Group mình có con của bố mẹ nào chậm nói không ạ? Các mẹ có tìm hiểu làm gì khi trẻ chậm nói không? Em có vài thông tin hay ho cho các bố mẹ đây ạ!

Con em 18 tháng tuổi mà chỉ nói được những từ đơn và thường xuyên dùng tay để biểu đạt ý muốn. Trong khi bé nhà hàng xóm hơn con em chỉ có 1 tháng tuổi mà rất lanh, nói cũng dài và rõ chữ lắm. Sợ con có vấn đề gì nên em bồng con đi bác sĩ, mong bác tư vấn xem làm gì khi trẻ chậm nói. May mà sau khi kiểm tra các kiểu thì bác bảo con em phát triển bình thường, tuy nhiên vợ chồng em cần dành nhiều thời gian để dạy con tập nói. Đừng để con chậm nói hơn so với các bạn khác vì như thế con sẽ thiệt thòi về mặt phát triển tư duy, sau này đi học khả năng tiếp thu cũng không tốt bằng các bạn. Xong bác sĩ còn tận tình chỉ các dấu hiệu trẻ chậm nói và cách giúp trẻ nói ngày một điêu luyện hơn, em chia sẻ ra đây cho các mẹ tham khảo luôn nhé!

Những dấu hiệu giúp bố mẹ dễ dàng nhận biết trẻ chậm nói

hình ảnh

Bác sĩ bảo 12-48 tháng tuổi là giai đoạn trẻ phát triển ngôn ngữ nhanh nhất. Vì thế, nếu thấy trẻ có những dấu hiệu sau bố mẹ nên cho bé đi khám và nhờ bác sĩ chẩn đoán, tư vấn cụ thể.

Khi trẻ 12-24 tháng tuổi: Thông thường, các bé sẽ bập bẹ nói ngay từ 8-9 tháng tuổi, một số bé sẽ biết nói sớm hoặc muộn hơn giai đoạn này. Thế nên, từ 12-24 tháng tuổi, nếu bố mẹ thấy bé không cười, không biết vẫy tay chào, không biết bắt chước âm thanh, không phản ứng lại khi ai đó gọi tên, không nói được những từ đơn như ba-ba, ma-ma… thì rất có thể bé đang bị chậm nói đó ạ!

Khi trẻ 24-48 tháng tuổi: Bố mẹ cần đặc biệt chú ý nếu trẻ 24-48 tháng tuổi có những dấu hiệu như: Bé không biết nói những câu có 6 từ; Chỉ biết dùng tay để chỉ và không tự mình giao tiếp với bố mẹ; Bé chỉ biết bắt chước âm thanh và không có khả năng ghi nhớ từ mới; Không hiểu và thực hiện đúng những yêu cầu đơn giản của bố mẹ…

Dấu hiệu nhận biết trẻ chậm nói và cách khắc phục

Sau khi nghe bác sĩ tư vấn về những dấu hiệu nhận biết, em có hỏi luôn rằng làm gì khi trẻ chậm nói thì được bác khuyên như thế này đây ạ!

- Khi trẻ còn nhỏ, bố mẹ nên dành thời gian để kể chuyện, hát ru, cũng như lắng nghe và đáp lại những tiếng ê a đầu đời của trẻ. Cách này không những giúp bé nhanh học nói hơn, mà còn phát triển và hoàn thiện tư duy, trí não.

- Khi trẻ tròn 6 tháng tuổi, bố mẹ có thể dạy con tập nói bằng những cách sau: Kể chuyện cho con nghe; Cùng con xem truyện tranh và dạy con cách gọi tên các loài hoa, chim, thú có trong truyện; Hát đi hát lại những bài hát thiếu nhi có vần điệu để bé ghi nhớ và hát theo; Dạy con hiểu lời nói và biết bày tỏ cảm xúc bằng cách khuyến khích con vẫy tay, khoanh tay, ôm hôn bố mẹ…

- Bố mẹ cũng nên cho bé ra ngoài nhiều hơn để bé có cơ hội được gặp gỡ, tương tác với nhiều người nhé. Một số địa điểm bố mẹ có thể đưa bé đi chơi như khuôn viên chung cư, công viên, sở thú, siêu thị, trung tâm thương mại…

- Đừng quên dành lời khen ngợi hoặc tặng bé một phần thưởng nho nhỏ mỗi khi bé nói đúng. Cách này sẽ giúp bé trở nên tự tin và mạnh dạn hơn đó ạ!

Mong là qua chia sẻ trên của em, các mẹ đã biết làm gì khi trẻ chậm nói rồi nhé! Đặc biệt, nếu thấy trẻ 2-3 tuổi có dấu hiệu chậm nói, bố mẹ cần đưa bé đến các bác sĩ chuyên môn để bé được khám và có hướng điều trị kịp thời. Tuyệt đối đừng chủ quan, vì càng lớn chứng chậm nói của trẻ càng khó điều trị và thời gian điều trị cũng lâu hơn.