Nếu không thể có một đứa con thiên tài, bạn vẫn nuôi dạy được một nhân tài nhờ vào những bí quyết đơn giản nhất mà chính bạn cũng không thể ngờ đến.



Nói ra đây chẳng phải khoe nhưng thật sự mình rất tự hào mỗi khi kể về thằng con út của mình. Ngay từ khi còn học mẫu giáo, thằng bé chỉ cần nghe qua một bài thơ đôi ba lần là có thể đọc làu làu. Các con số và tên của từng người trong nhà từ ông bà cố cho đến cháu chắt trong họ, thằng bé nhớ không sót một ai bao gồm cả họ tên. Cho đến khi con lớn và đi học, bao nhiêu thành tích học tập vượt trội trong trường và ở cấp quận đều một tay con rinh về. Điều đó làm cho mình và chồng cảm thấy tràn trề hy vọng về một tương lai sáng lạn của con ở phía trước.



Nhưng thú thật để có được điều đó chẳng phải điều gì từ trên trời rơi xuống mà là cả một chiến lược nuôi dạy xuyên suốt từ trong thai kỳ cho đến những năm đầu đời của con. Các mẹ có thể phản bác khi cho rằng mình vì thành tích nuôi con này nọ mà áp đặt việc giáo dục quá sớm. Nhưng sau khi xem xong những gì mình làm, các mẹ sẽ thấy con thông minh không phải nhờ thực phẩm cao cấp, phương pháp giáo dục tối ưu hay bất kỳ một can thiệp siêu việt nào đấy. Nó chỉ đơn giản thế này:



TRONG THỜI GIAN MANG THAI






Thời gian bầu bì, vì nghén quá nên mình rất hay ủ dột. Gặp ai lúc nào mặt cũng như bánh bao chiều. Thậm chí một số người còn góp ý thẳng mặt luôn! Một hôm, mình gặp được chị bạn, chị chỉ nói với mình thế này:



- Thế mẹ chồng bà không nhắc phải luôn tươi cười khi có bầu à? Nói cho mà biết nhá, cười lên chẳng phải là để con sinh ra tươi như hoa, đẹp như thiên thần mà là cách để con không bị đần đấy bà ơi!



Nghe thấy con đần như chợt sực tỉnh. Thế là về sau chẳng dám nhăn nhó, cau có mà mình cũng giảm hẳn bùng phát cơn điên mỗi lúc tức giận. Sau, đọc cuốn The Better Baby Book, nghe tiến sĩ Lana Asprey nói rằng 50% chỉ số IQ của con là do gen quyết định và phần còn lại do môi trường tạo nên mình càng thêm tin vào điều này. Từ đó về sau, mình dốc tâm nhất định làm được điều gì cho con thì mình sẽ làm:



- Những câu chuyện kể: Mình đã đọc thấy ở đâu đó có nói ngôn ngữ của một người bắt đầu từ trong bụng mẹ, đặc biệt là trong 3 tháng cuối thai kỳ vì đây là lúc bé có thể ghi nhớ tất cả những âm thanh nghe được từ bên ngoài. Sau đó, não bộ của bé sẽ lưu trữ và sử dụng nó làm nguyên liệu cho ngôn ngữ và tư duy của bé về sau. Điều đó, thôi thúc mình và ông xã nói chuyện với con nhiều hơn vào mỗi tối. Thậm chí mình coi con như một người bạn để trò chuyện bất cứ lúc nào và bất cứ chuyện gì.


- Những giờ tập luyện: Một người bạn của mình tiết lộ thông tin rất bất ngờ rằng chính tình yêu của người mẹ và chất endorphin tăng cao trong quá trình tập thể dục là bí quyết để các bà mẹ sinh con thông minh hơn. Thông qua nhau thai, endorphin sẽ kích thích sản sinh ra các hóa chất tốt nhất cho hoạt động hình thành trí não của thai nhi trong vòng 8 tiếng. Ngoài ra, tập thể dục còn làm tăng lưu lượng máu đi khắp cơ thể, trong đó có tử cung và nhờ vậy giúp trẻ phát triển tốt hơn. Thật may vì dù trong thai kỳ chưa biết về những thông tin này nhưng do có thói quen tập luyện thể dục hàng ngày nên biết đâu con mình cũng được hưởng nhờ vì điều này. Các nghiên cứu mới nhất cũng cho thấy tập thể dục trong khi mang thai có thể làm tăng đến 40% các tế bào thần kinh trong vùng hồi hải mã (hippocampus), nơi quy định bộ nhớ và khả năng học tập của thai nhi về sau.


- Những giờ tắm nắng: Trong thời gian mang thai, các mẹ đừng bao giờ xem thường vai trò của Vitamin D nhé! Chỉ cần mỗi ngày 20 phút, mẹ sẽ bù được đến 70% lượng vitamin D bị thiếu hụt trong chế độ ăn uống. Chất này không chỉ giúp bé phát triển xương, tăng cường hoạt động của tim mà còn là nhân tố giúp trẻ tránh được nguy cơ mắc bệnh tự kỷ.



- Những cái vuốt ve: Từ khoảng 20 tuần, con sẽ cảm nhận được những cái vuốt ve bạn chạm vào. Chúng có thể gửi tin nhắn đến hệ thần kinh và làm cho trí não trẻ luôn trong trạng thái tốt nhất. Mới đây, theo như thông tin mình có được, một nghiên cứu cho thấy thai nhi trong bụng thậm chí có thể phân biệt được cái chạm tay là của bố hay của mẹ. Kỳ diệu quá phải không? Bản thân mình cũng không biết điều này nhưng nghiệm lại cũng thấy y chang à!



- Chế độ ăn uống: Vị giác của bé sẽ phát triển từ khoảng 12 tuần. Khi được 25 tuần tuổi, bé sẽ cần khoảng 2 lít nước ối mỗi ngày và phân biệt được hương vị thức ăn mẹ đưa vào. Chính vì vậy, nếu trong thời gian này, mẹ uống nước ép cà rốt thì khi đến lúc cai sữa sẽ không phải vất vả nhiều. Điều này có nghiên cứu chứng minh hẳn hòi đấy các mẹ! Bên cạnh đó, chắc chắn phải có chế độ dinh dưỡng hợp lý với nhiều loại thực phẩm giàu axit béo omega-3, choline, vitamin D và nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu khác.



- Âm nhạc là chìa khóa: Thai nhi rất yêu âm nhạc. Nhờ âm nhạc mà não bộ của bé được sống trong những giây phút hạnh phúc nhất bởi chất serotonin sẽ được sản sinh ra nhiều nhất trong lúc nghe nhạc. Sau khi sinh, em bé của bạn sẽ nhớ và sống lại tình yêu lớn lao dành cho âm nhạc mỗi lần được nghe thấy nó. Và đó chính là chìa khóa cho sự phát triển của trí tuệ.



NĂM ĐẦU ĐỜI



Sau khi con chào đời, mình vẫn rất chú ý đến sự phát triển trí tuệ của con. Vì vậy, ngay từ khi chào đời, mình đã:



Cho con được da kề da với mẹ: Bộ não của trẻ sơ sinh luôn tìm kiếm sự an toàn. Nếu không cảm thấy an toàn, nó không thể học hỏi thêm điều gì mới. Chính vì vậy phương pháp da kề da không chỉ là cách để giúp trẻ khỏe mạnh sau sinh mà còn có thể coi là phương pháp giáo dục sớm mà bất cứ bà mẹ nào cũng có thể làm cho con ngay sau khi sinh. Ngoài ra, bố mẹ đừng bao giờ cãi nhau trước mặt con trẻ vì nó sẽ đe dọa tinh thần của trẻ đấy!






- Massage cho bé: Nếu như trong thai kỳ mẹ phải massage bụng bầu để giúp trẻ tăng cường khả năng kết nối với mẹ thì sau khi chào đời, bé rất cần được vuốt ve để cảm nhận được sự an toàn và yêu thương từ mẹ.


- Nghe mẹ tường thuật mỗi ngày: Càng nghe mẹ nói và trò chuyện nhiều, khả năng học tập ngôn ngữ của trẻ sẽ càng dễ dàng hơn. Mình cũng đã thực hành điều này rất chăm chỉ trong thời gian ở cữ. Thậm chí khi thay tã cho con, phân con ra sao, mình cũng mô tả bằng những từ ngữ đơn giản nhất vì mình cho rằng một khi suy nghĩ phát ra thành tiếng thì chúng đều là những chất liệu làm tăng cường trí tuệ cho con. Các nhà khoa học cũng đồng ý rằng, khi trẻ 3 tuổi nói chuyện nhiều cũng làm tăng chỉ số IQ cao hơn 1,5 lần so với những trẻ biếng nói. Các bé này khi đến tuổi đi học cũng có khả năng tiếp thu ngôn ngữ rất tốt, ít sai chính tả hoặc phạm các lỗi ngữ pháp. Quan trọng nhất là bố mẹ đừng đợi đến khi con bập bẹ mới bắt đầu tập cho bé những từ ngữ đơn giản như “lá cây”, “con mèo”, “chiếc xe đỏ”…



- Biểu cảm gương mặt: Các mẹ có biết trẻ sơ sinh bắt đầu nhận biết nét mặt của cha mẹ khi bé được 3 - 4 tháng tuổi hay không? Cho đến khi bé được khoảng 5 tháng, bé có thể hiểu được cảm xúc trên khuôn mặt của một người mà mình không quen. Cuối cùng, khi đến 7-9 tháng tuổi, bé có thể biết được đa dạng các biểu cảm trên khuôn mặt và nét mặt của những người mình tiếp xúc.



Theo các nhà Tâm lý học và Thần kinh học thuộc trường Đại học Brigham Young ở Provo, Utah thì khả năng đọc nét mặt người khác là nền tảng cơ bản của kỹ năng giao tiếp phi ngôn ngữ mạnh mẽ. Đây chính là năng lực sẽ giúp bé thiết lập các mối quan hệ xã hội lâu dài trong giai đoạn trưởng thành.



- Chỉ ngón tay: Nghiên cứu cho thấy rằng trẻ em học ngôn ngữ nhanh hơn nếu bố hoặc mẹ chỉ ngón tay vào vật mà từ biểu thị. Lúc đầu, bé sẽ nhìn vào mẹ khi mẹ chỉ trỏ. Nhưng khi lớn hơn một chút, bé sẽ nhìn theo ngón tay của mẹ và khi đến 9 tháng tuổi, bé sẽ theo ngón tay chỉ trỏ của mẹ để nhận biết sự vật. Đây chính là lúc mẹ bắt đầu nhận thấy khả năng tập trung của trẻ. Thời gian này, để giúp con phát triển ngôn ngữ, mình thường dành ra mỗi cuối tuần để đưa con đi sở thú, công viên hoặc các điểm vui chơi… để giúp con có thể quan sát được nhiều hơn.



Trên đây là tất cả những gì mình đã từng làm cho con. Đây cũng chính là những thông tin mà bản thân mình đã thu thập được từ rất nhiều nguồn thông tin chính xác do khoa học xác minh. Hiệu quả của chúng đã được chứng minh từ chính con của mình. Mẹ nào muốn áp dụng, có thể tham khảo xem sao nhé!