Sinh mổ, không chỉ chịu thiệt thòi, đau đớn, mất nhiều thời gian để hồi phục, mà mẹ còn cần phải kiêng cữ nhiều thứ.


Để rút ngắn thời gian hồi phục cũng như không làm nhiễm trùng vết mổ đẻ, mẹ cần tuyệt đối kiêng cữ 7 điều dưới đây.



1/ Ăn quá no



Trước khi bước vào cuộc đại phẫu để đón em bé chào đời, mẹ không được ăn uống để ngừa tình trạng thức ăn trong dạ dày trào ngược vào phổi do hít phải. Chính vì nhịn quá lâu, lại thêm mất sức sau ca mổ, nhiều mẹ sẽ cảm thấy đói vô cùng, chỉ muốn ăn thật no. Tuy nhiên, mẹ nên nhớ, trong quá trình đẻ mổ, bác sĩ đã tác động đến thành ruột, dạ dày khiến dạ dày bị ức chế, ruột yếu đi. Nếu mẹ ăn quá nhiều, thức ăn sẽ tích tụ trong dạ dày và ruột. Khi các cơ quan này còn yếu không tiêu hóa được, dễ dẫn đến bị táo bón, đầy hơi, không có lợi cho quá trình hồi phục. Sau sinh mẹ nên nghỉ ngơi khoảng 6 giờ rồi có thể ăn cháo loãng, xúp, sau 2-3 ngày, khi hệ tiêu hóa đã hoạt động trở lại, mẹ có thể ăn cơm.


2/ Nằm nhiều



Theo quan niệm xưa, nhiều bà nhiều mẹ cho rằng, phụ nữ sau sinh thì không nên đi lại hay hoạt động nhiều mà nên nằm im một chỗ. Mẹ sau sinh mổ nên kiêng nằm nhiều mà cần tăng cường vận động thể chất để giúp máu huyết lưu thông, nhanh chóng hồi phục. Mẹ đẻ mổ nằm quá nhiều có thể khiến tâm trạng không thoải mái, dễ chóng mặt, choáng váng, máu huyết lưu thông kém và dễ có nguy cơ thuyên tắc phổi.



3/ Kiêng tắm



Nhiều mẹ sau sinh vẫn giữ quan niệm sinh đẻ là phải kiêng tắm rửa. Việc kiêng tắm rửa khiến mẹ luôn trong tình trạng nóng nực bực bội, bức bối khó chịu, dễ đẫn đến stress, căng thẳng, trầm cảm. Việc mẹ kiêng tắm rửa cũng dễ làm nhiễm trùng vết thương và làm ảnh hưởng đến em bé, khiến bé có thể nhiễm khuẩn khi bú sữa mẹ, do cơ thể mẹ không được vệ sinh sạch sẽ.


4/ Tập luyện



Vì lo sợ rằng vóc dáng của mình sẽ ngày càng xồ xề xấu xí sau sinh, nhiều mẹ vừa sinh con vài ngày đã vội vàng tìm cách tập luyện để giảm cân. Khi mẹ gắng sức tập luyện có thể làm ảnh hưởng đến vết mổ đẻ. Tập luyện quá sớm sau sinh mổ cũng khiến mẹ dễ bị choáng váng, ngất xỉu, mệt mỏi. Mẹ nên chờ cho đến khi vết thương lành hẳn rồi hãy quyết định có tập luyện hay không.


5/ Xách vật nặng



Một số mẹ sau sinh mổ chưa lâu đã làm việc nặng, xách vật nặng mà không lường trước rằng điều này có thể làm ảnh hưởng đến vết thương mổ đẻ, làm bục vết thương, nhiễm trùng vết thương. Sau sinh mổ cơ thể mẹ còn yếu ớt, việc phải gắng sức mang vác quá nặng cũng khiến mẹ mệt mỏi, choáng váng, chóng mặt, ngất xỉu.



6/ Ăn mặn



Cho đến nay vẫn còn một số người tin rằng, bà đẻ, dù là đẻ thường hay đẻ mổ cũng cần ăn mặn, ăn thức ăn khô và nhiều muối. Sau sinh mổ, cơ thể mất nhiều sức lực, năng lượng, thay vì ăn uống kiêng khem, mẹ nên ăn đa dạng thực phẩm, đặc biệt là những thực phẩm lợi sữa lại giúp tử cung co hồi tốt, cho mẹ nhanh chóng hồi phục, cơ thể trở lại trạng thái ban đầu.


7/ Quan hệ tình dục



Thời điểm để mẹ co thể phục hồi sau sinh ít nhất là 42 ngày, đó là với những mẹ sinh thường, còn với các mẹ sinh mổ phải rạch tan hoang từng lớp da thịt, mẹ sẽ mất nhiều thời gian hơn để cơ thể trở lại trạng thái ban đầu. Nếu mẹ quan hệ vợ chồng trở lại trong thời gian ngắn sau sinh, có thể làm ảnh hưởng đến vết mổ, khiến quá trình hồi phục của mẹ trở nên khó khăn và lâu hơn. Tốt hơn hết mẹ nên chờ cho đến khi thấy mình đã hoàn toàn sẵn sàng và vết thương mổ đẻ đã lành.