Cho người ta mượn đồ, không những không được trả lại, mà còn bị đem đi bán. Vậy hành vi tự ý bán tài sản của người khác có phạm tội không?

Cứ nhớ một chuyện, tài sản của người nào thì người đó có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt. Việc chiếm hữu, định đoạt, sử dụng tài sản của người khác một cách trái phép, khi chưa có sự đồng ý của người chủ sở hữu tài sản sẽ bị cho là hành vi vi phạm pháp luật.

hình ảnhẢnh minh họa. Nguồn: Internet

Biết đó là hành vi vi phạm pháp luật, nhưng nếu vi phạm sẽ bị xử lý như thế nào? Chuyện xử lý ra sao, về tội danh gì thì cần phải xem xét trong những tình huống cụ thể và có những trường hợp ngoại lệ, việc tự ý bán tài sản của người không bị xem là phạm tội.

Mình lấy ví dụ vài tình huống thực tế để các mẹ hiểu được rằng, tự ý bán tài sản của người khác có phạm tội không và đâu là trường hợp ngoại lệ.

Tình huống 1: Ông A. thuê ô tô của chị T 1 tháng. Nhưng hết 1 tháng, đến hạn, ông này không mang ô tô đến để thanh lý hợp đồng thuê. Cảm giác có chuyện chẳng lành, chị T. báo công an, qua kết quả điều tra, thì biết được ông A. đã bán chiếc ô tô này cho một người khác và bỏ trốn khỏi nơi đã ở trước đó.

Hành vi tự ý bán ô tô đã thuê, rồi bỏ trốn của ông A đủ yếu tố để cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của người khác theo Điều 175 của Bộ luật hình sự hiện hành, với mức án là phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 20 năm, ngoài ra, có thể còn phải nộp phạt từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Tình huống 2: Anh M. mượn xe máy của bạn để đi chơi, nhưng sau đó, anh M. lại đem đi bán, lấy tiền đánh bạc.

Hành vi mượn xe máy của bạn rồi tự ý đem đi bán đủ yếu tố để cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của người khác theo Điều 175 của Bộ luật hình sự hiện hành như đã nêu ở tình huống trên.

Nên nhớ, không chỉ hành vi thuê, mượn tài sản của người khác rồi tự ý đem đi bán mới phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Các hành vi sau đây cũng có thể cấu thành tội danh nêu trên:

- Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;

- Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

Tình huống 3: Cô H. mua mấy bó hoa, đã trả tiền, có nhờ chị K. giữ để đi chợ tiếp. Tan chợ rồi, thấy lâu, cô H. không quay lại, gọi điện cô cũng không bắt máy, thấy chị P. cần nên chị K. bán mấy bó hoa lại cho chị này với suy nghĩ mấy bó hoa này mà không dùng liền sẽ bị hư.

hình ảnhẢnh minh họa. Nguồn: Internet

Hành vi chị K. tự ý bán mấy bó hoa của cô H không bị cho là vi phạm pháp luật, và đây chỉ là quyền và nghĩa vụ của các bên trong giao dịch dân sự, cụ thể là gửi giữ tài sản.

Vấn đề này Bộ luật dân sự năm 2015 cũng quy định rõ “Đối với tài sản có nguy cơ bị hư hỏng thì bên có nghĩa vụ có quyền bán tài sản đó và phải thông báo ngay cho bên có quyền, trả cho bên có quyền khoản tiền thu được từ việc bán tài sản sau khi trừ chi phí hợp lý để bảo quản và bán tài sản đó.

Như vậy, trong trường hợp này, chị K. sau khi bán mấy bó hoa, phải báo lại cho cô H. đồng thời, trả lại tiền đã bán được cho cô H. sau khi đã trừ đi các khoản chi phí hợp lý để bảo quản và bán mấy bó hoa này (nếu có).

Tự ý bán tài sản của người khác có phạm tội không, còn cần đặt trong những điều kiện, hoàn cảnh khác nhau để xem xét có phạm tội hay không.

Hiểu được tự ý bán tài sản của người khác có phạm tội không, trường hợp nào bị coi là phạm tội, trường hợp nào không, mẹ sẽ có cách ứng xử đúng luật khi gặp các tình huống tương tự.

Tổng hợp