Giờ chắc là nhà nào cũng có một chiếc tủ lạnh rồi. Quen thuộc là thế nhưng không phải mẹ nào cũng biết rõ về tủ lạnh, đặc biệt là mấy lúc tủ lạnh "giở chứng" thì chẳng biết làm sao. Chẳng hạn như khi tủ lạnh đóng lớp tuyết quá dày, nhiều mẹ sẽ mặc kệ cứ nghĩ miễn còn để đồ vào là được nhưng đó lại là lý do khiến cuối tháng hóa đơn tiền điện tăng vọt, chưa kể tủ lạnh nhanh "xuống cấp" hơn nữa. Cho nên, các mẹ cần biết nguyên nhân cũng như cách khắc phục vấn đề tủ lạnh đóng tuyết để sử dụng ngon lành nhé.

5 cách giúp xóa sạch vết xước chằng chịt trên mắt kính, mẹ khỏi lo tốn tiền đi đổi

Nguyên nhân tủ lạnh đóng tuyết

Do bị đứt cầu chì nhiệt

Chức năng của cầu chì nhiệt là bảo vệ không cho bộ phận xả đá hoạt động quá lâu làm nóng tủ lạnh gây hư hỏng. Nhưng đôi lúc vì lý do nào đó mà cầu chì nhiệt nằm trên ngăn đá bị đứt đi, đồng nghĩa bộ phận xả đá cũng sẽ ngưng hoạt động gây ra hiện tượng đóng đá tuyết trong tủ lạnh đấy ạ.

hình ảnh

Ảnh minh họa - Nguồn: Internet

Do sò lạnh hỏng

Còn nếu cầu chì không có vấn đề mà tủ lạnh vẫn bị đóng tuyết thì khả năng cao sò lạnh hỏng, làm thanh điện xả tuyết không thể hoạt động, nóng lên khiến tuyết phủ đầy dàn lạnh.

Do rơ le xả không đóng sang tiếp điểm xả đá

Ngoài ra, còn một nguyên nhân cũng phổ biến, đó là rơ le - bộ phận quan trọng chuyển mạch ngắt Compressor sang chế độ xả đá bị hư hỏng, gây ra tình trạng tủ lạnh đóng tuyết ngăn đá, còn ngăn mát không lạnh, từ đó rau củ quả bên dưới bị hư do không đủ hơi lạnh để bảo quản. 

Các bước vệ sinh tủ lạnh bị đóng tuyết

Khi tủ bị đóng tuyết dày, nhất định phải vệ sinh, lấy phần tuyết ra càng sớm càng tốt nha mẹ vì khi đó sẽ giúp tủ lạnh giảm bớt tải nè.

Bước 1: Rút phích cắm điện là việc quan trọng hơn cả trước khi muốn sửa tủ lạnh, vừa đảm bảo an toàn lại tránh lãng phí điện.

Bước 2: Lấy hết thực phẩm trong tủ lạnh ra ngoài để đảm bảo vệ sinh. Tốt nhất, các mẹ nên gói đồ ăn vào túi giữ nhiệt để thức ăn không bị hư hỏng và đặt vào một nơi thoáng mát, khô ráo trong nhà.

hình ảnh

Ảnh minh họa - Nguồn: Internet

Bước 3: Lấy từ từ các khay đựng đá và ngăn đựng thức ăn ra ngoài. Lưu ý thực hiện chậm rãi, khéo léo, cẩn thận vì những khay này được gắn với tủ lạnh bởi các điểm chốt, ốc vít, nếu mạnh tay sẽ rất dễ làm vỡ những mấu chốt này.

Bước 4: Khi mở tủ lạnh và tủ lạnh ngừng hoạt động, đá sẽ tan chảy ra thành nước. Do đó, để đảm bảo vệ sinh các mẹ nên lót giấy trên nền xung quanh tủ lạnh để ngăn không cho nước chảy lênh láng ra ngoài. Có thể cho một ca nước nóng để trong tủ lạnh mục đích cho đá nhanh tan hơn.

Bước 5: Dùng khăn mềm lau sạch lớp đá trong tủ lạnh, vệ sinh tủ lạnh. Trường hợp lớp đá nhiều quá bạn nên chuẩn bị một cái chậu để hứng nước đá. 

Bước 6: Lau lại một lần cho thật sạch bằng khăn khô. Chú ý không làm rách phần đệm bằng cao su ở cửa đóng mở tủ lạnh.

Bước 7: Đặt các khay thức ăn vào tủ lạnh và khay đá vào vị trí cũ, mở nguồn chờ tủ lạnh đủ lạnh sau đó mới cho thức ăn vào sau nhé. Còn nếu phát hiện có một trong các bộ phận bị hư như các nguyên nhân vừa kể trên thì các mẹ nên gọi thợ để thay, đừng tiếc số tiền nhỏ lại không khéo tốn bộn tiền mua tủ lạnh mới đấy ạ.