các bình luận, chia sẻ. Hiện bài viết này đã được T. gỡ bỏ trên trang mạng xã hội.

hình ảnh

Ảnh chụp Báo Tuổi trẻ

Pháp luật hiện hành có quy định xử lý về hành vi tung tin sai sự thật hoặc tung các thông tin mà chưa được sự đồng ý của chủ thể thông tin đó một cách trái pháp luật. Tùy theo mức độ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự. Bên cạnh đó, còn phải bồi thường thiệt hại về danh dự, nhân phẩm theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015.

Căn cứ Điều 101 của Nghị định 15/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử thì hành vi chia sẻ các thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng, mức phạt này áp dụng đối với cá nhân. Và buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật này.

Căn cứ quy định tại Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, hành vi làm nhục người khác theo Điều 155 sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm, hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 05 năm. Còn tội vu khống theo Điều 156 sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm, hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 07 năm, ngoài ra, có thể áp dụng hình phạt bổ sung là nộp tiền phạt từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng… Tuy nhiên, 2 tội danh này chỉ được khởi tố vụ án khi có yêu cầu của bị hại, theo quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.

Bởi vậy, bài học cho việc đăng nội dung lên mạng xã hội, phải suy nghĩ kỹ trước khi làm.

Tổng hợp