Mình sinh năm 1979, chồng mình sinh năm 1976, hiện đang ở Tp.HCM. Chúng mình kết hôn năm 2010. Sau khi kết hôn do chúng mình đã lớn tuổi nên quyết định có con ngay sau cưới. Thế nhưng, chuyện có con của vợ chồng mình thật cũng lắm gian nan.



Sau khi cưới, chúng mình để có bầu tự nhiên vậy nhưng thả suốt 6 tháng trời ròng rã vẫn chưa có gì. Vợ chồng mình định đi khám bác sĩ mấy lần, nhưng nhiều người đã có con bảo, chưa vội vì có rất nhiều người sau 1 năm thả mới dính bầu. Do vậy vợ chồng mình cũng yên tâm và tiếp tục bận rộn với công việc, tích lũy tài chính nuôi con sau này.



Sau 1 năm, bầu vẫn chưa dính nên hai vợ chồng dắt díu nhau đi khám. Trời ơi, sự thật thật quá khủng khiếp. Giờ ngồi nghĩ lại mình thấy mình quá chủ quan, không chịu đi khám sức khỏe tiền hôn nhân đã đành, lại không chịu lắng nghe cơ thể mình, cứ đi nghe lời người khác lần lữa không đi khám nên thành ra hiếm muộn kéo dài.



Ở phòng khám, sau khi cầm kết quả của 2 vợ chồng, bác sĩ bảo trứng của mình không được tốt, tỉ lệ lép nhiều hơn là bình thường. Còn chồng mình thì tinh trùng ít. Điều này đồng nghĩa với việc cơ hội có con của hai vợ chồng ít hơn những người khác rất nhiều, rất nhiều. Nghe mà thần hồn nát thần tính, gánh nặng con cái đè nặng lên vai khi cách đây mấy tháng, người em chồng đã bị tai nạn giao thông và qua đời. Nhà chồng mình chỉ có 2 anh em thôi!



Về nhà mình khóc như mưa còn chồng mình lặng yên không nói gì, chắc lòng anh cũng đang rối bời. Nhưng anh bình tĩnh hơn mình và còn an ủi mình nữa. Trường hợp của vợ chồng mình bác sĩ khuyên nên làm thụ tinh trong ống nghiệm. Bác sĩ nói là khó có cơ hội chứ không phải mất cơ hội nên còn nước thì còn tát. Giờ tạm thời cả hai sẽ thu xếp công việc lại và cùng lên kế hoạch chữa hiếm muộn tìm con.



Dần lấy lại tinh thần, mình bắt đầu nấu cho chồng những món ăn tốt và tăng cường chất lượng tinh trùng, về phần mình cũng tìm tòi cách “chăm sóc” trứng để chuẩn bị cho việc thụ tinh.



Nhưng bọn mình đã thất bại ở lần thụ tinh thứ nhất, đi tong một phần tư số tiền cả hai tích cóp cho việc nuôi con. Lần thứ 2 bọn mình lại thất bại tiếp, đi tong tiếp một khoảng tích cóp nữa. Chao ôi là nản, cuộc đời cứ xám đen như tro.



Đúng lúc đó mẹ chồng lại bị tai nạn, nên vợ chồng mình đành dùng số tiền cho lần thụ tinh lần thứ 3 chạy chữa cho mẹ chồng. Vậy là coi như xong, chuyện con cái đành khép lại, hết hi vọng. Chồng mình nghĩ đến phương án xin con nuôi sau vài năm nữa. Thấy mình ngần ngại nhưng chồng bảo, con gì cũng được miễn mình thương nó, nó thương mình là được. Đừng quá quan trọng chuyện đó, và anh sẽ tìm cơ hội nói chuyện với gia đình mình.



Sau 1 năm bỏ lỡ việc sinh con. Gần 1 năm nữa trôi qua khi việc thụ tinh không thành công. Mình đồng ý với quyết định xin con nuôi của chồng. Ngày bọn mình hoàn tất thủ tục xin con cũng là lúc mình phát hiện có thai, đành gác việc xin con lại. Ngay khi đó, anh kêu mình xin nghỉ làm một năm chỉ để ở nhà toàn tâm toàn ý cho chuyện sinh nở, con cái. Đợi khi con ra đời khỏe mạnh, lành lặn rồi mới tính chuyện công việc. Bởi với bọn mình con cái mới là quan trọng nhất còn những chuyện còn lại chỉ là thứ yếu thôi.



Tưởng vậy là sau 3 năm sống trong lo lắng, sợ hãi hạnh phúc đã mỉm cười với vợ chồng mình. Nhưng chưa hết, lúc thai được 12 tuần mình đi đo độ mờ da gáy (tầm soát bệnh down) thì lại nghe tin sét đánh. Đứa con mà vợ chồng mình hết mực yêu thương và mong ngóng lại có nguy cơ bệnh down do vợ chồng mình đều lớn tuổi.



Mình nói một chút về việc độ mờ da gáy:



- Độ mờ da gáy của thai nhi là sự kết tụ của chất dịch dưới da ở vùng gáy của thai nhi. Nó có thể được đo độ dày bằng máy siêu âm khi thai nhi khoảng 11 tuần đến gần 14 tuần. Tất cả thai nhi ở độ tuổi nói trên đều có kết tụ chất dịch ở vùng gáy nhưng ở thai nhi bị hội chứng Down thì số lượng chất dịch này tăng lên đáng kể.



- Siêu âm độ mờ da gáy phải được thực hiện từ tuần thứ 11 đến tuần thứ 14 của thai kỳ. Trước 11 tuần, siêu âm rất khó khăn vì thai nhi còn nhỏ. Còn sau 14 tuần thì các chất dịch này đã được hấp thụ bởi hệ thống bạch huyết của thai nhi nên nó không còn phản ánh chính xác nữa.



- Độ dày của da gáy bình thường khoảng 2mm lúc thai được 11 tuần và lên đến khoảng 2,9mm lúc thai được gần 14 tuần. Độ mờ da gáy có giá trị để tầm soát hội chứng Down khi nó > 4mm



- Độ mờ da gáy càng dày thì nguy cơ hội chứng Down càng tăng. Cần nhớ rằng, dấu hiệu này chỉ xuất hiện trong một giai đoạn từ 11 tuần đến gần 14 tuần. Sau 14 tuần, da gáy sẽ trở về bình thường và điều này không có nghĩa là thai nhi bình thường.



Sau khi nhận tin xấu đó, 2 vợ chồng lại dắt díu nhau đi làm đủ các loại xét nghiệm với hy vọng là bác sĩ nhầm lẫm ở đâu đó. Nhưng kết quả khi làm triple test ở tuần 20 cho thấy con mình mắc bệnh down rõ mười mươi, con bị thiểu sản xương mũi, xương cánh tay ngắn, bị tim bẩm sinh, thai chậm tăng trưởng... và bác sĩ khuyên bỏ đi vì nếu sinh bé ra vừa tội cho bé, vừa là gánh nặng cho ba mẹ, cho xã hội.



Một lần nữa vợ chồng mình lại rơi vào khủng hoảng tinh thần trầm trọng, mình có cảm giác thượng đế hình như đang trêu ngươi vợ chồng mình thì phải. Về nhà, bọn mình suy nghĩ và trao đổi rất nhiều với nhau về việc giữ hay bỏ con. Cuối cùng cả hai quyết định giữ con lại và sinh ra. Vợ chồng mình quyết định rồi, dù con có thế nào, tương lai của con có thế nào và tương lai của cả hai có thể nào đi nữa thì vợ chồng mình vẫn chấp nhận và hạnh phúc đón con đến bên mình.



Dù vậy, ngày lên bàn sinh, mình cũng hy vọng ghê lắm là con sẽ được sinh ra với thể xác và trí não lành lặn. Mình vẫn luôn chờ đợi một phép màu, nhưng phép màu đã không đến với vợ chồng mình. Con đúng như bác sĩ chẩn đoán, mắc bệnh down.




Ảnh mang tính chất minh họa




Đến nay, con mình đã được 3 tuổi rồi. Và vợ chồng mình vẫn không hề hối hận về quyết định giữ con lại. Con rất đáng yêu. Tuy vậy, trong quá trình chăm sóc con vợ chồng mình cũng gặp một số khó khăn, nhất là lúc mới sinh cho con uống sữa cực ơi là cực vì con không có phản xạ mút sữa mẹ, cộng thêm chứng trào ngược dạ dày do thực quản bị hẹp rồi tim bẩm sinh, đủ cả. Nhưng cả hai động viên nhau từng bước vượt qua.



Mình chia sẻ một số kinh nghiệm về cách chăm con bị down, nhưng khi vọng sẽ không ai có cơ hội áp dụng.



Chấp nhận thực tế: Nuôi một đứa trẻ bình thường đã khó, nhưng nuôi một đứa trẻ bị mắc bệnh down còn khó gấp 10 lần. Nhưng ba mẹ nên chấp nhận thực tế đó, gạt bỏ những suy nghĩ tiêu cực và tìm cách giúp con phát triển những phần khiếm khuyết.



Giúp con như thế nào? Hãy giúp con bằng các luôn yêu thương và quan tâm chăm sóc con, cho con cuộc sống tinh thần tốt nhất. Bởi đây là cách duy nhất để giúp con hòa nhập với cuộc sống, cộng đồng.



Ngoài ra, để con có thể phát triển các kỹ năng, ba mẹ nên tạo điều kiện để con chơi chung, học chung với những đứa trẻ bình thường khác cũng như các hoạt động của gia đình. Bên cạnh đó, cần cho trẻ sớm tham gia các chương trình như vật lý trị liệu, trị liệu ngôn ngữ…



Kiên trì với con trong mọi hoàn cảnh: Sự phát triển của con có thể chậm. Trẻ mắc bệnh down có thể không biết nói hoặc 3, 4 tuổi mới biết nói cũng như phát triển các kỹ năng khác nên ba mẹ cần kiên nhẫn dạy dỗ trẻ.


Cuối cùng nuôi dạy một đứa trẻ bị bệnh down qủa thật không dễ dàng gì, điều này đòi hỏi nhiều thời gian, nỗ lực, sự tận tụy hết lòng cũng như tính nhẫn nại và sự kỳ vọng đúng mức của người mẹ, nhưng bù lại các mẹ cũng sẽ có được rất nhiều niềm vui. Như bé con của vợ chồng mình giờ đây đã biết nói và biết bày tỏ tình yêu thương mẹ. Có hôm đi làm về, mình mệt mỏi nên ngồi thừ trên phòng, con đã đến bên mình, ôm lấy mình và thỏ thẻ: “Mẹ ơi mẹ đừng buồn nữa, không sao đâu”.