Tình hình dịch bệnh đang diễn biến ngày càng phức tạp, khi mới đầu chỉ phát hiện ca lây nhiễm cộng đồng ở Đà Nẵng, sau đó đã xác định ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM.

>>> Cập nhật sáng 30/7: Thêm 9 ca mắc COVID-19, Hà Nội tiếp tục ghi nhận bệnh nhân mới

Qua nay, 3 thành phố lớn Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM đã có nhiều cuộc họp và ban hành các Công văn hỏa tốc gửi đến các cơ quan ban ngành liên quan để cùng chung tay phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus mới gây ra.

Dưới đây, mình cập nhật tổng hợp thông tin mới nhất đến các mẹ, ai ở đâu thì theo dõi tin ở vùng đó nha.

#1. Hà Nội

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội ban hành Thông báo 775/TB-UBND ngày 28/7/2020 về công tác phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona. Theo đó:

hình ảnhẢnh chụp Công văn 775. Nguồn: UBND thành phố Hà Nội.

Hà Nội là địa phương có nguy cơ lây nhiễm cao do có nhiều người đã đi (du lịch, công tác…) tại thành phố Đà Nẵng. Vì vậy, thành phố yêu cầu rà soát trường hợp đi từ Đà Nẵng trở về Hà Nội từ ngày 08/7/2020.

- Đối với những người có đến khu vực có nguy cơ cao (Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi Chức năng Đà Nẵng, Trung tâm Y tế quận Ngũ Hành Sơn, Trung tâm Tiệc cưới và Hội nghị For You Palace, các quận gồm Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu, Hải Châu và các nơi cư trú của bệnh nhân) thì tự giác cách ly tại nơi cư trú, thực hiện khai báo y tế, chủ động kiểm tra thân nhiệt, thông tin đến cơ sở y tế trên địa bàn để được lấy mẫu xét nghiệm và tự cách ly tại nhà trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm.

- Đối với những người có đến Đà Nẵng nhưng không đến các khu vực có nguy cơ cao theo lộ trình đã được Bộ Y tế công bố thì thực hiện khai báo y tế, theo dõi sức khỏe, kiểm tra thân nhiệt và đảm bảo vệ sinh cá nhân.

- Mọi người không nên quá lo lắng về tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố Hà Nội.

- Thường xuyên cập nhật thông tin trên các kênh thông tin của Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, Bộ Y tế về các trường hợp mắc bệnh đã có lịch trình di chuyển tại các địa điểm để chủ động, phát hiện kịp thời, khẩn trương thông tin đến các cơ quan chính quyền địa phương trên địa bàn để xử lý kịp thời những trường hợp nghi ngờ.

hình ảnh


Ảnh minh họa. Nguồn: VnExpress. 

- Tất cả các trường hợp có biểu hiện ho, khó thở, sốt trên địa bàn Hà Nội phải liên hệ ngay với các cơ sở y tế trên địa bàn để được xét nghiệm, trong khi phải chờ kết quả xét nghiệm thì phải tự cách ly tại nhà. Nếu các trường hợp đang được điều trị tại các Bệnh viện thì Bệnh viện lấy mẫu xét nghiệm và tổ chức khám chữa bệnh theo đúng quy trình của Bộ Y tế quy định.

- Các trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài vào Hà Nội, phải được xét nghiệm ít nhất 02 lần, cần thiết có thể xét nghiệm lại sau 01 tháng.

- Người dân có thể cập nhật, phản ánh thông tin liên quan đến công tác phòng chống dịch COVID-19 trên hệ thống Hanoi Smart City.

- Tất cả trụ sở, cơ quan, xí nghiệp, đơn vị thành phố duy trì nước sát khuẩn để sát khuẩn tay, thực hiện kiểm tra thân nhiệt, đeo khẩu trang ở nơi công cộng và khi tham gia giao thông.

Song song với công tác phòng chống dịch cũng phải tăng cường phòng chống dịch bệnh bạch hầu, sốt xuất huyết, tay chân miệng, không được để dịch chồng dịch. Sẽ phun thuốc diệt muỗi phòng chống sốt xuất huyết trên địa bàn.

Đáng chú ý là chiều hôm qua, ngày 29/7/2020, Hà Nội tiếp tục họp khẩn sau khi có 2 ca nghi nhiễm, yêu cầu các hội chợ, hội nghị xúc tiến cung cầu, lễ hội, quán bar… trên địa bàn tạm thời dừng hoạt động theo Thông báo 262/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ cũng được ban hành trong ngày hôm qua. Cụ thể:

Tất cả địa phương đều phải khẩn trương rà soát phương án, kế hoạch phòng, chống dịch của địa phương mình, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch trong tình hình mới; trước mắt, các địa phương có ca nhiễm cộng đồng (trong đó có Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM) xem xét quyết định việc tạm dừng tổ chức sự kiện có tập trung đông người như lễ hội, khuyến cáo việc hạn chế tập trung đông người tại tiệc cưới, tang lễ... Tăng cường công tác quản lý không để thiếu hàng, sốt giá và các hoạt động gây mất trật tự, trị an trên địa bàn.

hình ảnh


Ảnh minh họa. Nguồn: Cổng thông tin điện tử thành phố Hải Phòng.

#2. Đà Nẵng

UBND thành phố Đà Nẵng cũng vừa ban hành Công văn số 4987/UBND-VHXH ngày 29/7/2020 về việc tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống COVID-19. Theo đó:

- Thực hiện dừng việc kinh doanh tại các cửa hàng ăn uống, giải khát kể cả bán hàng qua mạng, bán hàng mang về bắt đầu từ 13 giờ ngày 30/7/2020.

- Các công trình xây dựng trên địa bàn thành phổ phải có biện pháp tổ chức thi công đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19; trong đó, lưu ý việc sát khuẩn, đeo khẩu trang, bảo đảm cự ly tối thiểu 2m giữa người với người trong toàn bộ quá trình thực hiện.

- Phát hiện sớm các đối tượng nghi bị lây nhiễm, kiểm soát chặt chẽ, khoanh vùng và kịp thời cách ly, xét nghiệm các trường hợp tiếp xúc gần với đối tượng mắc COVID-19 theo đúng quy trình, hạn chế thấp nhất sự lây lan trong cộng đồng; thực hiện nghiêm việc khai báo và kiềm tra y tế tại địa bàn khu dân cư khu nhà trọ, nhà ở công nhân.

- Yêu cầu UBND các quận, huyện tổng kiểm tra, rà soát các khu vực có người nhập cảnh trái phép.

- UBND quận Hải Châu tăng cường giám sát công tác phòng chống dịch tại 136 đường Hải Phòng.

- UBND quận Sơn Trà đã triển khai việc chọn địa điểm Chùa Pháp Hội (67 Nguyễn Văn Thoại) làm nơi cách ly đối với các tăng chúng. UBND quận Sơn Trà giám sát giám sát công tác phòng, chống dịch tại địa điểm này.

- UBND quận Liên Chiểu thường xuyên giám sát các đối tượng đang cách ly tại khu vực Ký túc xá phía Tây thành phố, trương hợp phát hiện có dấu hiệu ho sốt thi lập tức chuyển về trung tâm y tế các quận, huyện (nơi bênh nhân có hộ khẩu thường trú) để giám sát y tế theo quy đinh.

- Sở Y tế ưu tiên đẩy nhanh xét nghiệm các trường hợp nguy cơ cao, trong đó tập trung Bệnh viện Đà Nẵng, có phương án chuẩn bị nhân lực thay thế các nhân viên y tế để thay thế cho các trường hợp nhân viên đã bị lây nhiễm Covid-19 và tiếp xúc gần với người bệnh nhiễm Covid-19. Còn

- Sở Giao thông vận tải làm việc với Sở Du lịch và Công an thành phố để chủ động đưa xe chở khách du lịch từ sân bay về lại khách sạn do không có chuyến bay.

- Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai công tác chấm thi và công bố điểm thi vào lớp 10 phù hợp với trạng thái cách ly xã hội hiện nay; tăng cường công tác công bố điểm thi qua các phương tiện thông tin đại chúng, các trang thông tin điện tử của ngành, địa phương, tránh gây tập trung đông người trước các trường.

hình ảnhẢnh minh họa. Nguồn: Báo Thanh Niên. 

Đồng thời, chủ động triển khai tốt các nội dung liên quan đến cuộc thi tốt nghiệp THPT, yêu cầu phụ huynh không tập trung chờ đợi học sinh trước cổng trường; chuẩn bị phương án dự phòng trong các trường hợp học sinh bị sốt trong quá trình thi để đảm bảo an toàn, và chuẩn bị phương án cho tình huống xấu nhất. Sở tăng cường phối hợp với lực lượng công an và chính quyền địa phương để đảm bảo an ninh trật tự trước cổng trường, không để tập trung đông người.

- Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các đơn vị liên quan tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền.

- Sở Du lịch bố trí khách sạn dành riêng cho các nhân viên y tế điều trị bệnh nhân.

- Xử lý phun hóa chất tại các khu vực thành phố đã tiến hành phong tỏa và các khu vực có nguy cơ cao.

#3. TP.HCM

- Tuyệt đối không chủ quan, mất cảnh giác trong phòng chống dịch Covid-19; tiếp tục kiên trì thực hiện theo nguyên tắc “ngăn chặn - phát hiện - cách ly - khoanh vùng - dập dịch” trong đó chú trọng khâu “phát hiện” với phương châm trong tình hình mới là “phòng dịch sớm - phát hiện kịp thời - cách ly triệt để”; đồng thời phát huy tinh thần "mỗi người dân là một chiến sĩ tham gia chống dịch", tự giác bảo vệ chính bản thân và gia đình trước nguy cơ dịch bệnh.

- Sẽ tiếp tục tăng cường giám sát, lấy mẫu và xét nghiệm tất cả các trường hợp có triệu chứng mắc bệnh đường hô hấp hoặc viêm phổi trong cơ sở y tế cũng như các trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19 trong cộng đồng; tổ chức giám sát trên diện rộng để phát hiện nguồn lây, đặc biệt khi ghi nhận chùm ca có triệu chứng viêm đường hô hấp cấp trong khu dân cư; chuẩn bị sẵn sàng đáp ứng với các tình huống dịch bệnh xảy ra; sẵn sàng các cơ sở cách ly tập trung tại quận, huyện. 

- Các cơ sở bán lẻ thuốc cần nhắc nhở người đến mua thuốc có triệu chứng viêm hô hấp cấp đến cơ sở y tế khai báo và kiểm tra sức khỏe; đồng thời ghi nhận thông tin và báo cho phòng y tế và trung tâm y tế địa phương.

hình ảnh


Ảnh minh họa. Nguồn: Hà Nội Mới. 

- Tất cả cơ sở khám chữa bệnh cần tăng cường hoạt động phân luồng, sàng lọc thông qua khai báo y tế để phát hiện người đến từ Đà Nẵng và các địa phương có phát sinh ca bệnh nhiễm Covid-19, đặc biệt là người có triệu chứng viêm hô hấp cấp, không để xảy ra lây nhiễm chéo trong cơ sở y tế; sẵn sàng các khu vực cách ly tạm thời, khu cách ly điều trị trong cơ sở khám chữa bệnh đảm bảo năng lực tiếp nhận người nghi ngờ mắc bệnh.

Riêng Bệnh viện dã chiến Củ Chi, Bệnh viện Điều trị Covid-19 Cần Giờ và Bệnh viện Nhi đồng TP luôn sẵn sàng tiếp nhận người bệnh bị nhiễm, đặc biệt là trường hợp bệnh nặng.

- Sở Y tế cũng được giao tiếp tục tổ chức tốt hoạt động cách ly tập trung và giám sát chặt chẽ, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch trong việc tiếp nhận công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước và chuyên gia, nhà đầu tư, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động tay nghề cao được nhập cảnh làm việc tại TP; tăng cường giám sát trong cộng đồng nhằm phát hiện kịp thời người nhập cảnh bằng đường bộ không khai báo, chưa được cách ly kiểm dịch, ngăn ngừa nguy cơ xâm nhập dịch bệnh qua biên giới đường bộ, đường thủy lây lan trong cộng đồng; phát động toàn ngành tập trung mọi lực lượng phòng chống dịch Covid-19.

Đồng thời chú ý phòng, chống dịch bệnh bạch hầu, sốt xuất huyết, không để bùng phát, lan rộng trên địa bàn TP.

- Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường tuyên truyền đến người dân về các biện pháp phòng chống dịch như vệ sinh khử khuẩn cá nhân, đeo khẩu trang nơi công cộng và hạn chế tụ tập đông người không cần thiết, khuyến cáo người dân nếu không có việc gì cấp thiết thì không nên đến nơi có dịch, thông tin kịp thời về tình hình dịch trong giai đoạn mới. xử lý nghiêm các trường hợp đưa thông tin không đúng, sai sự thật về dịch Covid-19 gây hoang mang trong dư luận, nhất là đối với các cơ quan báo chí.

- Sở Giao thông vận tải cần tổ chức giám sát chặt chẽ đường bộ (xe du lịch, xe hợp đồng, các bến xe) đối với các tuyến xe từ Đà Nẵng và các địa phương có dịch vào TPHCM.

- Sở Công Thương đảm bảo đủ nguồn cung cấp hàng hóa, nhu yếu phẩm cho người dân trên địa bàn TP.

hình ảnh


Ảnh minh họa. Nguồn: Hà Nội mới. 

- Tiếp tục triển khai thực hiện các Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 đối với các lĩnh vực, gồm: hoạt động du lịch; giao thông vận tải; hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống; an toàn tại chợ đầu mối, chợ truyền thống (có nhà lồng), siêu thị, trung tâm thương mại; hoạt động bảo tàng, di tích; thư viện, phòng đọc sách và tổ chức tập luyện của các đơn vị hoạt động thể dục thể thao; cơ sở giáo dục mầm non và cơ sở giáo dục phổ thông.

Nói tóm lại, việc cần làm lúc này của chúng ta lúc này là không chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch bệnh; thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế bao gồm đeo khẩu trang nơi công cộng, trên các phương tiện giao thông công cộng, hạn chế tụ tập đông người khi không cần thiết, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, dung dịch sát khuẩn… và thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh trên các kênh thông tin của Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch COVID-19 để kịp thời xử lý, tránh hoang mang.

Tổng hợp