Mua nhà hay mua đất mà gặp phải sổ giả thì coi như xong, mất đi số tiền lớn lắm. Có nhiều người dành nửa đời chỉ để làm lụng kiếm tiền mong mua một căn nhà để ổn định cuộc sống.

Vậy mà nhiều người nỡ lòng nào lừa gạt người khác bằng cách làm giả sổ đỏ.

Bữa kia, mình đọc tin trên báo VnExpress, thấy Công an huyện Phú Quốc đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Trần Thị Oanh (38 tuổi, ngụ ở Phú Quốc) để điều tra hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Làm giả con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức vào sáng ngày 3/5/2020.

hình ảnh

Ảnh trái: Trần Thị Oanh tại cơ quan công an. Nguồn: VnExpress. Ảnh phải: Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo kết quả điều tra ban đầu, từ tháng 3/2019, Oanh lên Internet lấy thông tin các lô đất trên đảo đang được rao bán rồi thuê dịch vụ làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên mình với giá 13 triệu đồng mỗi bộ.

Khi nhận được giấy đất giả, Oanh lần lượt đem đến các tiệm cầm đồ ở thị trấn Dương Đông cầm cố với giá 200-500 triệu đồng. Mới đây, khi chủ tiệm cầm đồ mang sổ đỏ của Oanh đi công chứng mới phát hiện giả nên tố cáo.

hình ảnh

Ảnh chụp từ báo VnExpress

Bước đầu người phụ nữ này thừa nhận đã cầm 12 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả lấy hơn 2,8 tỷ đồng để trả nợ và tiêu xài. Oanh nói giao dịch làm giấy tờ giả qua mạng nên không rõ địa chỉ, nhân thân người làm.

Đã phạm tội thì chắc chắn bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Cụ thể:

Về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, căn cứ Điều 174 của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, mức án có thể là phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 20 năm, hoặc tù chung thân. Đặc biệt giá trị tài sản sẽ là cơ sở để định khung hình phạt. Ngoài ra, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức theo Điều 341 của Bộ luật hình sự hiện hành, mức án có thể là phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 07 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể phải nộp phạt từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng.

Còn người ở lại là người mua nhà, đất bị lừa đảo phải nhận quả đắng, chưa kể cuộc sống của họ có thể gặp khó khăn nếu gặp phải tình huống này. Đây cũng là bài học cảnh giác cho các mẹ có ý định mua nhà, đất, cần phân biệt sổ đỏ giả và thật.

Thứ nhất, mẹ có thể biết được đó là sổ đỏ giả thông qua Văn phòng Công chứng uy tín.

Khi giao dịch mua bán, mẹ cần phải thực hiện công chứng các giấy tờ nhà đất. Tại đây, bằng nghiệp vụ của mình, công chứng viên có thể nhận ra đó là sổ đỏ giả.

Thứ hai, mẹ nhận biết theo kiểu thủ công

Bước 1: Kiểm tra bằng đèn pin

Chiếu xiên một góc 100 – 200 độ so với mặt giấy tại vị trí có hình dấu, góc dưới bên phải mặt trước. Nếu hiện lên các chi tiết lõm, không rõ nội dung thì đó là sổ giả.

hình ảnh

Ảnh trái: Sổ giả. Ảnh phải: Sổ thật. Nguồn: Internet

Bước 2: Kiểm tra bằng kính lúp

Ở sổ đỏ giả, các họa tiết lẫn hoa văn sẽ không được tạo bởi tổ hợp các chấm mực màu hồng.

hình ảnhẢnh trái: Sổ giả. Ảnh phải: Sổ thật. Nguồn: Internet

Bước 3: Kiểm tra số seri và các yếu tố khác

Xem số seri có in typo, có hình dấu nổi không và kiểm tra các vị trí có thể bị tẩy xóa cơ học như:

- Số sổ.

- Số vào sổ quyết định.

- Loại đất.

- Thời hạn

- Hình thức sử dụng.

- Diện tích (bằng số, bằng chữ)

- Sơ đồ.

Đối với các sổ có trang bổ sung cần kiểm tra dấu giáp lai của trang phụ lục với sổ (kiểm tra phương pháp đóng dấu), các vị trí của trang bổ sung có bị tẩy xóa hay không (chuyển quyền sử dụng đất, diện tích...). Nếu sổ đã thế chấp nhiều lần cần kiểm tra kỹ dấu, chữ ký của Văn phòng đăng ký nhà đất hoặc phòng tài nguyên và môi trường.

Trang bị kiến thức kiểm tra sổ đỏ thật và giả, giúp mẹ yên tâm hơn khi lựa chọn mua nhà, đất.

Tổng hợp