Thai nhi ít đạp thường khiến các mẹ lo lắng về sự an nguy của con trong bụng. Mẹ cần nắm rõ về kiến thức thai máy để đảm bảo an toàn cho con trong trường hợp này.



Các cử động thai (hay thường gọi là thai đạp, thai máy) rất quan trọng trong thai kỳ, giúp mẹ đoán biết được tình trạng phát triển của con trong bụng có tốt không. Việc thai cử động quá ít hoặc quá nhiều đều là dấu hiệu đáng lo ngại.



Kể cho các mẹ nghe chuyện của đứa em gái em nha. Nó lấy chồng khi đã mang bầu hơn 1 tháng. Đến lúc cái thai được hơn 3 tháng thì mọi người trong nhà phát hiện ra nó bị trầm cảm. Sự việc xảy ra khi một bữa sáng nó xin nghỉ phép ở công ty để bảo chồng chở đi khám thai. Ngặt nỗi đến bệnh viện không phải chỉ để khám mà mon men qua khu kế hoạch hóa gia đình để xin được bỏ thai. Cũng may chồng nó cũng thấy vợ khang khác nên nghi ngờ mà lén theo và kịp thời phát hiện, can ngăn lại. Về nhà, hỏi tại sao có ý định đó thì nó bảo tại nghén mệt, cảm thấy bế tắc. Gia đình phải quan tâm 24/24 để đảm bảo an toàn cho hai mẹ con. Khi cái thai lớn hơn chút nữa, em gái em cảm nhận được những cú quẫy đạp của con nên tâm trạng vui vẻ hẳn lên. Mỗi ngày nó đều chăm chỉ đếm từng cử động của con để biết con vẫn khỏe, để biết mình đang làm mẹ mà thôi suy nghĩ vẩn vơ. Thế mới thấy, đôi khi đứa con chính là liều thuốc chữa lành vết thương trong tim của người làm mẹ.


Việc con đạp đều đặn, bình thường mỗi ngày khiến mẹ khá an tâm, đùng một ngày con yên ắng quá đỗi khiến mẹ bồn chồn, đứng ngồi không yên. Lúc nào trong đầu cũng tự hỏi thai nhi ít đạp có sao không, liệu con đang gặp chuyện gì chăng? Sao không đạp lên một cái cho mẹ mừng? Tối qua em lướt mạng, vô tình đọc được những dòng tâm sự chạm đúng trái tim các bà bầu của một mẹ có nick name là Mẹ Múp, thấy hay nên chia sẻ lại đây:



Thai nhi ít đạp hay đạp quá nhiều đều là vấn đề khiến mẹ lưu tâm




Trở trời mẹ thấy đầu nặng trĩu, mệt mỏi hơn ngày thường. Cả đêm mẹ trằn trọc khó ngủ. Sáng thức dậy, mẹ giật mình khi thấy sữa thấm ra ướt áo. Theo phản xạ, mẹ đưa tay đặt lên bụng để nghe tiếng con. Sao mẹ thấy bụng mình nhẹ tênh. Lo lắng...Mẹ gọi con, không thấy con có phản ứng, mẹ tự nhủ, chắc Mướp con của mẹ đang còn ngủ...



Tiễn bố đi làm, mẹ vào nhà chuẩn bị bữa sáng. Đột nhiên bụng mẹ đau quặn, mẹ choáng váng, xây sẩm đầu óc. Mẹ vội ngồi thụp xuống. Tự nhiên nước mắt mẹ trào ra. Con của mẹ có sao không..Sao hôm nay mẹ thấy lạ quá...



Trấn tĩnh lại mẹ cố gắng lên phòng nằm. Mẹ gọi nhưng con vẫn không thưa. Không đạp. Mẹ hoang mang. Mẹ vào nhà tắm kiểm tra xem có bị ra máu hay không..Không..Mẹ tự an ủi, không sao đâu. Con mẹ không sao hết. Chỉ là hôm nay con ngủ muộn hơn mọi ngày thôi..



Mẹ cố ngủ 1 chút rồi dậy nấu ăn. Bữa trưa mẹ ăn uể oải. Con vẫn không đạp. Bụng mẹ khó chịu quá..Mẹ không dám nt cho bố, sợ bố đang lái xe lại lo lắng...Mẹ muốn khóc lắm rồi..



Lên phòng mẹ bật nhạc cho con nghe, đọc truyện cho con như thường ngày. Mẹ áp bụng xuống để xem con có di chuyển không. Vẫn không thấy. Mẹ lại lấy máy nghe tim thai ra để nghe tiếng con. Bình thường mẹ vẫn chưa nghe thấy tim con, nhưng Mướp ghét mẹ nghe tim thai hay sao ấy, mỗi lần mẹ nghe Mướp đều đạp đạp chòi chòi ra vẻ phản ứng cơ mà. Sao hôm nay con im lặng thế con??



Cả buổi chiều con vẫn cứng đầu im lặng. Bố về hỏi xem con có đạp không. Mẹ nói như sắp khóc, Con không đạp gì cả. Mẹ giận Mướp lắm, Mướp làm mẹ lo lắng vô cùng. Có bố an ủi, mẹ nguôi ngoai phần nào. Mẹ lên thắp hương cầu khấn, chỉ mong con được an lành...Bố hứa mai sẽ đưa 2 mẹ con đi khám.



Cả đêm mẹ lại trằn trọc. Mẹ lắng nghe từng cử động nhỏ. Mẹ ko kìm được nên đã khóc. Mẹ sợ..Mẹ thèm nghe tiếng con, thèm được cảm nhận từng cái đạp của con. Thèm được thấy con cựa quậy ngọ nguậy trong mẹ..1 đêm dài mẹ phấp phỏng chờ mong..Mướp của mẹ ơi..



Buổi sáng mẹ lại đau bụng. Không có máu..Mẹ cố gắng nằm xuống. Rồi mẹ thấy bụng căng tức, rất khẽ, 1,2 tiếng đạp của con. Mẹ đau thắt bụng dưới. Mẹ lắng nghe, rồi con lại đạp 1 cái thật mạnh. Mẹ trào nước mắt. Con mẹ đạp rồi.. Mẹ đau nhưng hạnh phúc. Chắc con đói quá nên mới đạp mạnh thế. Mẹ ăn vội mấy miếng bánh. Con đạp thêm vài lần rồi thôi. Con ăn no đi để sáng nay mẹ con mình đi khám con nhé.



1 ngày con không đạp mà mẹ tưởng như 1 ngày trong địa ngục Những lo lắng, sợ hãi khi nghĩ con có chuyện gì làm tim mẹ đau thắt bao lần...Con yêu của mẹ, đừng làm mẹ sợ như thế nữa con nhé...Mẹ yêu con rất nhiều..Con biết không...



Cám ơn các mẹ ^^. 2 mẹ con cháu đi khám ngay hôm sau mà. Lạy trời lạy phật, con khỏe, giống bố y xì đúc. Mà chưa biết sinh ra có cứng đầu không, chứ hôm đấy đến tận khi vào phòng SA mới chịu đạp. Hình như bé con nhà này không thích SA hay nghe tim thai gì hết, cứ đưa máy vào gần là đạp rồi chòi chòi liên tục. Thế nên cái hôm con im lặng cả ngày đấy, mẹ cứ mang máy nghe tim thai ra dọa mà chẳng động đậy gì làm mẹ càng hoảng. Chưa gì đã biết dọa mẹ rồi, muốn tét cho vào cái mông lắm mà chưa được đây ạ.



Thai nhi ít đạp cần đếm cử động thai và đi khám kịp thời




Tại sao cần theo dõi cử động thai nhi?



Phụ nữ mang thai sẽ bắt đầu cảm nhận được những cử động của thai nhi vào tuần lễ thứ 20 của thai kỳ. Thường trong ba tháng giữa này, cử động của thai nhi rất thất thường, nhưng càng về sau càng đều đặn hơn. Thời gian hoạt động rõ nhất là từ cuối tuần thứ 27-32.



Cử động thai cho biết tình trạng sức khoẻ của thai nhi. Thai nhi ít đạp là dấu hiệu báo động tình trạng sức khoẻ kém của thai. Nếu mẹ không thấy thai máy hoặc máy quá yếu thì có thể bị suy thai hoặc thai đã chết trong bụng rồi.


Thai nhi quẫy đạp không chỉ báo hiệu bé vẫn khỏe mà còn có tác dụng quan trọng khác



Các nhà khoa học tại đại học Trinity College Dublin (Ireland) cho biết thai di chuyển trong bụng mẹ rất nhiều vì các bé đang cố gắng phát triển xương và sụn của mình một cách hoàn hảo nhất. Cụ thể thì các chuyển động (những cú đạp xoay người, duỗi thân) không ngừng của con trong bụng mẹ kích thích các "phản ứng phân tử", từ đó biến đổi tế bào và mô thành xương và sụn.



Ngoài ra, nếu không di chuyển đủ trong bụng mẹ, bé có thể sở hữu một khung xương giòn, dễ vỡ hoặc sự phát triển bất thường ở khớp. Các em bé cần một lớp sụn "mượt mà”, trơn tru để lấp đầy các khớp. Khi đó, bé có thể gập người một cách dễ dàng. Nghĩa là em bé đạp và di chuyển trong bụng mẹ không chỉ đơn thuần giúp bé thấy thoải mái, mà còn đang tạo hình cho cơ thể cho mình.



Cách theo dõi cử động thai



Theo Hiệp hội Mẹ bầu Mỹ, các sản phụ nên bắt đầu cảm nhận được chuyển động của thai nhi trong khoảng tuần thai thứ 16-25. Còn theo Web MD (một trang web uy tín chuyên tư vấn sức khỏe của Mỹ), mẹ bầu có thể yên tâm khi đếm được 10 chuyển động của con cách 2 tiếng một lần.



Cử động thai rất quan trọng. Nếu thai nhi ít đạp mẹ phải làm sao? Trường hợp thai từ 28 tuần trở lên không chuyển động trong suốt 24 giờ hay thai nhi ở tuần thứ 36 có ít hơn 10-12 chuyển động mỗi ngày, mẹ bầu nên đi khám ngay.



Đó là những cử động như tiếng gõ nhịp vào thành bụng lệch hay méo một bên. Mỗi ngày, mẹ đếm số lần cử động thai trong 30 phút vào các buổi sáng, trưa, tối (nếu bận thì ít nhất một lần trong ngày). Lưu ý: Khi thai ngủ thường không cử động. Thời gian ngủ trung bình của thai từ 20 phút-2 giờ. Mẹ nên chọn những lúc mình nghỉ ngơi yên tĩnh để đếm cử động thai được chính xác hơn, tốt nhất là sau các bữa ăn. Nếu:


-Có hơn 4 lần cử động trong 30 phút (ba lần đếm một ngày): thai nhi hoàn toàn khỏe mạnh.



Thai nhi ít đạp có thể đang gặp nguy hiểm cần mẹ bác sĩ can thiệp




-Thai nhi cử động ít hơn 4 lần: mẹ bầu cần đi nằm và đếm lại cử động thai trong 1 giờ (hoặc 2-4 giờ).


-Trong 1 giờ có trên 4 lần cử động: thai nhi khoẻ mạnh.



-Trong 4 giờ có trên 10 cử động thai: tiếp tục đếm 3 lần trong 1 ngày như trước: thai khỏe mạnh.


-Trong 4 giờ có ít hơn 10 cử động thai, các cử động yếu: mẹ cần nhập viện để theo dõi thêm.


Đôi khi, thai nhi đạp mạnh và đạp nhiều hơn thường ngày. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Có thể là thai nhi khó chịu, gặp bất thường về sức khỏe, bị dây rốn quấn cổ… Có thể thai nhi bị kích thích bởi các tác nhân bên ngoài như: mẹ uống nước lạnh, mẹ mở nhạc quá to, có tiếng động lớn, mẹ thay đổi tư thế đột ngột. Hoặc cũng có thể con quẫy đạp liên tục vì đói, muốn nhắc nhở mẹ ăn ngay các món ăn cung cấp dinh dưỡng cấp tốc cho mẹ bầu.


Các cách kích thích thai chòi đạp



Bất cứ khi nào muốn cảm nhận được những chuyển động thai để đảm bảo con đang phát triển an toàn trong bụng, mẹ hãy thử 5 cách dưới đây trước khi đến bệnh viện khám nhé:



-Uống một ly nước mát (có thể là nước lọc mát, nước mía, nước dừa, nước ép sinh tố…).



-Dùng tay ấn nhẹ vào bụng.


-Thay đổi tư thế nằm, ngồi, đứng (nhất là nằm nghiêng về bên trái).


-Mở nhạc cho thai nghe.


-Rọi đèn pin vào bụng.


Trên đây là những kiến thức quan trọng về cử động thai. Mang bầu, bất cứ khi nào mẹ có cảm giác thai nhi ít đạp, đạp yếu hoặc không đạp thì nên chú ý theo dõi bước đầu. Nếu tình hình vẫn không khả quan thì mẹ nên đi khám bác sĩ ngay để biết chính xác tình hình của con, kịp thời can thiệp nếu con đang gặp nguy hiểm.