Em đi khám sức khỏe tổng quát, bác sĩ cho biết em bị phình tuyến giáp 1mm và dặn đi dặn lại, khi nào có kế hoạch sinh em bé thì phải đi kiểm tra lại nha. Vì bệnh này nguy hiểm, phụ nữ mang thai nếu mắc phải sẽ sinh ra những em bé đần độn?!?!



Sau đó em bị vỡ kế hoạch. Em mặc dù nhớ lời dặn của bác sĩ, nhưng thấy mình có thai mà sức khỏe vẫn bình thường nên chủ quan nghĩ không sao, không khai bệnh với bác sĩ khám thai lẫn đi khám kiểm tra lại.



Khi thai được 4 tháng, em đi khám thai theo định kỳ. Trong lúc ngồi chờ khám thai em có trò chuyện qua lại với chị cũng chờ khám như em. Em than đã qua cơn nghén, em dù ăn uống bình thường, thậm chí ăn rất nhiều nhưng không tăng cân, người hay mệt, tay chân đôi khi bị run rẩy dù em chẳng làm gì nặng nhọc cả. Chỉ bảo chị có người bà con khi có thai cũng bị như em, đi khám bác sĩ bảo là bị cường năng tuyến giáp.



Ôi trời, bệnh này nguy hiểm vậy, em cứ nghĩ nó là bướu cổ, nếu không thấy bướu to lên thì bình thường chứ. Em lên khám thai và trình bày với bác sĩ các triệu chứng của em. Bác nghe xong và yêu cầu em đến khoa nội tiết khám ngay và luôn.



Ở phòng khám, bác sĩ chuyên khoa nội tiết sau khi cho em thực hiện xét nghiệm máu đã kết luận 100% em bị cường năng tuyến giáp. Sau 10 giây đứng hình khi biết kết quả, em đã định thần lại và hỏi bác cặn kẽ về bệnh này để giảm thiểu những rủi ro cho thai kỳ (lúc này mà khóc cũng chẳng ích lợi gì, vì cũng đã mắc bệnh rồi). Dưới đây là phần hỏi – đáp của em với bác sĩ (em có search GG bổ sung thêm) về bệnh tuyến giáp, mẹ nào quan tâm thì xem nhé!





Dạ, bác sĩ có thể giải thích cho em rõ hơn về bệnh này không ạ?



Bệnh tuyến giáp khá phổ biến, hay xảy ra với phụ nữ độ tuổi sinh sản. Bệnh nếu không phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây những biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ lẫn con. Bệnh có 2 loại: thiểu năng tuyến giáp và cường năng tuyến giáp, biểu hiện là:



+ Bệnh thiểu năng tuyến giáp: Biểu hiện của bệnh là không chịu được lạnh, dễ mệt mỏi, da khô, tăng cân; phù ở vùng quanh hố mắt



+ Bệnh cường năng tuyến giáp: Có nhiều biểu hiện giống thai nghén bình thường; không chịu được nóng, da ấm, không tăng cân tuy vẫn ăn uống bình thường, thậm chí ăn nhiều hơn khi có thai; tăng nhịp tim cả khi nghỉ, tay bị run rẩy, lo âu, mắt lồi.



Những biến chứng có thể xảy ra khi mang thai và sinh nở nếu mẹ mắc bệnh tuyến giáp?



Nguyên nhân bệnh tuyến giáp phát triển mạnh trong thai kỳ có thể do lượng i-ốt cung cấp cho cơ thể không đủ, nhất là trong vòng 13 tuần đầu của thai kỳ. Vì lúc này thai nhi chưa có tuyến giáp nên phải phụ thuộc hoàn toàn vào lượng hocmone tuyến giáp mẹ cung cấp qua nhau thai. Đặc biệt, giai đoạn 13 tuần đầu là thời kỳ hình thành và phân chia các cơ quan trong cơ thể thai nhi, do đó nếu thiếu hóc-môn tuyến giáp sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm trong thai kỳ như: đẻ non, sinh con thiếu cân hoặc mắc bệnh tăng huyết áp, dẫn đến nhiễm độc thai nghén, sẩy thai, tiền sản giật, thai chết, thai kém phát triển… Do đó những người mắc bệnh cường tuyến giáp cần được bác sĩ chuyên khoa nội tiết và sản khoa theo dõi chặt chẽ vì có thể gặp biến chứng nguy hiểm trong quá trình mang thai và sinh nở.



Những người nào dễ mắc bệnh này nhất?



Những thai phụ có nguy cơ cao mắc bệnh tuyến giáp bao gồm: người đã được chẩn đoán bệnh tuyến giáp từ trước; người có bố mẹ, anh chị em bị bệnh tuyến giáp; người bị tiểu đường; người có tiền sử sảy thai, đẻ non, thai chết lưu…; người đã mắc bệnh tuyến giáp trong lần mang thai trước…



Việc chữa trị bệnh tuyến giáp?



Nếu phát hiện bệnh sớm việc chữa trị sẽ đơn giản hơn, khả năng phục hồi sẽ cao hơn. Với những trường hợp nghi ngờ sẽ được kiểm tra thường xuyên để có kết quả chính xác. Thông thường việc điều trị cho các bệnh về tuyến giáp như sau:



+ Điều trị bệnh thiểu năng tuyến giáp: Dùng thyroxin trong suốt thời kỳ mang thai. Tương ứng với tuổi thai sẽ có liều lượng phù hợp vì thai càng lớn, nhu cầu nội tiết cũng tăng lên.



+ Điều trị cường năng tuyến giáp: Dùng thuốc kháng giáp tổng hợp propylthriouracil (PTU) liều lượng điều chỉnh theo diễn biến lâm sàng và lượng thyroxin trong máu. Propylthriouracil ít khả năng đi qua bánh rau và sữa mẹ, có thể coi là thuốc thích hợp nhất. Tuy vậy thuốc này có tác dụng phụ là làm cho việc tiết hoóc môn kích thích tuyến giáp của thai nhi bị ức chế, trẻ sinh ra có thể mắc bệnh bướu giáp tạm thời hoặc suy tuyến giáp.



Lưu ý: Ngoài việc điều trị bằng thuốc khá an toàn, thuốc cũng không quá đắt, các mẹ cần bổ sung i-ốt trong các bữa ăn hàng ngày.



Lúc rời phòng khám em mới hiểu vì sao bác sĩ khám tổng quát cho em hôm đó cứ dặn đi dặn lại em phải đi kiểm tra tuyến giáp lại trước khi có con, là vậy.



Khi phát hiện bệnh, lịch khám thai của em + khám bên bác sĩ nội tiết cứ dày như lịch công tác vậy, và mặc dù đã được 2 bác sĩ theo dõi sát sao nhưng chắc em là ngoại lệ hay sao đó, bệnh cứ diễn tiến không kiểm soát và em sinh non ở tuần 29.



Hiện tại em đã xuất viện về nhà rồi còn con em vẫn đang còn nằm viện đấy các mẹ ạ, cứ nghĩ đến con nhỏ bé lọt thỏm giữa chằng chịt dây nhợ mà lòng em đau nhói. Mặc dù bác sĩ thông báo tình hình của con có tiến triển tốt mà sao em vẫn còn lo lắm các mẹ. Em cứ bị ám ảnh như lúc khám tuyến giáp, mặc dù bác sĩ cứ bảo tình trạng bệnh của em ổn cuối cùng lại sinh con ở tuần 29 đấy!



Con nằm viện, em ở nhà không biết làm gì nên lên đây chia sẻ chuyện của em với các mẹ, các mẹ lưu ý với bệnh tuyến giáp trong thai kỳ nhé!


Xem thêm các bài viết khác