Vụ này bữa giờ vẫn hot xình xịch nè các mẹ. Nay mới nhận thêm thông tin sau nhiều ngày làm việc tại tổng kho hàng lậu này, là doanh thu thu được trong vòng 2 năm của kho này lên tới 649 tỷ đồng, thật là một con số không thể tưởng tượng được.

Theo nguồn tin từ trang Zing News mình đọc được sáng nay, ngày 07/7/2020, hơn hàng trăm nghìn sản phẩm tiêu dùng nghi là hàng giả, hàng lậu của các nhãn hiệu nổi tiếng cùng dàn máy móc để livestream đã bị phát hiện trong kho hàng lậu có tổng diện tích hơn 10.000 m2 tại thành phố Lào Cai.

hình ảnhẢnh chụp trang Zing News

Được biết, đây là vụ buôn bán hàng lậu, hàng giả có quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Qua mấy ngày rà soát, lực lượng chức năng đã kiểm tra từ tháng 10/2018 đến nay, tổng lũy kế qua giao dịch tài khoản của chủ kho hàng này và 5 đối tượng trong nhóm là trên 649 tỷ đồng.

Nhóm kinh doanh hàng lậu, hàng giả này đã tính toán rất kỹ khi đặt tổng kho ở Lào Cai. Vì đây là khu vực tiếp giáp các cửa khẩu quốc tế, chỉ cần tuồn được hàng qua cửa khẩu biên giới là có thể nhập vào kho với số lượng lớn hàng hóa, tránh được sự giám sát của cơ quan chức năng cũng như các chi phí thuê mặt bằng, lẫn nhân công lao động, vì ở Lào Cai, các chi phí này rẻ hơn rất nhiều so với ở các thành phố lớn. Thu nhập bình quân của những người lao động làm việc chốt đơn hàng trên livestream tại kho hàng này là từ 5 đến 7 triệu đồng, đối với cán bộ thủ quỹ, kế toán thì được trả từ 7 đến 10 triệu đồng, còn quản lý chung được trả khoảng 20 triệu đồng. Cá biệt có một số nhân viên dẫn livestream được trả trên 80 triệu đồng/tháng.

Ước tính tổng chi phí của khi này trong 1 tháng khoảng 2 tỷ đồng. Trong đó, chi phí đáng kể nhất bên cạnh khoản thuê mặt bằng, trả lương cho người lao động là chi phí chạy quảng cáo trực tuyến, tiêu tốn khoảng gần 400 triệu đồng/tháng và chi phí cước điện thoại khoảng 122 triệu đồng/tháng, và chi phí được kê là “luật lá” là 20 triệu đồng/tháng.

Kho hàng lậu, hàng giả này được phân khu khá bài bản, có mã số thống nhất để tiện chốt đơn, lấy đơn hàng và đóng gói gửi đi. Bất kỳ thời điểm nào cũng có khoảng 70 nhân viên làm việc.

hình ảnhẢnh trái: Hàng hóa tại kho bị tạm giữ nghi giả các thương hiệu nổi tiếng thế giới. Nguồn: Zing News. Ảnh phải: Kho hàng lậu hơn 10.000 m2 tại Lào Cai. Nguồn: VTV.

Lời khai ban đầu của chủ cơ sở kho hàng này, doanh thu những tháng gần đây, có tháng ước được 10 tỷ đồng, với 30.000 đến 40.000 đơn hàng bán ra mỗi tháng, trung bình có gần 3 sản phẩm cho mỗi đơn hành, tức gần 10.000 đơn vị sản phẩm được bán ra thị trường mỗi tháng.

Quá trình kiểm đếm, kho hàng này có 237 chủng loại hàng hóa với tổng số hơn 150.000 đơn vị sản phẩm, bao gồm sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ (hàng lậu) và hơn 6.000 đơn vị hàng hóa giả mạo các thương hiệu nổi tiếng thế giới.

Tại thời điểm bị phát hiện, trong kho có 811 mã đơn hàng đang chờ chuyển phát đến tay khách hàng. Lực lượng chức năng phải thuê thêm 70 nhân công bốc xếp, khuân vác, phục vụ kiểm đếm. Toàn bộ số hàng này được chất vào trong 34 container mới đủ chỗ để niêm phong.

Được biết, Đoàn kiểm tra đã ra Quyết định tạm giữ, lập biên bản tạm giữ tang vật, phương tiện, theo thủ tục hành chính và niêm phong toàn bộ hàng hóa trên cùng 2 ô tô tải 5 tấn, 49 máy tính, 1 laptop, 2 két sắt, 1 đầu thu camera và 1 máy in tem dưới sự chứng kiến của cơ quan chức năng phối hợp với chính quyền địa phương.

Đây có thể nói là chỉ bước đầu của quyết định xử lý vụ việc, còn phải điều tra thêm để làm rõ vụ việc, xem những ai có dấu hiệu phạm tội buôn lậu, ai có dấu hiệu phạm tội sản xuất và buôn bán hàng giả.

Phanh phui vụ này ra, chắc là sẽ có nhiều người vi phạm lắm đây.

hình ảnh


Ảnh: Kho hàng tại Lào Cai. Nguồn: Zing News. 

Đối với hành vi kinh doanh hàng nhập lậu:

Theo quy định tại Điều 17 của Nghị định 185/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hoạt động thương mại sản xuất và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200 ngàn đồng đến 50 triệu đồng, tùy theo giá trị hàng hóa nhập lậu.

Trường hợp người kinh doanh hàng lậu cũng là người trực tiếp nhập hàng hóa, hoặc thuộc nhóm hàng cấm nhập khẩu, tạm ngừng kinh doanh thì mức phạt gấp đôi mức nêu trên theo quy định tại Nghị định 124/2015/NĐ-CP.

Ngoài chuyện phải nộp phạt, số hàng nhập lậu này bị tịch thu và buộc tiêu hủy.  

Đối với hành vi buôn lậu:

Căn cứ Điều 188 về tội buôn lậu của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 thì hành vi buôn bán qua biên giới Việt Nam hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại trái với quy định của pháp luật Việt Nam với giá trị hàng hóa từ 100 triệu đồng trở lên, có thể sẽ phải chịu án phạt là phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 5 tỷ đồng, hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 20 năm tù. Người phạm tội có thể phải nộp thêm tiền phạt từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Đối với hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ:

Theo quy định tại Nghị định 185 và Nghị định 124 thì hành vi này có thể bị phạt cảnh cáo, hoặc phạt tiền từ 200 ngàn đồng đến 40 triệu đồng, , tùy theo giá trị hàng hóa.

Tương tự, biện pháp phạt bổ sung là tịch thu tang vật, tiêu hủy và thu lại số lợi bất hợp pháp có được từ việc kinh doanh này.

hình ảnh


Ảnh: Hình thức livestream bán hàng đang trở thành cơn sốt đem lại thu nhập "khủng" cho giới kinh doanh online. Nguồn: Zing News.

Đối với hành vi buôn bán hàng giả:

Mức phạt tiền có thể từ 200 ngàn đồng đến 30 triệu đồng, theo quy định tại Nghị định 185 và Nghị định 124. Mức phạt sẽ là gấp đôi nếu các món hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi; phụ gia thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, chất tẩy rửa, diệt côn trùng, trang thiết bị y tế, xi măng, sắt thép xây dựng, mũ bảo hiểm. Ngoài ra, còn bị tịch thu tang vật, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp, loại bỏ yếu tố vi phạm trên nhãn hàng giả...

Trường hợp hàng kinh doanh khủng, số lượng lớn, có thể xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 192 về tội sản xuất, buôn bán hàng giả quy định tại Bộ luật hình sự hiện hành, người nào sản xuất, buôn bán hàng giả có giá trị từ 30 triệu đồng trở lên sẽ chịu mức án là phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, hoặc phạt tù từ 01 năm đến 15 năm. Ngoài ra, còn phải nộp thêm tiền phạt từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Nghe nói thời gian qua, cũng có hàng chục nghìn sản phẩm giả các thương hiệu nổi tiếng được bán qua livestream trên các trang mạng xã hội đã bị cơ quan chức năng thu giữ và bị xử phạt. Cơ quan này cũng khuyến cáo người tiêu dùng nên mua hàng ở những website, cửa hàng uy tín để không bị lừa mua hàng lậu, hàng kém chất lượng.

Hồi cuối tháng 2/2020 năm nay, Tổng cục Quản lý thị trường đã thành lập Tổ công tác nhằm thu thập, tiếp nhận, xác minh thông tin vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ hay vi phạm quyền sở hữu trí tuệ để xử lý theo quy định của pháp luật.

Tối qua mình cũng đọc được bài báo bên trang Dân Trí, nhiều người làm nghề đặt hàng Trung Quốc về bán lại ở Việt Nam phải bỏ việc vì gặp khó do bị cơ quan chức năng bắt gặp, khu vực biên giới bị cấm, không được thông quan, hàng hóa phải “vượt đèo, lội suối” mới đến được tay con buôn để bán cho người Việt. Đây được cho là nghề có thu nhập cao vào khoảng vài năm trở lại đây, có chị em còn tâm sự, mỗi tháng đều đặn có thể thu về trên 30 triệu đồng…

hình ảnh


Ảnh: Hàng lậu vác qua đồi. Nguồn: Dân Trí.

Bởi mới nói, phải làm gắt gao như vậy thì mới có đất sống cho hàng thật, chứ người tiêu dùng nhiều khi không biết, dễ lầm tưởng hàng thật với hàng giả, hàng lậu, tiền mất tật mang.

Tổng hợp