Ba mẹ li hôn vẫn ở chung và che giấu sự thật với con là cách làm trẻ tổn thương nặng nề nhất.

Sống trong gia đình có ba mẹ li hôn là nỗi bất hạnh lớn mà đứa trẻ phải chịu đựng, vậy nên ba mẹ cư xử văn minh sẽ hạn chế xảy ra những bi kịch tương tự như câu chuyện dưới đây.

3 nguyên do cha mẹ tử tế vẫn có ngày đau lòng vì những đứa con hư hỏng

Na là bạn thân của con tôi từ năm lớp 6 đến nay, tính ra cũng 3 năm. Cô bé xinh xắn và học giỏi. Cháu không chỉ lễ phép mà còn rất ý tứ. Khi đến nhà tôi chơi, những hôm tôi kêu ở lại dùng cơm chung với gia đình, cháu đều nán lại rửa chén mặc dù tôi bảo cháu không cần làm thế, tôi làm được rồi. Ở thời đại này, những đứa trẻ biết cư xử như thế là hiếm. Phần lớn bọn nhỏ đều được ba mẹ phục vụ nên đa phần không biết phụ giúp việc nhà, ra ngoài lại càng thờ ơ không biết nghĩ đến người khác.  

hình ảnh

Cách đây vài hôm, con tôi thông báo một tin khiến tôi sững người: Na uống thuốc ngủ nhưng may mẹ bạn ấy phát hiện nên cấp cứu kịp thời. Tôi nhớ lại lần tôi gặp Na gần nhất là cách đây 3 tuần. Sau đó, do dịch bệnh nCoV nên chưa thấy cháu đến chơi, chắc gia đình hạn chế cháu ra ngoài. Lần ấy, tôi thấy cháu rất buồn, mắt có vẻ hơi sưng nhưng nghĩ chuyện trẻ con khóc vì bị bố mẹ la mắng nên thôi không hỏi sâu. Có ngờ đâu mọi chuyện xảy ra lại nghiêm trọng đến vậy. 

Hôm nay tôi hỏi thăm con thì được biết sức khỏe Na đã ổn định và đang được điều trị tâm lý tại bệnh viện tâm thần. Hai đứa thường xuyên chát với nhau. Na tâm sự với con tôi cháu muốn chết vì ba mẹ âm thầm ly hôn 2 năm nay mà giấu diếm, vẫn ở chung nhà. Bình thường cả hai đều đi làm, ba Na về nhà rất khuya nên hầu như hiếm khi xảy ra va chạm với mẹ. Nhưng nay do dịch bệnh, công ty cho 2 người làm việc ở nhà nên Na mới biết sự thật khi nghe bố mẹ cãi nhau thường xuyên. 

Thế là Na nghĩ quẩn, chỉ đơn giản để không còn là gánh nặng, để bố mẹ tự do ai đi đường nấy, không vì mình mà cắn đắng nhau. 

Câu chuyện xảy ra qua giọng kể đều đều của tôi không thể nói hết được những xáo trộn, bất mãn và cả bế tắc trong lòng một đứa trẻ. Nhưng hơn ai hết, tôi đã từng trải qua cảnh bố mẹ chia tay nên có thể hiểu được tại sao Na phải làm vậy. Vì thật sự một đứa trẻ không biết cách giải tỏa những kìm nén bên trong nên nó phải tìm cách tự hủy hoại bản thân. Thậm chí có em tự rạch tay chân vì như các em cho biết, điều đó làm chúng cảm thấy thoải mái.

Một nghiên cứu trên 202 trẻ em tại Việt Nam, khoảng 22,8% trẻ bị trầm cảm và có đến 23,7% trẻ muốn tự tử. Đây thực sự là con số đáng để chúng ta suy ngẫm. Đặc biệt, một trong những nguyên nhân gây trầm cảm ở trẻ là do xung đột gia đình, bố mẹ chia tay nhau. 

Vậy nên, nếu không thể sống chung với nhau, hãy chia tay trong văn minh để đứa trẻ đỡ cảm thấy nặng nề khi phải sống trong một bầu không khí căng thẳng từ ngày này sang ngày khác. Sự căng thẳng có thể làm trẻ học hành chểnh mảng, chán đời, bị bạn bè xấu rủ rê, thậm chí tự hủy hoại bản thân.

Thay vì giấu diếm sự đổ vỡ trong chiếc vỏ bọc hôn nhân, sự trung thực của người lớn sẽ làm con cái ít bị tổn thương, Mặc dù rất buồn nhưng chúng vẫn chấp nhận cảm giác chỉ có thể sống bên cạnh một người thân yêu và thỉnh thoảng gặp người còn lại.

Khi ba mẹ li hôn, tùy theo độ tuổi của con mà tìm cách nói chuyện về lý do ly hôn và giải thích tại sao ba mẹ không thể sống chung một nhà. Nhưng trên hết, hãy “giữ lại điều tốt đẹp nhất cho đến phút cuối”. Sự thân thiện của ba mẹ sau khi chia tay sẽ giúp trẻ vẫn cảm nhận được tình yêu thương của đấng sinh thành dành cho chúng. Điều đó giúp hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực lên trẻ hậu ly hôn.