“Không quan trọng bạn làm được bao nhiêu, quan trọng là bạn để dành được bao nhiêu kìa”.  Trước đây mình hay được mách bảo như thế.  

Nghe là thế nhưng không phải ai cũng làm được đâu nha. Thử nhìn xung quanh nơi công sở mẹ làm xem, thử đếm được số người ăn uống tại nhà vào buổi sáng, rồi mang cơm theo đi làm, đi xe buýt xem… sẽ thấy con số chỉ đếm trên đầu ngón tay. Điều đó cho thấy rằng, không phải ai cũng có thể tiết kiệm, để dành dụm được một số tiền lớn.

Có người thu nhập một tháng cỡ vài ba chục triệu, nhưng mà nhẩm đếm lại cả năm, chắc cũng dư ra được 1 tháng lương là mừng, chứ đừng nói đến hàng trăm, hàng tỷ. Vậy nên mới có người giàu kẻ nghèo.

Nay đọc bài chia sẻ của chị này trên trang Vietnamnet mà thấy nể ghê các mẹ.

hình ảnhẢnh chụp trang Vietnamnet. 

Kể sơ qua gia đình của chị Trần Hương. Vợ làm kinh doanh, còn chồng làm giáo viên, 2 vợ chồng có 1 đứa con nhỏ 4 tuổi. Chị kể dù không phải chắt chiu từng đồng trong chi tiêu nhưng mỗi năm chị vẫn để dành gửi tiết kiệm được hơn nửa tỷ đồng.

Hỏi sao mà hay vậy, chị chia sẻ việc chi tiêu mỗi gia đình không ai giống ai, tùy điều kiện hoàn cảnh với kinh tế. Chị đang là chủ của một cửa hàng quần áo ở Hà Nội. Tư duy chi tiêu của chị khá thoáng. Nói là thoáng nhưng tất nhiên phải trong tầm kiểm soát, không phải chắc chiu từng khoản.

Với chị, tiêu thoáng là khoảng gần 50 triệu đồng mỗi tháng.

Chị kể cả nhà chị đang sống cùng với ba mẹ chồng ở Hà Nội, nên thành ra không phải tốn tiền thuê nhà hàng tháng. Mỗi tháng 2 vợ chồng chị đều góp đều đặn cho ba mẹ khoảng 6 triệu đồng các khoản chi phí ăn uống, sinh hoạt của gia đình. Trong đó chỉ bao gồm 2 bữa trưa và tối. Còn bữa sáng thì vợ chồng với con chị ăn bên ngoài, thường tầm khoảng 1,5 triệu đồng đến 2 triệu đồng.

Chi phí cho con 1 tháng tiền học ở trường hết gần 3 triệu. Sữa của bé do gia đình chuẩn bị, trưa và xế bé ăn ở trường, tối về ăn ở nhà. Các khoảng chi phí bên ngoài bao gồm tiền ăn uống, quần áo, sữa… tầm khoảng 5 triệu.

hình ảnh


Ảnh trái: Ảnh chụp chị Trần Hương và gia đình nhỏ của mình. Ảnh phải: Ảnh minh họa. Nguồn: Vietnamnet. 

Vợ chồng chị trước đó có tích góp mua ô tô. Đi xe này, chi phí di chuyển, xăng xe, thay dầu nhớt, bảo dưỡng trung bình hơn 4 triệu đồng, tính luôn cả tiền gửi xe hàng tháng. Khoản này là chưa kể đến mấy khoản sửa chữa lớn.

Tổng khoản chi tiêu sinh hoạt cố định mỗi tháng có thể chạm tới ngưỡng 20 triệu.

Vì chị làm kinh doanh, nên chi phí cho mặt bằng khá lớn, cũng hết 10 triệu. Chưa kể các khoản ma chay, hiếu hỷ, đóng góp khác cho 2 bên nội ngoại, cũng phải tầm 2 triệu mỗi tháng. Và còn nhiều khoảng không tên khác, như chi phí cho y tế và quà cáp cho người ở quê…

Chi tiêu hàng ngày không thể thống kê hết, nên chị dùng thêm ứng dụng quản lý để biết mỗi ngày mình chi bao nhiêu để mà nhớ kiểm soát, có vấn đề gì là xử lý ngay lúc đó liền.

hình ảnhẢnh: Bảng chi tiêu cơ bản trong 1 tháng của gia đình chị Trần Hương. Nguồn: Vietnamnet. 

Cũng giống như nhiều gia đình khác, gia đình chị mỗi tháng cũng phải để dành 1 khoản tiết kiệm gửi ngân hàng vì tâm lý lo sợ cầm tiền sẽ tiêu hết.

Chị chia sẻ, cứ tầm 10 ngày là chị mở sổ tiết kiệm rồi cuối tháng dồn lại thành 1. Cứ cuối năm lại dồn được 1 cuốn sổ lớn. Vài năm là sẽ mua được thứ gì đó có giá trị để tích lũy.

Vì đặc thù công việc kinh doanh, thu nhập không cố định, còn chồng thì làm giáo viên nên có khoản lương nhất định. Tiền kiếm được sẽ dùng để tiết kiệm. Trung bình mỗi tháng chị để dành khoảng 40 đến 50 triệu sau khi đã trừ các khoản chi tiêu sinh hoạt.

Tiền tiết kiệm có thể dành để đầu tư. Dồn vài năm lại có tiền mua đất vùng ven hoặc là mua vàng. Tùy theo tình hình biến động của thị trường. Chị kể, cứ vài năm chị lại dồn tiền mua thứ gì đó, và để một khoản nhằm tái đầu tư.

Dự kiến thời gian tới, kế hoạch của chị sẽ dồn lại để mở rộng mô hình kinh doanh.

hình ảnh


Ảnh: Cửa hàng đang kinh doanh của chị Trần Hương có chi phí mặt bằng mỗi tháng cố định là 10 triệu đồng. Nguồn: Vietnamnet. 

Chị nói, điều quan trọng trong việc quyết định chi tiêu chính là thu nhập và điều kiện sống của mỗi gia đình. Như chị có nhà riêng rồi nên không phải tốn tiền thuê nhà, song lại tốn cho khoản bảo dưỡng và “nuôi” xe ô tô. Mỗi gia đình có thu nhập khác nhau, dù ít hay nhiều chỉ cần vén khéo là sẽ có được khoản chi tiêu và mức tiết kiệm hợp lý nhất.

Mẹ tài giỏi là biết vun vén tài chính, tiết kiệm cho gia đình nè. Mẹ xem học hỏi nhé!

Tổng hợp