Nghén ngủ khi mang thai là hiện tượng thai kỳ bình thường, nhưng nếu bà bầu nghén ngủ nhiều có ảnh hưởng đến thai kỳ hay không và làm sao để khắc phục?





Nghén là tình trạng thường xảy ra trong 3 tháng đầu thai kỳ, tùy theo cơ địa của từng người mà mức độ cũng sẽ khác nhau. Thông thường, khi nhắc đến nghén, mọi người sẽ nghĩ ngay đến nghén thức ăn, thức uống. Có mẹ nghén thức ăn bị hành như "chết đi sống lại" hoặc có mẹ lại nghén theo kiểu "ăn cả thế giới", thèm ăn thứ này, thích thứ kia và bất kể giờ giấc. Nhưng thực tế không chỉ có nghén ăn mà còn nhiều kiểu nghén khác trong thai kỳ. Trong đó, nghén ngủ cũng là một trong những biểu hiện của tình trạng nghén trong 3 tháng đầu thai kỳ.



Nghén ngủ khi mang thai là gì?



Nghén ngủ khi mang thai là tình trạng khá phổ biển trong thai kỳ. Thay vì có cảm giác buồn nôn, thèm ăn thì mẹ bầu lại muốn được ngủ nhiều hơn. So với các trường hợp buồn ngủ thông thường, nghén ngủ thường diễn ra mạnh mẽ hơn. Bà bầu có thể buồn ngủ bất cứ thời điểm nào trong ngày như lúc đang ăn, ăn xong, ngồi làm việc, xem tivi,...và giấc ngủ có thể kéo dài 10 - 12 giờ.



Nghén ngủ thường làm mẹ dễ rơi vào trạng thái mệt mỏi và thường xuyên có biểu hiện ngáp ngắn, ngáp dài, ngáp chảy nước mắt và ngủ từ trong ruột ngủ ra. Điều này tưởng chừng rất vô hại nhưng nó có thể gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, làm gián đoạn hiệu quả công việc. Do vậy, mặc dù đây là hiện tượng thai kỳ bình thường nhưng nếu ngủ quá nhiều sẽ không tốt cho sức khỏe của người mẹ và đứa bé.



Tại sao bà bầu lại nghén ngủ?





Hiện tượng nghén ngủ ở người phụ nữ mang thai được lý giải là do sự gia tăng hoocmon thai kỳ có tên là progesterone. Đây là nguyên nhân làm mẹ thường rơi vào trạng thái buồn ngủ, muốn được nghỉ ngơi bằng cách ngủ.



Hoomon progesterone có tác dụng điều tiết chu kỳ sinh sản của người mẹ suốt 9 tháng thai kỳ và sẽ tăng lên trong thời gian mang thai. Progesterone hoạt động mạnh mẽ trong 3 tháng đầu, do vậy, nhiều mẹ sẽ thường bị nghén ngủ nhiều hơn trong giai đoạn tam cá nguyệt đầu tiên. Tuy nhiên, tình trạng nghén ngủ cũng có thể xảy trong suốt thai kỳ.



Hoocmon progesterone không chỉ gây ra cảm giác mệt mỏi, khiến mẹ bầu dễ rơi vào trạng thái muốn được ngủ mà loại hoocmon thai kỳ này cũng là nguyên nhân làm mẹ bầu cảm thấy không ngon giấc vào ban đêm. Do đó, hầu hết mẹ bầu thường nghén ngủ nhiều vào ban ngày.



Nghén ngủ nhiều có tốt không?



Có người cho rằng nghén ngủ là loại nghén đỡ phiền hà nhất trong các loại nghén thai kỳ. Nhưng thực chất, nghén ngủ có mặt lợi là giúp người mẹ có thời gian được nghỉ ngơi, hỗ trợ việc ăn tốt hơn và giúp người mẹ dễ tăng cân. Song, chúng chỉ thật sự tốt nếu bà bầu ngủ vừa phải mà không phải là tình trạng ngủ li bì. Các chuyên gia đã cảnh báo việc ngủ quá nhiều có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với sức khỏe của người mẹ và thai nhi.



- Gây xơ cứng, dễ gãy xương: Người mẹ sẽ phải nằm một chỗ quá lâu nếu ngủ nhiều, dẫn đến thói quen lười vận động gây xơ cứng, dễ gãy xương.



- Suy giảm tinh thần: Bà bầu ngủ quá nhiều, ít vận động dẫn đến cơ thể kém linh hoạt, tinh thần không được minh mẫn, dễ rơi vào trạng thái mệt mỏi.



- Tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ: Thói quen lười vận động là một trong những nguyên nhân làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ. Người mẹ không vận động hoặc vận động ít trong thời gian mang thai có thể gặp khó khăn trong quá trình vượt cản, mẹ sẽ không đủ sức để chịu đựng những cơn đau nếu sinh thường.



- Tăng nguy cơ mắc bệnh huyết tĩnh mạch: Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng nếu người mẹ nằm trong thời gian dài còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh huyết tĩnh mạch. Nặng hơn là gây thuyên tắc phổi khi các khối tĩnh mạch ở chân di chuyển lên phổi. Khi đó, người mẹ sẽ có các biểu hiện như thở dốc, khó thở, tim đập nhanh, môi, đầu ngón tay bị tím tái, ngất xỉu.



Khắc phục tình trạng nghén ngủ cho bà bầu





Thời gian mang thai, người mẹ cần được nghỉ ngơi nhiều hơn để đảm bảo sức khỏe cho thai được phát triển khỏe mạnh. Do vậy, so với những mẹ khó ngủ, mất ngủ thì bà bầu có chứng nghén ngủ sẽ có một lợi thế hơn. Tuy nhiên, không vì vậy mà mẹ bầu ngủ quá nhiều, thay vào đó cần có một chế độ ngủ, nghỉ hợp lý.



- Mẹ nên ngủ đủ giấc, 8 tiếng mỗi ngày.



- Tạo thói quen đi ngủ sớm.



- Dành khoảng 30 phút để ngủ trưa, không nên ngủ quá nhiều vì làm cơ thể sẽ mệt mỏi nhiều hơn và ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ buổi đêm.



- Mẹ bầu nên giữ tinh thần thoải mái nhất, tránh căng thẳng, áp lực.



- Dành khoảng 20 - 30 phút mỗi ngày cho tập luyện như đi bộ, bơi lội hoặc yoga.



- Chế độ dinh dưỡng cũng quyết định đến chất lượng giấc ngủ. Để tránh tình trạng thiếu ngủ hoặc khó ngủ vào ban đêm, mẹ cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng đủ chất, bổ sung vitamin và khoáng chất.



- Nghén ngủ sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng công việc, khiến mẹ khó tập trung. Khi cơn buồn ngủ kéo đến, mẹ nên thử vận động, đi lại nhẹ nhàng hoặc uống một ly nước để lấy lại tinh thần.



Tóm lại hiện tượng nghén ngủ khi mang thai không gây hại nhiều cho bà bầu, trái lại điều này còn có lợi cho người mẹ vì được ngủ, nghỉ nhiều hơn. Tuy nhiên, để có một thai kỳ khỏe mạnh, mẹ nên biết cân bằng và điều chỉnh giấc ngủ một cách hợp lý nhất nhé!