Chuyện của em khi sinh đứa con đầu đó các mẹ, và em chắc rằng 99% các bà bầu đều mắc phải căn bệnh chỉ cần nghe tên thôi là đã thấy hãi hùng này – táo bón.



Bình thường em không bị, nhưng không biết khi mang thai cơ thể thay đổi hay nóng trong người sao á, em bị táo bón thường xuyên luôn, nhất là khi bước vào giai đoạn bầu bí thứ 2 – táo bón nặng khiến em bị sinh non vào tháng thứ 8.


Hẳn nhiều mẹ sẽ thắc mắc táo bón thì liên quan gì đến sinh non mà mẹ nó nói thế? Em xin khẳng định là táo bón rất liên quan, rất nguy hiểm và rất đáng sợ với các bà bầu ạ, mà em là 1 ca điển hình.


Trước khi em kể chuyện của em, xin nói nhỏ các mẹ nghe những tác hại rất lớn của táo bón đối với thai kỳ nha:


- Khiến thai nhi nhiễm độc: Bị táo bón thường xuyên, chất độc hại thích tụ trong ruột già không thải ra được sẽ hấp thu trở lại vào cơ thể mẹ, truyền sang thai nhi dễ khiến thai nhi còi xương, chậm phát triển và nặng hơn là nhiễm độc.


- Khiến mẹ khó chịu, mệt mỏi tinh thần: Chắc hẳn hầu hết các mẹ ai cũng đã bị mắc táo bón ít nhất 1 lần trong đời. Táo bón sẽ khiến bụng mẹ lúc nào cũng luôn trong tình trạng căng đầy, chướng khiến cơ thể rất mệt mỏi, khó chịu làm ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi vì không được mẹ cung cấp đủ dưỡng chất.


- Táo bón nếu không chữa trị sẽ dễ dàng dẫn đến bệnh trĩ. Mà bà bầu là dễ mắc táo bón nhất vì hệ tiêu hóa trong thời kỳ mang thai có những thay đổi làm chức năng co bóp của ruột bị chậm lại gây cản trở việc đẩy cặn bã ra ngoài. Chưa kể, bào thai ngày càng lớn chèn ép lên trực tràng, mẹ thiếu vận động, ăn thức ăn không đủ chất sơ dễ gây ra táo bón.


- Khiến mẹ rặn nhiều khi đi vệ sinh: Đây, vụ này em mắc phải và thay vì “ị” chất thải ra ngoài em lại “ị” non thằng cu con.


Bầu bì khó chịu, mệt mỏi nên em rất lười ăn, lười uống. Lười ăn lười uống thì thôi chớ, em còn ghét ăn rau xanh, trái cây nên khiến tình trạng táo bón càng trầm trọng hơn. Các mẹ tin không, có khi cả tuần em chẳng đi ngoài luôn đó. Vì em sợ cái cảnh rồi rặn đến đỏ mặt, hậu môn rướm máu đau rát đến mấy ngày. Và để không phải đi vệ sinh nhiều nên em hạn chế ăn uống luôn. Đó là lý do con em vừa bị nhẹ cân có 1,9kg thôi, vừa sinh non.


Em bị táo bón từ lúc bước vào tháng thứ 4 của thai kỳ, đặc biệt từ khi bắt đầu uống viên sắt và canxi bổ sung nhưng lúc này tình trạng nhẹ thôi, khoảng nửa tháng em mới bị một lần. Nhưng bước vào tháng thứ 6 tình trạng nặng hơn vì lúc này thai càng ngày càng lớn gây chèn ép trực tràng nên việc đào thải chất cặn bã khó hơn.


Bị bón, mỗi lần đi vệ sinh là em rặn ghê lắm, phải đỏ mặt và gồng mình lên rặn tưởng như đang rặn con ra ngoài vậy, phân ra vừa cứng, vừa khô như đá. Mỗi lần như thế là tử cung em lại gò lên, căng cứng và bé con trong bụng cứ đạp liên hồi. Mới đầu em còn sợ, nhưng sau thấy quen dần cộng với việc đi khám thai thường xuyên, lần nào bác sĩ cũng bảo ổn nên em cũng chủ quan và sống chung với táo bón.


Khi bầu bước sang tháng thứ 8, em bón kỷ lục tới 8 ngày, không đi được nên nhờ chồng mua bơm hậu môn về sử dụng vì bụng căng trướng vừa khó chịu, vừa ăn uống mất ngon. Vừa bơm xong, em lên cơn buồn “ị” nhưng ngồi vào bồn mà ị mãi không được, bụng lại căng cứng và khó chịu dữ dội vậy là em buộc phải dùng hết sức để rặn. Khổ, càng rặn tử cung càng co bóp mạnh và dữ dội, chưa bao giờ em rơi vào tình trạng hãi hùng như thế cả.


Đến khi phân ra ngoài được, hậu môn em cũng tóe máu. Rửa ráy, vệ sinh xong tưởng đâu yên chuyện rồi, nhưng không tử cung em bắt đầu lên cơn gò lên dữ dội cả tiếng chưa dứt. Sợ hãi, em gọi ngay cho bác sĩ sản khoa và được bác yêu cầu đến bệnh viện gấp. Kết quả, em sinh non vì rặn… quá sức. Một ca sinh con hết sức lãng xẹt và buồn cười phải không các mẹ?


Tỉnh dậy ở phòng sinh, bác sĩ đến thăm mắng em quá trời luôn vì để tình trạng táo bón diễn ra nghiêm trọng vậy, nhưng cũng may là không bị nhiễm độc thai nghén và mẹ con đều bình yên. Bác nói táo bón là tình trạng chung của ccác mẹ bầu, và hầu hết đều diễn khi khi bà bầu bắt đầu uống viên sắt và canxi. Rồi dặn dò em cách ăn uống sau sinh để tránh táo bón (mà bà bầu cũng nên áp dụng để tránh táo bón thai kỳ) như sau:


Uống nước: Buổi sáng sớm khi ngủ dậy nên uống 1 ly nước ấm sẽ kích thích hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn, nhuận tràng hơn. Cả ngày: Uống 1 ngày ít nhất 3 lít nước.


Ăn uống: Ăn nhiều rau xanh, trái cây như đu đủ chín, khoai lang, cà rốt, bí đỏ. Hạn chế ăn đồ chiên xào, nhiều dầu mỡ, ăn quá khô khan


Vận động: Không nên nằm ngồi 1 chỗ quá nhiều, cần vận động thường xuyên để tăng nhu động ruột. Một trong những nguyên nhân khiến táo bón nặng hơn là mẹ lười vận động đấy ạ.


Em ghi lại đây để chia sẻ cùng các mẹ và lưu ý cho lần sinh con thứ 2 của em. Hy vọng những chia sẻ của em sẽ hữu ích cho các mẹ. Vì mang thai lần đầu nên cái gì cũng không biết và bỡ ngỡ, hi vọng lần 2 sẽ tốt hơn vì nhiều kinh nghiệm rồi :)


Xem thêm các bài khác